Trẻ hay chơi trò dân gian và trẻ hay chơi trò bạo lực: Lớn lên ai sẽ nhân hậu?

authorViết Cường 06:16 21/05/2015

(VietQ.vn) - Trẻ em hôm nay không còn biết tới hoặc biết rất ít những trò chơi dân gian. Thay vào đó là những trò chơi, thú vui hiện đại mà con người tạo ra trong xu thế hội nhập.

Đối với những bạn có tuổi thơ bên lũy tre làng hay tuổi đời 8x và đầu 9x thì những trò chơi dân gian hết sức quen thuộc. Nhảy dây; ô ăn quan; kéo co; trốn tìm... đã trở thành hình tượng mang tính lịch sử ghi dấu ấn mãi trong lòng. Thời đó, trẻ em gần như không có đồ chơi mà chỉ có những trò chơi.

Trò chơi dân gian gắn với đời sống sinh hoạt và sản xuất của người nông dân. Những thú vui lành mạnh không chỉ là phương tiện thư giản, giải trí bổ ích sau những lúc lao động mệt nhọc mà còn rèn luyện sức khoẻ, tạo phản ứng nhanh nhạy, khéo léo trong mỗi con người. Những đêm trăng sáng ông bà, cha mẹ quây quần bên ấm nước chè xanh xem con trẻ túm áo nhau “rồng rắn lên mây”. Tất cả cũng hồi hộp, chờ đợi người bị bắt khi chơi trò “trốn tìm” hay “bịt mắt bắt dê”.

Trò chơi dân gian

Trò chơi dân gian "đánh chuyền" hiện nay không còn mấy người chơi

Hoặc đôi khi chỉ là những viên sỏi nhặt ở đường làng, mấy đứa trẻ quên cả ăn lê la “chơi ô ăn quan”, mấy que tre nhờ ông bà, cha mẹ vót chuốt nhẵn nhụi cho trẻ chơi “cỗ chuyền”. Viên gạch non vẽ ô tròn, ô vuông để nhảy lò cò, vừa nhảy vừa điều khiển mảnh ngói hay mảnh sành vỡ sao cho đi đúng đường, đúng hướng... Những buổi thả trâu giữa đồng hoặc triền đê, ven đồi ...bọn trẻ túm năm, tụm ba không phân biệt con trai hay con gái chơi trò “trận giả”, “trốn tìm”, “chơi bi”, “đánh đáo”...

Sức hút của các trò chơi dân gian lớn hơn nhiều so với tưởng tượng và được chứng minh qua hàng chục năm từ thế hệ này đến thế hệ khác. Tuy nhiên lịch sử cuối cùng cũng bị sự hiện đại thay thế, vùi lấp. Trẻ em bây giờ ngay cả vùng nông thôn cũng chẳng còn ai chơi những trò dân gian như trước nữa. Chúng bị xếp vào danh sách lạc hậu quê mùa và không em nào thèm đoái hoài tới.

Mặc dù không nhất thiết thời thơ ấu của bạn chắc chắn phải chơi trò chơi dân gian nhưng nếu không biết gì về chúng thì sẽ trở thành thiếu sót, lỗ hổng nhất trong cuộc đời. Nó đã là bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam và ngay cả người dân Việt còn không muốn chơi thì mất hết ý nghĩa. Nhiều bạn trẻ giờ muốn chơi lại mấy trò dân gian thì chẳng biết chơi ở đâu và cũng chẳng có ai chơi cùng.

Trong khi các trò giải trí hiện nay của trẻ nhỏ là các bộ phim đánh nhau, các game bắn súng trên máy tính, ipad, smartphone,… có nghĩa là những thứ mà chỉ cần một mình, không cần ai khác cũng có thể chơi được, thì các trò chơi dân gian luôn mang tính cộng đồng cao, trong không gian phù hợp.

Để chơi được ô ăn quan, trốn tìm hay bịt mắt bắt dê,… phải cần có nhiều người chơi một lúc. Điều này tạo cho trẻ sự gắn kết, chia sẻ, hỗ trợ nhau trong quá trình chơi. Ngoài tính cộng đồng, đặc điểm các trò chơi dân gian cũng ảnh hưởng tốt đến sự sáng tạo, kích thích tư duy của trẻ nhỏ.

Ví dụ như trò “đánh chuyền” có rất nhiều kiến thức chất chứa, gửi gắm ở đó như: chuyền chuyền một, chuyền chuyền hai..., cho tới chuyền chuyền mười, là cách học con số rất sinh động. Hay chơi ô ăn quan phải tính nhẩm giỏi và nhanh mới "ăn quan" được. Và cả những câu đồng dao thường chứa đựng “kinh nghiệm sống” khá giản dị mà bất ngờ, "Ai cày ruộng thì nuôi trâu, ai trồng dâu thì nuôi tằm, ai hay nằm thì nhịn đói".

PGS. TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho rằng: “Cuộc sống đối với trẻ em không thể thiếu những trò chơi. Trò chơi dân gian không đơn thuần là một trò chơi của trẻ con mà nó chứa đựng cả một nền văn hoá dân tộc Việt Nam độc đáo và giàu bản sắc. Trò chơi dân gian không chỉ nâng cánh cho tâm hồn trẻ, giúp trẻ phát triển khả năng tư duy, sáng tạo, sự khéo léo mà còn giúp các em hiểu về tình bạn, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước”.

Tóm lại, cùng với những phương thức giáo dục khác, trò chơi dân gian có khả năng góp phần hình thành nên tâm hồn trong sáng cho trẻ thơ. Nó tạo ra sân chơi lành mạnh giúp các em tránh xa những tệ nạn xã hội đang len lỏi vào mọi ngõ ngách của đời sống.

Theo nhà nghiên cứu về văn hóa Phan Duy Nghĩa, khi đặt trò chơi dân gian và trò chơi điện tử cạnh nhau nghe có vẻ khập khiễng, bởi người ta vẫn thường nghĩ trò chơi dân gian thuộc về thời xa xưa, còn trò chơi điện tử rõ ràng là chỉ có ở thời hiện đại. Song thực tế giữa chúng lại có một mối quan hệ mà không phải ai và không phải lúc nào cũng có thể nhận ra.

Trò chơi hiện đại

Nhiều trẻ em ngày nay nghiện game, chơi game đến quên ăn quên ngủ. 

Trò chơi điện tử là niềm say mê đến bỏ ăn, bỏ ngủ của không ít trẻ em hiện nay. Ta có thể tìm thấy hàng trăm băng đĩa trò chơi đủ mọi thể loại, hàng trăm tụ điểm tổ chức trò chơi điện tử đủ mọi quy mô ở khắp các thành phố và ngay cả ở những vùng quê hẻo lánh. Nhiều trò chơi điện tử với nội dung và hình ảnh bạo lực đã xâm nhập và in sâu vào đầu óc, trở thành thói quen trong suy nghĩ của không ít trẻ em.

Tuy nhiên, không phải mọi trò chơi điện tử đều có hại. Chúng cũng có những mặt tốt riêng. Ví như trò chơi “chơi cờ”, “xếp hình” giúp các em rèn luyện trí thông minh; trò chơi “xếp chữ” (tiếng Anh) tạo điều kiện để các em trau dồi ngoại ngữ. Còn với những trò chơi bạo lực thì sao? Mục đích cuối cùng của các trò chơi này là phải bằng mọi giá tiêu diệt hết mọi kẻ thù nếu không muốn mình bị đối phương hạ gục và thường là người chơi phải xả súng bắn không tiếc đạn...

Trong các trò chơi đó rất hay xuất hiện những thân người đầy máu, những hình nhân quái dị, những xác chết ngổn ngang, những vũng máu đỏ lòm và vũ khí thì nhiều vô kể, đủ mọi loại. Những hình ảnh đó gây ấn tượng rất lớn trong tâm hồn các em, nhiều khi để lại những tác hại khó lường.

Rất dễ hình dung nếu hai đứa trẻ trong suốt thời thơ ấu của mình, một em luôn được chơi các trò chơi dân gian, còn một em luôn làm bạn với những trò chơi điện tử bạo lực thì khi lớn lên, đứa trẻ nào sẽ nhân hậu, biết yêu thương mọi người, còn đứa trẻ nào sẽ dễ dàng sống và cư xử như những nhân vật hiếu chiến, tàn nhẫn trong các trò chơi ấy. Tất nhiên không thể khẳng định rằng, cứ chơi trò chơi dân gian nhiều là sẽ trở thành người có tâm hồn trong sáng, vì sự hình thành tâm hồn cho trẻ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa; nhưng trò chơi dân gian luôn nâng cánh cho tâm hồn các em.

Như vậy, giữa trò chơi dân gian và trò chơi điện tử có một mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, khăng khít, góp một phần không nhỏ trong việc hình thành tâm hồn cho trẻ, giúp trẻ phát triển khả năng tư duy, sáng tạo, sự khéo léo, giúp trẻ hiểu về tình bạn, tình yêu gia đình, quê hương và đất nước./.

Viết Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang