Trẻ bị giật cơ mắt, nấc cụt, nhún vai không kiểm soát vì ‘nghiện’ điện thoại di động

author 19:49 22/08/2017

(VietQ.vn) - Thời gian qua mặc dù đã có quá nhiều lời cảnh báo về tác hại của điện thoại di động tới trẻ nhỏ nhưng dường như nó đã bị bỏ qua nên vẫn có nhiều trường hợp nhập viện.

Trẻ nhập viện tăng cao do "nghiện" điện thoại di động

Theo thống kê hiện nay, cứ 10 vị phụ huynh thì 7 người cho con dùng máy tính bảng hoặc các thiết bị công nghệ. Một nghiên cứu của Đại học Lowa đã phát hiện có 90% trẻ mới 2 tuổi đã biết dùng máy tính bảng.

"Chúng tôi thấy có nhiều trẻ mới 2 tuổi đã chơi máy tính bảng, trong khi nhiều trẻ 3-4 tuổi mà đã nghiện", tiến sĩ Fran Walfish, chuyên gia trị liệu tâm lý trẻ em và gia đình ở Los Angeles (Mỹ) nói. Và theo các chuyên gia có rất nhiều tác động xấu từ thực trạng này.

Còn tại một cuộc họp giáo dục ở London (Anh), các nhà lãnh đạo và giáo viên đã cho rằng, việc trẻ em dùng điện thoại và các thiết bị thông minh sẽ gây nghiện chẳng khác nào đưa cho chúng ma túy và rượu.

Trẻ dùng điện thoại di động có nguy cơ nhiễm hội chứng TIC ((giật cơ mắt tăng cao). Ảnh minh họa

Trẻ dùng điện thoại di động có nguy cơ nhiễm hội chứng TIC ((giật cơ mắt tăng cao). Ảnh minh họa 

Đồng quan điểm này, bà Mandy Saligari, giám đốc trung tâm phục hồi chức năng Harley Street lo ngại về thực tế các bậc cha mẹ thường bỏ qua màn hình các thiết bị điện tử, không nghĩ nó là thứ gây nghiện cho trẻ.

Còn tại Việt Nam, mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận 1 bé gái 9 tuổi ở TPHCM được cha mẹ đưa đi khám vì cơ mắt giật liên tục trong suốt 3 ngày trời. Vì bé bị cận thị bẩm sinh nên phụ huynh nghĩ ngay tới việc bé bị tăng độ hoặc có bệnh lý về mắt và đưa đi khám ở chuyên khoa mắt. Các bác sĩ chuyên khoa mắt đã cho kiểm tra rất kỹ nhưng không thấy bệnh lý gì. Bé cũng được đo lại thị lực và được chỉnh lại kính. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn bị giật mắt liên hồi. Bé được chuyển tới khám ở khoa Nhiễm thần kinh. Tại đây, các bác sĩ cho biết bé mắc chứng rối loạn TIC và được điều trị bằng các liệu pháp tâm lý, cho mắt nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, các bác sĩ khuyên cha mẹ không nên tiếp tục cho con nghỉ hè bằng cách dùng smartphone thoải mái.

Tương tự, một bà mẹ ở Kiên Giang đã lên mạng chia sẻ về việc con trai 4 tuổi của chị sinh ra khoẻ mạnh nhưng nghiện chơi điện thoại lúc 2 tuổi và không có biểu hiện gì. Từ 1 tháng trở lại đây bé có biểu hiện giật cơ mặt, nháy mắt, nhíu mũi. Lúc đầu gia đình nghĩ con thích đùa thế nên mẹ cháu bé la mắng, thậm chí đánh vì sợ con thành thói quen xấu khó bỏ nhưng không hề cải thiện. Mẹ bé đưa bé đi khám bệnh tại chuyên khoa thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, bác sĩ cho biết, bé bị rối loạn TIC tạm thời. Dù bác sĩ nói rằng không phải quá lo lắng vì bé bị TIC tạm thời nên uống thuốc sẽ hết triệu chứng này nhưng bố mẹ cháu vẫn rất lo cháu sẽ vĩnh viễn mắc căn bệnh này.

 
Liên quan tới tác hại của điện thoại di động khi trẻ tiếp xúc nhiều, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác nhận rằng bức xạ của điện thoại di động có thể gây ra ung thư.

Tiến sĩ Devra Davis – một nhà nghiên cứu sức khỏe môi trường, người đứng đầu tổ chức Environmental Health Trust cảnh báo: trẻ em, phụ nữ mang thai không nên tiếp xúc quá nhiều với điện thoại di động, máy tính bảng có sử dụng wifi bởi chúng là nguồn bức xạ có thể gây ung thư.

Theo phân tích của Tiến sĩ Devra, bộ não của trẻ nhỏ chứa nhiều dung dịch hơn của người lớn và có hộp sọ mỏng hơn, điều này ảnh hưởng tới lượng bức xạ được hấp thụ, khiến cho chúng dễ bị tổn hại hơn so với người lớn. Với trẻ em, thiếu niên sử dụng điện thoại di động từ khi còn nhỏ, nguy cơ mắc ung thư não sẽ cao hơn khoảng 4- 5 lần so với những đứa trẻ không sử dụng.

Viện Nghiên cứu Y khoa trẻ em Mỹ và Hội Y khoa Canada cảnh báo rằng không nên cho trẻ từ 0-2 tuổi tiếp xúc với thiết bị điện tử dưới bất cứ hình thức nào. Còn với trẻ từ 3-5 tuổi thì hạn chế 1 tiếng/ngày, và từ 6-18 tuổi thì thời gian tiếp xúc chỉ nên ở mức 2 tiếng mỗi ngày.
 

Hội chứng rối loạn TIC nguy hiểm thế nào?

Theo BS Nguyễn Quang Vinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM, tại Bệnh viện Nhi đồng 1, mỗi ngày các bác sĩ tiếp nhận khoảng 4-5 bé mắc chứng rối loạn TIC. Trong đó, trẻ trai mắc nhiều hơn, thường gặp ở độ tuổi từ 4-10 tuổi.

Rối loạn TIC vận động thường gặp hơn, nhất là giật cơ mắt. Trong số những trẻ đang điều trị tại đây, có đến 10% bệnh nhi phải chuyển xuống điều trị tại khoa tâm lý lâm sàng. 

Nguyên nhân gia tăng đa phần do trẻ lạm dụng thiết bị smartphone để chơi game, xem hoạt hình. Màn hình smartphone khá nhỏ, trẻ tập trung vào một điểm nhỏ đã khiến mắt căng thẳng. Thêm vào đó, sự cộng hưởng với chuyển động 24 hình/giây của phim hoạt hình, chuyển động nhanh của vật thể trong game khiến rối loạn TIC tăng lên.

Bác sĩ Vinh cho biết thêm, các triệu chứng trên đều thuộc một loại rối loạn TIC. Trẻ hoàn toàn không có tổn thương bên trong não và thần kinh ngoại biên.

Rối loạn TIC là một dạng rối loạn chức năng tuy không gây nguy hiểm, nhưng nếu không điều trị, chứng TIC có thể tạo tật xấu cho trẻ. Bên cạnh đó, rối loạn TIC sẽ tăng lên nếu như trẻ căng thẳng.

Biểu hiện chính rất dễ nhận biết như biểu hiện bằng các triệu chứng thường từ trên xuống dưới. Thường gặp nhất là vùng mặt, vùng đầu, cánh tay, bàn tay, xa hơn là hệ thống hô hấp và tiêu hoá. Vùng mặt thường biểu hiện nhăn mặt, nhăn trán, nhớn lông mày, nháy mi mắt, nhăn mũi, chun lỗ lũi, nhếch mép, cắn môi, thè lưỡi, há miệng, lắc đầu, cắn lưỡi, xoay cổ.

Ở phía dưới thường là giật bàn tay, giật cánh tay, giật ngón tay, nhún vai, lắc chân, lắc đầu gối. Nếu là đường tiêu hoá thường là nấc cụt, ngoài ra còn biểu hiện cả những hành động như thở dài, ngáp, hít, huýt sáo, ợ, hắng giọng, phát ra những âm thanh lạ…

Do đó, loại trừ các yếu tố gây căng thẳng là việc quan trọng nhất trong điều trị TIC. Việc lạm dụng thuốc an thần trong điều trị TIC giống như con dao 2 lưỡi. Thuốc an thần có thể điều chỉnh thần kinh nhưng gây tác dụng phụ không ai muốn như cứng cơ, trẻ tiếp thu chậm. 

An Dương (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang