Trẻ tử vong do điện nơi công cộng giật, cha mẹ cần cảnh giác cao độ

author 17:11 10/09/2017

(VietQ.vn) - Tình trạng điện giật gây chết người nơi công cộng không phải là hiếm. Mới đây một bé trai ở Nghệ An đã tử vong do điện giật.

Tối 8/9, gia đình anh Bùi Duy Tới (31 tuổi), trú tại xóm 7, xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An thấy con trai là Bùi Duy Q. (4 tuổi) đi chơi chưa về nên hốt hoảng đi tìm.

Một lúc sau, gia đình bàng hoàng khi phát hiện con trai đang nằm bất động cạnh đường, bên cạnh là sợi dây điện. Qua kiểm tra thì cháu bé đã tử vong trước đó. Dùng bút thử điện dí vào sợi dây điện thì thấy bóng vẫn đang sáng.

Công an địa phương sau đó có mặt tại hiện trường điều tra nguyên nhân sự vụ. Bước đầu, nhà chức trách xác định cháu Q. bị điện giật tử vong.

 Hiện trường vụ bé trai tử von do điện giật. Ảnh: Zing News

 Hiện trường vụ bé trai tử von do điện giật. Ảnh: Zing News

Qua khám nghiệm, công an phát hiện bé Q. tử vong, bên cạnh có một sợi dây điện còn dính vào chân, có vết cháy sém. Sợi dây điện này nằm trong hệ thống dây chằng chịt trên đường điện liên xóm. Tại thời điểm phát hiện vụ việc, sợi dây bị đứt sà xuống đường.

Ông Hồ Trọng Lộc – Trưởng công an xã Quỳnh Lương xác nhận sự việc trên và cho biết Cơ quan chức năng đang khám nghiệm, điều tra nguyên nhân xảy ra sự vụ.

Tương tự, trước đó vào khoảng 8h30 ngày 14/5/2016, sau khi ăn cơm, bé T cùng nhóm bạn trong xóm ra công viên Châu Văn Liêm (cách nhà khoảng 100m) chơi trốn tìm. Trong lúc chơi đùa, bé T vấp ngã vào cột đèn và bị điện giật tử vong.

Hai trường hợp trên chỉ la ít trong nhiều trường hợp trẻ em tử vong do điện lưới nơi công cộng. Các bác sĩ cho rằng, điện nơi công cộng rất nguy hiểm nhất là vào mùa mưa. Điện giật thường gây nhiều loại tổn thương cho cơ thể nạn nhân, có thể bị ngừng tim, ngừng thở và tổn thương các cơ quan gây nguy cơ tử vong cao hoặc để lại các di chứng nặng nề. Mối nguy hiểm của điện giật phụ thuộc vào mức điện thế của dòng điện, dòng điện xoay chiều hay một chiều.

Với cường độ dòng điện dưới 30mA sẽ không ảnh hưởng gì nhiều, dưới 80mA sẽ gây giật nhẹ, từ 80-300mA sẽ gây nguy hiểm. Bên cạnh đó là các yếu tố như dòng điện truyền qua cơ thể như thế nào, thời gian tiếp xúc dòng điện và điện trở của mô tiếp xúc. Với những mô xương, do điện trở cao nên ít nguy hiểm hơn, với mô da, đặc biệt là da ẩm ướt, điện trở càng thấp thì mức độ nguy hiểm càng cao.

Do đó cha mẹ không nên cho con chơi đùa một mình mà phải có người lớn đi kèm nhất là vào những ngày mưa gió rất nguy hiểm vì trẻ em luôn hiếu động và thích khám phá. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến tình trạng tai nạn thương tích ở trẻ em ngày càng nhiều.

Đề phòng điện giật

Để đề phòng điện giật, cần tuân thủ các quy tắc sử dụng điện an toàn. Phải lưu ý, ngắt nguồn điện khi sửa điện, các ổ cắm điện, thiết bị điện cần để xa tầm với của trẻ em. Trên thực tế, các cơ sở y tế thường tiếp nhận khá nhiều trường hợp bị điện giật, chủ yếu là thợ sửa điện, thợ sơn, thợ hàn, những người làm những công việc liên quan đến thiết bị điện, kể ca sửa điện ở nhà...

Khi sửa những vật dụng có điện khác, thông thường mọi người ngắt cầu dao rồi mới tiến hành sửa. Còn sửa bồn nước, nhiều người thường quên rằng bồn nước trên mái nhà cũng có gắn điện, quên ngắt cầu dao thì có thể bị giật điện khá nguy hiểm. Ngoài ra, nhiều trường hợp bị điện giật còn do phơi quần áo ướt lên dây sắt có dẫn điện, chạm phải dây điện rơi xuống đường, xuống vùng có nước, nhất là mùa mưa bão... Nhiều trường hợp cấp cứu nạn nhân là trẻ nhỏ, do ổ cắm điện trong gia đình để quá thấp, các thiết bị điện bị nhiễu, trẻ vô tình chạm phải.

 

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang