Trẻ tới viện bị nhiễm sởi: Cục y tế Dự phòng nói gì?

author 11:19 18/04/2014

(VietQ.vn) - Trong thời gian qua một số bệnh viện tuyến trung ương quá tải, không có điều kiện cách ly tốt nên có một số trường hợp đến điều trị các bệnh khác mà bị nhiễm sởi.

Sự kiện: Cách phòng chống và điều trị bệnh Sởi

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y Tế) nêu nhận định tại cuộc giao lưu trực tuyến với người dân sáng 18/4.

Trả lời câu hỏi của độc giả về việc một số trẻ đến bệnh viện để chữa bệnh khác mà bị lây sởi và cách phòng sởi của bé trong bệnh viện là thế nào để mọi người có hướng phòng chống, ông Trần Đắc Phu cho rằng, sởi là một bệnh lây nhiễm rất cao theo đường hô hấp, gần như là trẻ chưa có miễn dịch với sởi mà tiếp xúc với bệnh nhân sởi đều có khả năng lây bệnh. Và trẻ bị nhiễm virus sởi gần như 100% có biểu hiện bệnh lý.

Bé 9 tháng tuổi (Hưng Yên) vào viện điều trị viêm phế quản thì nhiễm sởi, đã tử vong vào 16/4

Việc trẻ em đi đến bệnh viện để chữa các bệnh khác mà tiếp xúc với nguồn lây là có khả năng mắc bệnh sởi.

Hiện tại, ở bệnh viện mà có số trẻ mắc sởi đông, không có khả năng thực hiện tốt các biện pháp cách ly do bị quá tải, các bệnh nhân đến khám không được theo luồng riêng, không được phân tách các bệnh truyền nhiễm riêng, trẻ em nằm quá đông, thậm chí nằm chung giường bệnh thì khả năng mắc sởi có thể xảy ra.

Ông Phu cũng lưu ý người dân có ý định đưa con tới khám tại bệnh viện lớn tại thời điểm này, sẽ không những bị lây nhiễm sởi mà còn có thể lây nhiễm các bệnh khác.
Chính vì vậy trong thời gian qua một số bệnh viện tuyến trung ương quá tải, không có điều kiện cách ly tốt nên có một số trường hợp đến điều trị các bệnh khác mà bị nhiễm sởi. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu thiết lập các bệnh viện vệ tinh để điều trị bệnh nhân sởi, giải quyết quá tải cho Bệnh viện Nhi trung ương.

“Nhân đây tôi cũng khuyên rằng nếu như các bà mẹ có con em mắc bất kỳ một bệnh nào cần lên đến cơ sở y tế tuyến cơ sở để được khám và tư vấn nên điều trị ở tuyến nào là phù hợp. Và những bệnh nhẹ thì có thể điều trị ở nhà hoặc những cơ sở y tế tuyến dưới, không đi lên tuyến trên nơi đang điều trị những bệnh nhân sởi, vì ở đó có nguồn lây bệnh”, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng nói .

Về phía chuyên môn, PGS Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, đã đưa giải thích cụ thể  vì sao có hiện tượng lây chéo các bệnh trong bệnh viện.

Theo đó có nhiều lý do. Thông thường các bệnh, diễn biến theo các giai đoạn như sau: giai đoạn ủ bệnh tính từ lúc virus hoặc vi khuẩn xâm nhập cơ thể cho đến khi có biểu hiện đầu tiên. Giai đoạn này thường kéo dài 1-2 tuần.

Ông Trần Đắc Phu

Tiếp theo là giai đoạn bệnh bắt đầu biểu hiện, thường kéo dài 2-5 ngày, giai đoạn này bệnh chưa rõ ràng. Tiếp theo là giai đoạn  bệnh biểu hiện rõ ràng, mà chúng ta co thể chẩn đoán được dựa vào khám bệnh. Điều quan trong là các bệnh có thể lây lan ra xung quanh ngay từ cuối giai đoạn ủ bệnh và giai đoạn bệnh bắt đầu biểu hiện, đặc biệt lây truyền qua đường hô hấp như sởi, cúm... Điều này là ngoài ý muốn của thầy thuốc.

“Tại một cơ sở y tế, khi có quá nhiều bệnh nhân, chúng ta sẽ khó quản lý việc lây truyền nói trên và các cháu sẽ có nguy cơ lây nhiễm thêm các bệnh khác. Vì vậy ngành y tế đã đưa ra các biện pháp phòng chống bệnh như: thực hiện  tiêm chủng để hạn chế bớt những bệnh ngừa được bằng văcxin, thông báo dịch để mọi người cùng phòng tránh, tránh tụ họp nơi đông người để tránh lây lan bệnh”, ông Huy nói.

Trước tình trạng lây lan nhanh của dịch sởi, một người dân tại Hà Nội đặt câu hỏi: Tại sao đến bây giờ Bộ Y Tế vẫn chưa công bố dịch sởi để mọi người biết và phòng tránh. Nhiều người ở quê không đọc báo mạng thì không thể biết tình hình bệnh lại nghiêm trọng như thế. Trong khi Philippines mới có hơn 25 trẻ tử vong do sởi mà họ đã công bố dịch rồi. Việc không công bố dịch có lợi gì cho người dân và cho đất nước?

Theo ông Trần Đắc Phu, hiện nay việc công bố dịch được thực hiện theo Quyết định 64/2010/QĐ-TTg quy định về điều kiện công bố dịch. Sởi là dịch bệnh nhóm B nên việc công bố dịch phụ thuộc vào thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh trên cơ sở đánh giá dịch bệnh và khả năng kiểm soát của địa phương. Hiện nay các địa phương này thấy rằng dịch vẫn trong tầm kiểm soát nên chưa công bố. Khi có 2 tỉnh trở lên đồng thời yêu cầu công bố dịch, Bộ Y tế sẽ xem xét để công bố dịch theo thẩm quyền được giao.

Việc Bộ Y tế chưa công bố dịch không có nghĩa là không thông báo cho người dân và không triển khai các hoạt động phòng chống dịch. Thực tế trong thời gian qua Bộ Y tế đã huy động cao độ các nguồn lực vào phòng chống bệnh sởi. Ngay từ đầu Phó Thủ tưởng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo các hoạt động phòng chống dịch bệnh trong đó có bệnh sởi, rà soát đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng. Đến nay 63/63 tỉnh, thành phố đã triển khai chiến dịch tiêm văcxin sởi này và quyết tâm hoàn thiện trong tháng 4/2014. Một số các tỉnh như Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Hà Giang... có mắc sởi nhưng đã giảm mạnh, chỉ còn ghi nhận một vài ca lẻ tẻ và không còn ca bệnh.

“Dịch bệnh luôn diễn biến phức tạp, Bộ Y tế sẽ tiếp tục nghiên cứu, theo dõi tình hình để triển khai các biện pháp phòng chống dịch, cung cấp thông tin cho người dân và đồng thời đôn đốc quyết liệt chiến dịch tiêm chủng văcxin, nhằm kiểm soát một cách chủ động bệnh sởi trên phạm vi toàn quốc”, ông Trần Đắc Phu cho biết.

 

 

Hạ Lan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang