Tránh phù nề khắp người và trụy tim mạch khi bị dị ứng hải sản

author 11:39 01/05/2015

(VietQ.vn) - Những người đã bị dị ứng hải sản một lần thì nên tránh xa loại hải sản đó bởi nhiều khi chưa cần tiếp xúc mà chỉ cần hít hơi cũng đã bị lại.

Phù nề khắp người vì bị dị ứng khi ăn hải sản

Phù nề khắp người vì bị dị ứng khi ăn hải sản

Hải sản nói chung là những thực phẩm quý, giàu chất dinh dưỡng nhưng lại là nhóm thức ăn gây dị ứng nhiều nhất trong số các trường hợp bị dị ứng với thực phẩm.

BS. Vũ Phương Anh cho hay, một số loài hải sản như tôm, cua, sò, mực hay gây dị ứng cho những người có cơ địa “nhạy cảm”. Thời gian biểu hiện của dị ứng rất đa dạng và thường xảy ra rất nhanh, chỉ sau khi ăn có khi chỉ vài phút hay vài giờ. Dị ứng hải sản có biểu hiện nhiều nhất là các dấu hiệu ngoài da như da như đỏ da, mẩn ngứa, nổi mày đay. Ngoài ra còn nhiều biểu hiện ở các mức độ khác nhau khác như biểu hiện về thần kinh, hô hấp, tiêu hóa, sốc phản vệ.

Cụ thể, BS. Vũ Phương Anh cho hay, các biểu hiện thần kinh có thể gặp khi bị dị ứng hải sản như đau đầu, chóng mặt, ngất, hôn mê. Các biểu hiện về hô hấp như hắt hơi, ngạt, chảy nước mũi, khó thở giống như bị bệnh hen, co thắt thanh quản. Một số biểu hiện về đường tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa cũng hay gặp phải. Ngoài ra, các tổn thương niêm mạc như phù nề niêm mạc mắt, mũi, miệng cũng có thể xảy ra.

BS Vũ Phương Anh lưu ý, trường hợp nguy hiểm nhất khi bị dị ứng hải sản là các triệu chứng sốc phản vệ khi có trụy tim mạch với các triệu chứng sốc như da tái lạnh, mạch nhanh nhỏ, nổi vân tím, tụt huyết áp. Một số trường hợp tối cấp có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời như co thắt thanh quản, sốc phản vệ.

BS. Vũ Thị Thu Hương cũng cho biết, người có cơ địa không hợp với một số loại hải sản như loại tôm, cua, ghẹ, cá nhám, cá ngừ có thể bị dị ứng khi ăn chúng. Nhẹ thì có thể có những biểu hiện như nổi mề đay khắp người, gây ngứa ngáy. Nặng thì ngoài nổi mề đay còn phù nề mặt, khó thở, nôn, đau quặn bụng, có cảm giác nóng rát vùng thượng vị, tiêu chảy. Trường hợp nặng nhất có khi nguy kịch đến tính mạng do sốc phản vệ.

Dị ứng hải sản

Dị ứng hải sản gây nhiều khó chịu và tổn hại tới sức khỏe. Ảnh minh họa: suckhoedoisong.vn

Đã dị ứng hải sản thì nên tránh xa

Để đề phòng dị ứng hải sản, BS Lan Hương, Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm cho hay, những người đã bị dị ứng với một loại hải sản nào đó nên tránh ăn lại và loại trừ tất cả những món ăn mà thành phần có loại hải sản này. Đặc biệt, hải sản khi chết thì acid amin tốt sẽ bị chuyển hóa thành histamin gây độc cho cơ thể. Người bị ngộ độc trong trường hợp này có nguy cơ tử vong rất cao nếu không được cứu chữa kịp thời và đúng cách. Do đó, không nên mua các loại cá, hải sản bị ươn, chết, có mùi khác lạ.

Tương tự, BS Vũ Phương Anh cũng cho rằng, những người đã được xác định là dị ứng với hải sản nên tránh ăn uống, tiếp xúc với những loại thực phẩm có nguồn gốc từ hải sản. Khi biết được mình bị dị ứng với một loại hải sản nào đó, cần hết sức chú ý khi đi ăn ở nhà hàng. Nên xem kỹ thực đơn, thành phần, nguồn gốc thức ăn để tránh ăn nhầm hải sản đó. Một người bị dị ứng cua biển cũng rất nên thận trọng khi ăn các đồ biển khác như ghẹ, mực, tôm, sò... vì có thể bị dị ứng chéo.

Đặc biệt, người bị dị ứng hải sản cũng nên tránh xa khu vực chế biến hải sản vì khi hít phải hơi thức ăn loại này cũng có thể bị dị ứng. Những tiếp xúc rất nhỏ khác như dùng phải bát đĩa, thìa đựng hải sản cũng có thể khiến bị dị ứng.

Về điều trị dị ứng hải sản, cách tốt nhất là loại trừ thức ăn gây dị ứng ra khỏi cơ thể càng sớm càng tốt bằng cách kích thích gây nôn.

Theo BS Lan Hương, các thuốc kháng histamin có tác dụng tốt với các triệu chứng ở da, niêm mạc như nổi mề đay, ban đỏ, phù mặt, thuốc có thể ngăn chặn được các triệu chứng dị ứng nhẹ ngoài da, niêm mạc. Tuy nhiên, các thuốc trên không ngăn chặn được các phản ứng dị ứng nặng như sốc phản vệ, khó thở nếu có xảy ra.

Do đó, các trường hợp nặng như sốc phản vệ, khó thở, cần phải đưa ngay người bệnh đến bệnh viện, không được tự ý sử dụng các loại thuốc chống dị ứng. Ở bệnh viện, điều đầu tiên là bác sỹ cho bệnh nhân thuốc adrenalin, sử dụng đúng theo phác đồ cấp cứu như bất cứ một sốc phản vệ nào khác. Adrenanin có thể khí dung, tiêm dưới da, tiêm, truyền tĩnh mạch tùy tình trạng bệnh nhân. Sau đó, bác sỹ có thể chỉ định điều trị tiếp phụ thuộc vào diễn tiến của tình trạng dị ứng.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang