Trẻ nhỏ càng ăn càng gầy: Đây có thể chính là thủ phạm

authorNgọc Nga 16:15 15/06/2017

(VietQ.vn) - Mùa hè nóng bức, nhiều phụ huynh dùng bột sắn dây, ninh đậu xanh, đậu đen thay cho bữa ăn của trẻ với mục đích thanh nhiệt, tuy nhiên các loại thực phẩm này không phù hợp với trẻ nhỏ sẽ khiến trẻ thiếu hụt chất dinh dưỡng.

Ăn sắn dây, đậu xanh thay cơm làm giảm cân

Theo TS.BS Phan Bích Nga - GĐ Trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng- Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mùa hè, nhiều phụ huynh thường dùng bột sắn dây, ninh đậu xanh, đậu đen để thay thế cháo cho bữa ăn của trẻ với mục đích thanh nhiệt, dễ ăn và tiêu hóa tốt. Tuy nhiên, các loại thực phẩm này không phù hợp với sức khỏe của trẻ nhỏ. Bột sắn hoặc các loại hạt đậu thường không có nhiều năng lượng như cơm, cháo.

Chế độ ăn thiếu hụt nặng lượng sẽ khiến cơ thể trẻ phải huy động các chất để sinh năng lượng cho bé thoạt động. Vì vậy, trẻ dễ bị xuống cân nếu không ăn đủ chất bột đường.

Các loại thực phẩm này không phù hợp với sức khỏe của trẻ nhỏ, dễ khiến trẻ thiếu hụt dinh dưỡng. Ảnh minh họaBột sắn dây không phù hợp với sức khỏe của trẻ nhỏ, dễ khiến trẻ thiếu hụt dinh dưỡng. Ảnh minh họa

Uống nước nhân trần, đậu đen làm thiếu năng lượng

Cũng theo TS.BS Phan Bích Nga, đối với trẻ nhỏ, các loại lá thanh nhiệt như nhân trần, nụ hoa tam thất, nước đậu đen không nên dùng thay thế nước lọc và sữa bởi những loại nước này rất ít năng lượng. Trẻ dưới 2 tuổi cần phải ăn uống các thực phẩm nhiều năng lượng.

Uống nhiều nước ngọt có gas làm tổn thương chức năng gan, thận

Lượng đường trong một lon nước ngọt có ga thường rất lớn, nhưng chỉ là năng lượng rỗng. Ngoài ra, lượng axit phosphoric và lượng phosphate có trong nước ngọt có ga dễ gây loãng xương. Lượng caffein có trong đó cũng làm giảm khả năng tập trung của trẻ. Do đó, TS.BS Phan Bích Nga khuyến cáo nên cho trẻ tránh xa loại nước này để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực tới chức năng gan và thận.

Ăn quá nhiều đồ ngọt gây béo phì

Với các loại như kẹo ngọt, kem, nước ngọt, hoa quả ngọt (mít, vải, nhãn…), cha mẹ không nên cho trẻ ăn quá nhiều. Chế độ ăn quá nhiều đồ ngọt có thể làm tăng lượng đường trong máu, khiến cơ thể dễ bị nhiễm khuẩn, mụn nhọt trên da. Thói quen này còn có thể gây ra thừa cân béo phì, rối loại chuyển hóa (bệnh tiểu đường).

Cho trẻ ăn dặm quá sớm ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa

Không ít trẻ 4 tháng tuổi vẫn chưa thích ứng được với cách ăn dặm, phản xạ nuốt thìa của trẻ còn kém, hệ đường ruột của trẻ còn non nớt để tiếp nhận bột, đạm. Nhiều trẻ vì vậy đã bị đi ngoài hoặc rối loạn tiêu hóa do ăn dặm sớm.

Do đó, khi trẻ được 6 tháng tuổi mới nên cho trẻ ăn bổ sung. Thời kỳ 4 tháng tuổi chỉ là tập ăn dặm cho trẻ. Các mẹ có thể tập cho con ăn dặm bằng cách, mỗi bữa chỉ cần cho ăn 1 thìa chuối hoặc đu đủ, khoai tây luộc trộn với 1 ít sữa. Sau khoảng 1 tuần làm quen như vậy thì có thể xay bột cho trẻ ăn bổ sung.

Cho trẻ ăn dặm quá sớm trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa. Ảnh minh họaCho trẻ ăn dặm quá sớm trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa. Ảnh minh họa

Bữa ăn kéo dài quá 30 phút

Nắng nóng thường làm trẻ dễ biếng ăn. Do đó, thay vì cho trẻ ăn cùng một lúc, bố mẹ nên chia nhỏ bữa. Điều này sẽ giúp trẻ dễ hấp thu dinh dưỡng hơn. Khi cho trẻ ăn, một bữa không nên kéo dài quá 30 phút. Bởi khi ăn quá lâu, thức ăn bị vữa có thể gây rối loạn tiêu hóa cho trẻ.

Nhồi con ăn lúc ốm khiến trẻ hoảng loạn 

Thời tiết nóng bức, trẻ dễ mắc các chứng bệnh cảm, sốt, dễ bị biếng ăn, các mẹ sợ con giảm cân sẽ thúc ép ăn. Hoặc đơn giản do trẻ mải chơi trong lúc ăn nên các mẹ sẽ quát mắng, dọa dẫm khiến trẻ sợ ăn, chỉ cần nghe hoặc nhìn thấy bát bột, bát cơm là trẻ quay đi, khóc, buồn nôn; trẻ lớn hơn một chút sẽ chạy trốn.

Vì vậy, TS.BS Phan Bích Nga lưu ý các cha mẹ, tránh việc cáu gắt, đánh con khi ăn, nhất là trong hoặc sau khi trẻ có vấn đề về sức khỏe. Mẹ không nhất thiết nhồi ép bắt trẻ ăn đủ từng bữa nhưng cần cố gắng cho trẻ ăn đủ số lượng thức ăn trong ngày.

Ngọc Nga

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang