Trao hai giải thưởng lớn về KH&CN cho tổ chức và cá nhân tiêu biểu

authorHồng Anh 07:23 30/05/2015

(VietQ.vn) - Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vừa tổ chức tổng kết 20 năm và trao giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam, giải thưởng Cúp vàng Sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2014.

Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Lễ tổng kết và trao Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam 2014, Giải thưởng Cúp vàng Sở hữu trí tuệ Việt Nam 2014.

Tham dự và phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam biểu dương những thành tích các nhà khoa học, các nhà sáng tạo kỹ thuật đã đạt được trong 20 năm qua. 

Ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh đến việc tìm kiếm những giải pháp thu hút thêm nhiều nhà sáng tạo, ứng dụng hỗ trợ của Nhà nước tốt hơn nữa để từ một đề tài ứng dụng tại nhiều địa phương, nhiều ngành trong cả nước; kêu gọi sự tham gia của nhiều doanh nghiệp để vừa hỗ trợ làm đề tài và tăng tiền thưởng cho đề tài.

Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam hằng năm là dịp khẳng định lại việc gìn giữ, phát huy giá trị của dân tộc dũng cảm, kiên cường và sáng tạo. Trong 20 năm qua, hơn 2.200 đề tài, công trình tham dự và gần 700 công trình đoạt giải, đang được ứng dụng rộng rãi, giải quyết các yêu cầu của thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội cao.

Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trao Giải nhất giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2014. (Ảnh: Anh Tuấn

Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trao Giải nhất giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2014. Ảnh: Anh Tuấn

Năm 2014, Ban tổ chức nhận được 92 công trình tham dự, trong đó: Cơ khí tự động hóa (25 công trình); Sinh học phục vụ sản xuất và đời sống (27); Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông (11); Công nghệ mới nhằm bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên (11); Công nghệ vật liệu (12); Công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới (6). 

Ban Tổ chức đã trao giải cho 40 công trình thuộc 6 lĩnh vực, trong đó có 4 Giải Nhất trị giá 40 triệu đồng/giải, 7 Giải Nhì – 25 triệu đồng/giải, 11 Giải Ba – 20 triệu đồng/ giải và 18 Giải khuyến khích, mỗi giải 15 triệu đồng. Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 11 cá nhân là chủ nhiệm và đồng chủ nhiệm của 4 công trình đạt Giải Nhất.

Ban tổ chức cũng đã đề nghị Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới tặng Giải WIPO cho một công trình xuất sắc nhất (lĩnh vực môi trường) của Công ty cổ phần công nghệ sinh học; Giải WIPO cho một tác giả nữ xuất sắc nhất thuộc Công ty cổ phần đầu tư và ứng dụng công nghệ cao HCT có công trình đoạt Giải Nhất lĩnh vực công nghệ Vật liệu.

Các giải thưởng quốc tế, Cúp vàng Sở hữu trí tuệ được trao cho năm công ty, doanh nghiệp gồm Công ty dược phẩm Tâm Bình, Công ty trách nhiệm hữu hạn cơ điện vận tải và thương mại Busan, Xí nghiệp xây lắp khảo sát và sửa chữa các công trình khai thác dầu khí liên doanh Việt-Nga, Công ty cổ phần nước mắm Phan Thiết, Công ty cổ phần ứng dụng công nghệ mới miền Nam ATS.

Giải thưởng tại Festival nhà sáng tạo thế giới tổ chức tại Hàn Quốc: Cúp vàng lĩnh vực sinh học thuộc về công trình “Hệ thống xử lý phân tán nước thải sinh hoạt tại Việt Nam” của tác giả tiến sỹ Hoàng Đức Thảo, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thoát nước và phát triển đô thị Bà Rịa-Vũng Tàu.

Cúp vàng lĩnh vực cơ khí-tự động hóa được trao cho công trình “Thiết kế và chế tạo hệ thống lắp ráp tự động cuộn cảm” của nhóm tác giả tiến sỹ Nguyễn Văn Tân, Phạm Văn Toàn và các cộng sự Trường Đại học Lạc Hồng.

Cúp vàng lĩnh vực bảo vệ môi trường thuộc về công trình “Thiết bị hấp thụ ống tháp sản xuất axit nitoric 60%” của kỹ sư cao cấp Đặng Nhất Thạch, cử nhân Đặng Nhật Tân, Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự, Tổng Cục Kỹ thuật, Bộ Quốc Phòng.

Cúp vàng lĩnh vực công nghệ vật liệu thuộc về tiến sỹ Hoàng Đức Thảo với công trình “Nghiên cứu ứng dụng hào kỹ thuật bêtông cốt thép thành mỏng đúc sẵn trong đồng hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong các đô thị Việt Nam.” Công trình này còn nhận được Cúp nhà sáng chế ưu tú Alfred Nobel của Ban Tổ chức.

Triển lãm quốc tế các nhà sáng tạo nữ, tác giả Đàm Thị Lam, giảng viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đoạt Huy chương vàng với công trình “Lò đốt chất thải rắn sinh hoạt BD alpha.” Công trình này còn đoạt giải Đặc biệt do Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ thế giới trao tặng.

Tác giả Trần Thị La Hường, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và ứng dụng công nghệ cao HTC, đoạt Huy chương bạc với công trình “Ứng dụng các vật liệu tiên tiến để sản xuất máy ozone phục vụ sức khỏe cộng đồng.”

Tiến sỹ Hoàng Đức Thảo, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thoát nước và phát triển đô thị Bà Rịa-Vũng Tàu chia sẻ, ứng phó với biến đổi khí hậu đang thách thức các nhà khoa học. Công ty đã và đang ưu tiên nghiên cứu những công trình ứng phó với biến đổi khí hậu như giải pháp kết cấu bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển. Công trình đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp giấy chứng nhận tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới.

Công trình đã ứng dụng thành công ở đê biển Thái Bình, đang đưa ra giải pháp để phục vụ cho việc lấn biển quai đê của Quảng Ninh, bảo vệ bờ cho Thành phố Hồ Chí Minh, nghiên cứu thí điểm cho kênh ở Sài Gòn.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang