Triển khai mô hình áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen: Hiệu quả từ Công ty Cổ phần Gốm sứ Quang Minh

author 13:50 06/06/2020

(VietQ.vn) - Sau thời gian triển khai mô hình áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen trong sản xuất theo tư vấn và hỗ trợ của Nhóm dự án, tại công ty Quang Minh đã thu được nhiều kết quả khả quan.

Công ty Cổ phần Gốm sứ Quang Minh được thành lập năm 2008 thuộc làng nghề truyền thống Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Xuất phát điểm của công ty Quang Minh là cơ sở sản xuất gốm sứ Sơn Hà – thành lập từ năm 1994 tại xóm Giang Cao, Bát Tràng.

Các nghệ nhân Sơn Hà được biết đến qua việc nghiên cứu và sản xuất gốm sứ cao cấp phục vụ cho việc phục dựng và xây dựng đình, chùa – đây được coi là lĩnh vực khó, đòi hỏi kiến thức sâu rộng cũng như nắm rõ các kỹ thuật sản xuất gốm sứ lâu đời. Vào năm 2004, các nghệ nhân Sơn Hà bắt đầu phát triển sản xuất gạch mosaic gốm sứ phục vụ thị trường trang trí nội thất cao cấp.

Năm 2008, với tham vọng nâng cao vị thế trên thị trường, công ty Quang Minh được thành lập và chuyển cơ sở sản xuất sang cụm làng nghề xã Bát Tràng nhằm mở rộng nhà xưởng và xây dựng showroom giới thiệu sản phẩm. Đến thời điểm hiện tại, công ty Quang Minh đã tạo dựng được uy tín trong lĩnh vực mosaic gốm sứ. Công ty đã hoàn thành dự án “Con đường gốm sứ ven sông Hồng”; “Tôn Vinh Làng nghề truyền thống gốm sứ Giang Cao – Bát Tràng”.

Nhà xưởng trước khi tiến hành cải tiến (hình ảnh từ công đoạn chuyền nhúng men: các phần việc được làm trực tiếp trên sàn nhà dẫn đến việc không đảm bảo được chất lượng sản phẩm). 

 

Bên cạnh đó, nghệ nhân Nguyễn Quý Sơn, Tổng giám đốc công ty Quang Minh đã được UBND TP. Hà Nội phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội nhằm vinh danh những đóng góp của ông trong việc giữ gìn và phát triển ngành gốm sứ truyền thống. Trong kế hoạch phát triển tiếp theo, công ty Quang Minh có tham vọng mở rộng sản xuất, cải tiến chất lượng sản phẩm và dịch vụ để từ đó gia tăng tầm ảnh hưởng trên thị trường và phát triển bền vững.

Dự án “Hỗ trợ các doanh nghiệp làng nghề áp dụng công cụ cải tiến Kaizen để nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh” của Trường Đại học Ngoại thương bắt đầu từ năm 2019 và triển khai rộng khắp trên 05 làng nghề ở các địa phương ở phía Bắc gồm: Làng nghề La Phù (với sản phẩm dệt kim và sản xuất, chế biến thực phẩm), Làng nghề Chăn ga gối đệm Trát Cầu (với các sản phẩm là chăn, ga, gối và đệm), Làng nghề Cơ khí Rùa (với các sản phẩm cơ khí), Làng nghề gốm sứ Bát Tràng (với sản phẩm gốm, sứ) và Làng nghề Phương La (với sản phẩm là các loại khăn).

Công ty Quang Minh thuộc làng nghề Bát Tràng được lựa chọn là một trong các doanh nghiệp để triển khai Dự án. Kế thừa truyền thống của làng nghề lâu đời cộng với tinh thần sẵn sàng học hỏi và đổi mới, việc triển khai áp dụng thành công công cụ cải tiến Kaizen để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh tại công ty có ý nghĩa quan trọng dẫn tới sự thành công của Dự án ở Làng nghề.

Nhà xưởng sau khi tiến hành cải tiến (hình ảnh từ công đoạn chuyền nhúng men: công việc đã được chuyển lên bàn làm việc, các lọ màu men đã được bày trên giá và đánh mã chi tiết). 

Dự án đã thực hiện triển khai mô hình áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen tại công ty theo hai giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, Dự án đã tư vấn hỗ trợ công ty Quang Minh hiểu rõ và bắt đầu áp dụng Triết lý Kaizen trong các công đoạn và quy trình sản xuất. Trong giai đoạn tiếp theo, Dự án đã hỗ trợ công ty dần đưa triết lý Kaizen trở thành một nét văn hoá cải tiến trong công ty từ đó góp phần gia tăng giá trị cốt lõi trong hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty để tiến tới phát triển bền vững và chinh phục nhiều thị trường mới.
Các hoạt động cụ thể của Dự án tại công ty như sau:

Thứ nhất, nhóm triển khai Dự án đã tiến hành khảo sát thực trạng tại phân xưởng sản xuất nhằm tìm hiểu và nhận diện những mặt hạn chế tại công ty Quang Minh để có cơ sở đề xuất các giải pháp cải tiến tập trung vào nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm. Tại thời điểm khảo sát, do doanh nghiệp chưa tiến hành áp dụng mô hình quản lý hiện đại và các công cụ 5S đã dẫn đến việc nhà xưởng sản xuất được sắp xếp thiếu khoa học, hiện trường sản xuất còn bừa bộn.

Bên cạnh đó, việc vận chuyển các bán thành phẩm giữa các công đoạn được thực hiện thủ công, không sử dụng đến các phương tiện vận chuyển (ví dụ, xe kéo, xe đẩy hàng...) đã gây ra một loạt các lãng phí trong sản xuất như lãng phí nhân công, thời gian chờ đợi lâu, thời gian kiểm hàng.

Đồng thời, việc không áp dụng các công cụ cải tiến trực quan đã dẫn đến tình trạng màu men bị lỗi do chưa có giá phân loại màu cũng như các lọ màu không được đánh mã màu cụ thể, lãng phí thời gian chờ đợi nguyên liệu do hệ thống kiểm soát ngay từ đầu vào còn yếu kém.

Ngoài ra, do thiếu nội quy làm việc, công việc từng công đoạn chưa được tiêu chuẩn hóa đã dẫn đến việc gặp khó khăn trong việc quản lý nhân sự, người lao động làm việc thiếu khoa học. Tại một số công đoạn sản xuất như chuyền nhúng men, người lao động làm trực tiếp trên sàn nhà xưởng đã dẫn đến việc gây lãng phí thao tác lao động cũng như khó kiểm soát, đảm bảo chất lượng thành phẩm.

Những điều nêu trên đã khiến công ty Quang Minh gặp khó trong việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Việc áp dụng các công cụ cải tiến và kiểm soát chất lượng được nhóm Dự án tư vấn doanh nghiệp áp dụng để nâng cao năng lực sản xuất và tối ưu hóa chi phí sản xuất.

Thứ hai, nhóm triển khai Dự án tư vấn chi tiết cho Công ty Quang Minh về việc áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen tại từng công đoạn sản xuất, cụ thể: Sắp xếp lại layout các bàn, xe khu vực kho (ghép tấm gạch gốm). Cải tiến bằng cách ghép gần lại xe giá đẩy và bàn; Xây dựng công việc tiêu chuẩn công đoạn lắp ráp gạch gốm. Cải tiến bằng cách tính nhịp cho 2 công đoạn ghép gạch phối hợp; Thiết kế xe đẩy thuận tiện luân chuyển hàng; 

Cải tạo phân loại lại kho gạch gốm bằng cách phân chia lại thành 12 ô với 12 màu gạch khác nhau, tính toán sản lượng; Làm thẻ kho theo dõi, cấp nguyên liệu cho người lao động; Tư vấn áp dụng 5S cho khu vực giá để màu men. Men màu được phân loại, đánh mã màu cho vào thùng đựng men, có mẫu kèm theo để dễ tìm kiềm khi cần; Đưa các công đoạn làm việc thủ công của công nhân lên bàn thay vì ngồi đất; Hệ thống tạo động lực cho người lao động: (1) Hỗ trợ đào tạo nâng cao nhận thức cho toàn bộ người lao động hiểu và áp dụng Triết lý Kaizen; (2) Xây dựng nội quy phân xưởng; (3) Xây dựng cơ chế khuyến khích người lao động tham gia cải tiến trong sản xuất.

Sau thời gian triển khai mô hình áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen trong sản xuất theo tư vấn và hỗ trợ của Nhóm dự án, tại công ty Quang Minh đã thu được nhiều kết quả.

Cụ thể, doanh nghiệp đã loại bỏ được các lãng phí không cần thiết như lãng phí thời gian vận chuyển, thao tác lao động, thời gian chờ đợi; Hệ thống tạo động lực cho người lao động: 100% cán bộ công nhân viên (CBCNV) được thưởng năng suất và thưởng tuân thủ khi tham gia chương trình cải tiến Kaizen của công ty; 100% CBCNV đều được tặng quà, thưởng vào các ngày lễ; 100% người lao động được công ty hỗ trợ mua bảo hiểm y tế và thăm nom khi ốm đau bệnh tật.

Theo lãnh đạo Công ty, các kết quả khả quan thu được sau quá trình thực hiện Dự án “Hỗ trợ các doanh nghiệp làng nghề áp dụng công cụ cải tiến Kaizen để nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh” của Trường Đại học Ngoại thương đã tạo thêm động lực để Công ty cổ phần Gốm sứ Quang Minh tối ưu hóa nguồn lực và chi phí sản xuất để từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

ThS. Nguyễn Thị Hạnh - TS. Nguyễn Bình Minh - TS. Phan Trần Trung Dũng, Trường Đại học Ngoại thương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang