Tránh mất tiền từ thẻ ATM, chủ thẻ cần lưu ý gì?

author 19:20 04/07/2018

(VietQ.vn) - Sau vụ 2 nữ khách hàng- chủ thẻ ATM của Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) bị mất tiền trong tài khoản, nhiều khuyến cáo được đưa ra để người dân không bị mất tiền

Liên tiếp trong tuần này, 2 nữ khách hàng- chủ thẻ ATM của Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) phản ánh tài khoản bị bốc hơi cả trăm triệu đồng khi đang...ngủ.

Cụ thể, chị Đoàn Thị Ngọc Duyên (ngụ quận 12, TP.HCM) phản ánh về việc tài khoản ATM mở tại Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) bị mất đến 116 triệu đồng dù thẻ ATM chị vẫn giữ.

Chị Duyên cho biết, rạng sáng 27/6, từ 3h53 phút đến 3h58 phút (chỉ sau khoảng 20 phút so với trường hợp chị Nguyễn Phương Thùy bị mất 85 triệu đồng), hệ thống từ DongA Bank gửi 5 tin nhắn đến điện thoại của chị, thông báo tài khoản này đã chuyển 96 triệu đồng (4 chuyển khoản đầu, mỗi lần là 20 triệu đồng, một chuyển khoản sau là 16 triệu đồng).

Sau đó, từ 3h58 đến 3h59 phút, chị Duyên tiếp tục nhận được thông báo tài khoản của chị bị rút 20 triệu đồng tiền mặt, với mỗi lần rút là 10 triệu đồng. Theo đó, tổng số tiền chị Ngọc Duyên bị mất là 116 triệu đồng.

Chị Duyên cho biết thêm ngay sau khi bị trừ tiền trong tài khoản, chị điện thoại đến tổng đài, nhờ phong tỏa tài khoản. Tuy nhiên việc liên lạc với ngân hàng cũng không kịp ngăn tiền bị rút khỏi tài khoản, và số dư hiện tại chỉ còn hơn 300.000 đồng.

Sáng 27/6, chị Duyên đến hội sở DongA Bank trình bày và khiếu nại, thì được ngân hàng cho biết tiền trong tài khoản của chị được rút ở một trụ ATM đặt tại phòng giao dịch Âu Cơ (quận Tân Phú). Đây cũng chính là ATM đã rút 85 triệu đồng của chị Nguyễn Phương Thùy (từ 3h31-3h34 phút tài khoản của chị Thùy bị đánh cắp 85 triệu đồng qua 3 giao dịch chuyển khoản và 3 giao dịch rút tiền).

Về phía phản ánh của chị Nguyễn Phương Thùy, (31 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM), hôm 28/6, chị đăng thông tin lên mạng xã hội Facebook chia sẻ về việc số tiền 85 triệu đồng trong tài khoản của chị bất ngờ bị rút trong đêm thông qua nhiều lần rút liên tiếp. Chị Thùy cũng chia sẻ sau sự việc, chị Thuỳ đã liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng của DongA Bank, thì được nhân viên nhà băng cho biết số tiền trong tài khoản của chị được rút và giao dịch chuyển khoản tại một trụ ATM trên địa bàn quận Tân Phú (TP.HCM).

Tổng số tiền 2 nữ khách hàng của DongA Bank bị rút trong đêm lên tới hơn 200 triệu đồng. Với phản ánh bị mất tiền giữa đêm của 2 khách hàng, DongA Bank đã tiếp nhận và thông báo với khách hàng là trong vòng 7 ngày sẽ có kết quả trả lời.

Nhiều khách hàng lo ngại về những lổ hổng trong bảo mật ngân hàng. Ảnh minh họa/Người lao động

Từ vụ việc mất tiền tại một số tài khoản trên, nhiều khách hàng lo ngại về những lổ hổng trong bảo mật ngân hàng.

Ông Hoàng Hiệp, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, nhiều ngân hàng đầu tư vào công nghệ thông tin và có hệ thống bảo mật rất tốt nhưng các hacker bao giờ cũng đi trước về mặt công nghệ, họ luôn tìm thấy lỗ hổng trong công nghệ thông tin của ngân hàng nào đó và lợi dụng điều này để lấy tiền của khách hàng.

Khi có chuyện không may xảy ra với tài khoản của mình, cả ngân hàng và khách hàng phải xem xét một cách công tâm và tìm hiểu nguyên nhân tại sao lại bị mất tiền. Bởi có một số trường hợp bị mất tiền tại các cây ATM là do khách hàng sơ hở làm lộ thông tin, mật khẩu, kẻ gian bằng cách nào đó lấy được mọi thông tin và có thể dễ dàng lấy tiền của khách. Đây là lý do chủ quan ngoài ý muốn nên ngân hàng rất khó ngăn chặn được.

Do vậy, khi khách hàng đến rút tiền tại các cây ATM, phải quan sát kỹ xem cửa đẩy thẻ vào có gắn thiết bị hay vật lạ gì không. Khi thực hiện thao tác đánh mật khẩu nên dùng một tay che lại, tránh cho người ngoài có thể nhìn thấy hoặc camera từ trên chụp xuống để lấy thông tin của thẻ. Đặc biệt, khi rút tiền xong, nên lấy sao kê của giao dịch đó mang về tiêu hủy, không nên để lại trong máy ATM hoặc bỏ lại, vì kẻ gian có thể thu thập các thông tin trên đó để lợi dụng rút tiền khi có điều kiện.

Để hạn chế các trường hợp bị lợi dụng, ăn cắp thông tin, khách hàng nên làm tốt công tác bảo quản thẻ và bảo mật mã PIN, thực hiện đăng ký dịch vụ E-Mobile Banking thông báo biến động số dư tài khoản; đồng thời phải lưu giữ số hotline của các ngân hàng để kịp thời gọi điện khi có sự cố xảy ra.

Mới nhất, Ngân hàng Agribank cũng vừa phát cảnh báo về việc tội phạm xâm nhập vào hệ thống email để thay đổi thông tin về người hưởng trên hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng.

Cụ thể, ngân hàng này cho biết gần đây có một số trường hợp khách hàng chuyển tiền không đến đúng người hưởng do bị "hack email" và yêu cầu ngân hàng hỗ trợ đòi lại tiền từ ngân hàng nước ngoài.

Theo Agribank, hacker thường hướng tới các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các công ty có tính bảo mật không cao, thiếu các quy định về an toàn khi sử dụng email…. Khả năng đòi lại tiền trong trường hợp giao dịch bị hack email là khó do kẻ lừa đảo rút tiền ra ngay sau khi tiền vào tài khoản hoặc do thủ tục đòi tiền rất phức tạp từ phía các ngân hàng nước ngoài.

Minh Hải

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang