Trào lưu gắn răng khểnh làm đẹp: Coi chừng rước họa vào thân!

author 09:23 21/11/2018

(VietQ.vn) - Thời gian gần đây, giới trẻ rộ lên trào lưu gắn răng khểnh hoặc răng nanh giả, chủ yếu bằng hợp chất nhựa. Tuy nhiên, nguồn gốc, chất lượng các loại răng giả thẩm mỹ này cũng như hợp chất keo đi kèm là vấn đề cần cảnh báo.

Răng khểnh, răng nanh thẩm mỹ đa phần trôi nổi

Trào lưu gắn răng khểnh, răng nanh giả thẩm mỹ dù mới du nhập vào Việt Nam được một thời gian nhưng đã được các bạn trẻ đón nhận, đồng thời đang được các spa đưa vào như một phần trong những liệu trình làm đẹp. Với chi phí thấp, dễ dàng và không gây đau đớn, gắn răng khểnh hoặc răng nanh thẩm mỹ được ví như phương pháp làm đẹp an toàn bậc nhất. Tuy nhiên, điều đó liệu có hoàn toàn đúng?

Trào lưu gắn răng khểnh, răng nanh giả ở giới trẻ đang thịnh hành tại Việt Nam. 

Sử dụng trang công cụ tìm kiếm Google, gõ từ khóa “răng nanh giả”, có tới 5,7 triệu kết quả trả về trong vòng 0,35 giây. Điều đó cho thấy mức độ “hot” của trào lưu làm đẹp này. Và dịch vụ bán răng nanh, răng khểnh nhựa thẩm mỹ cũng nở rộ theo nhu cầu của khách hàng.

Ghé vào một trang chuyên bán răng nanh, răng khểnh giả online có tên “rangnanhgia…”, khách sẽ được nhân viên bán hàng tư vấn nhiệt tình. Theo đó, shop này có nhiều loại răng nanh, răng khểnh kích cỡ 17mm, 15mm, 13mm… chất liệu polymer, giá 85.000đ/bộ 2 cái đến 100.000đ/bộ.

Có địa chỉ khuyến mại keo dán răng 35.000đ/bộ, cùng lời chào mời bằng nhiều hình ảnh hotgirl cười duyên khoe răng khểnh, răng nanh và chỉ dẫn rằng các loại răng sử dụng được nhiều lần, tháo lắp tùy thời gian, ăn uống bình thường. Người sử dụng chỉ phải lưu tâm không nên ăn đồ ăn quá cứng hoặc quá nóng, ảnh hưởng đến độ bền của răng giả.

Bên cạnh các loại răng và giá thành, một vấn khác cũng được khách hàng quan tâm. Đó là loại keo dán răng. Loại keo gắn răng được các fanpage nói trên quảng cáo là an toàn, răng gắn không đau đớn. Khi hòa keo với nhau sẽ tạo thành dung dịch đặc và nếu không may nuốt phải keo này thì cũng… không sao. Giá dao động từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng một bộ, tuỳ theo kích cỡ của răng.

Tuy nhiên, tất cả các địa chỉ bán răng khểnh, răng nanh giả kể trên đều không trả lời được hoặc trả lời theo kiểu giấu đầu hở đuôi một câu hỏi: Nguồn gốc xuất xứ của các loại răng nhựa cũng như keo gắn răng này. Và thay vì có nguồn gốc từ Nhật Bản, Hàn Quốc như quảng cáo, trên thực tế đa phần các loại răng này đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, không có xuất xứ rõ ràng cũng như tiêu chuẩn an toàn.

Theo các chuyên gia y khoa, cần hết sức thận trọng khi gắn răng giả bởi tác hại của hợp chất nhựa và keo dính có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe. 

Coi chừng rước họa!

Theo các bác sỹ chuyên khoa răng hàm mặt, trong nha khoa cũng có thẩm mỹ răng bằng nhiều chất liệu như sứ, kim cương. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nằm ở những sản phẩm không nhãn mác, hàng trôi nổi. Bởi, không thể đảm bảo là không còn dư lượng chất độc hại.

Chia sẻ trên Tiền Phong, TS.BS chuyên khoa II Nguyễn Vũ Trung – Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bác sĩ Khoa Răng Hàm Mặt (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Hà Nội) cho biết, việc tự ý gắn răng giả để tạo răng khểnh gây khó khăn cho việc vệ sinh răng miệng, rất dễ gây ra tình trạng viêm lợi, viêm nha chu, viêm quanh răng do thức ăn mảng bám tích tụ lại. Từ đó gây ra hôi miệng khó chịu, sâu răng hoặc nặng nề hơn có thể gặp phải biến chứng gây phá huỷ tổ chức cứng của răng.

Các hợp chất nhựa làm răng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hoặc không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn sản phẩm có thể gây hại nghiêm trọng cho người sử dụng. Việc lạm dụng các vật liệu làm đẹp không rõ nguồn gốc, chất lượng, sử dụng trong thời gian dài vô tình đưa các độc chất vào cơ thể, gây ra các bệnh răng miệng, đơn giản là gây vôi răng nơi gắn răng giả, viêm nướu, lợi, thậm chí là nguồn cơn của căn bệnh ung thư vòm họng.

Chưa hết, các loại keo dán răng cũng mang ẩn họa cho người sử dụng. “Bằng mắt thường chúng ta không thể kiểm chứng được loại răng giả và keo gắn của nó có thực sự an toàn hay không?"- TS.BS Nguyễn Vũ Trung chia sẻ. Nguyên liệu keo gắn răng giả rao bán trên mạng đều không nhãn mác, thành phần hóa học. Vì thế, không ai dám đảm bảo rằng chúng có chứa các độc tố kim loại nặng như chì, thủy ngân, asen hay không. Trong khi đó, các chất này lại đặc biệt gây hại cho răng lợi và hệ thống tiêu hóa khi qua đường miệng vào cơ thể.

Kinh hãi với cách giảm cân, làm đẹp bằng... ‘hỏa liệu pháp’ (VietQ.vn) - Cư dân mạng đồng loạt chia sẻ đoạn clip về phương pháp làm đẹp khá “độc” có tên là hỏa liệu pháp. Đây là liệu pháp đông y nhưng ẩn chứa nguy cơ tai nạn khôn lường và có thể gây ra hậu quả vô cùng nặng nề.

 Thảo Quyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang