Triển khai Nghị quyết 19: Chưa hết tình trạng 'trên nóng dưới lạnh'

author 11:20 08/04/2018

(VietQ.vn) - Việc thực thi Nghị quyết 19 vẫn còn nhiều vướng mắc, một số Bộ, ngành vẫn xảy ra tình trạng 'trên nóng, dưới lạnh'.

Theo báo cáo của Bộ kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2017 và đặc biệt là tới quý I/2018, sự quyết tâm, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để đạt mục tiêu Nghị quyết 19 đề ra được thể hiện rõ ràng ở hầu hết các Bộ, ngành và địa phương. Điều này được minh chứng thông qua các chỉ đạo điều hành, các cam kết mạnh mẽ của các Bộ, ngành, địa phương cũng như một số kết quả đã đạt được.

Nhiều cơ quan vào cuộc ngay từ đầu năm

Ngay những tháng đầu năm 2018, một số Bộ, ngành (như Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ KH&CN, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, VCCI...) và địa phương đã tích cực tiếp tục triển khai các nhiệm vụ được giao và đã đạt được một số kết quả rõ ràng.

Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị quốc tế “Cải thiện vượt bậc môi trường kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng và tốc độ tăng trưởng” vào ngày 15/3. Tại Hội nghị, một số Bộ, ngành và địa phương cũng thể hiện cam kết đẩy nhanh việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu Nghị quyết 19 đề ra. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã soạn thảo và hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết 19-2018 trên cơ sở các ý kiến góp ý của các Bộ, ngành và hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng.

Trên cơ sở đề xuất của Bộ Xây dựng, ngày 13/3, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị về việc tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan, nêu rõ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp gắn với trách nhiệm của các Bộ, cơ quan. Văn phòng Chính phủ thực hiện hiệu quả việc đôn đốc, kiểm tra tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết 19. Trong tháng 2/2018, Văn phòng Chính phủ đã trình Thủ tướng Chính phủ ký văn bản chỉ đạo thực hiện cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh.

Cũng trong tháng 2/2018, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức kiểm tra các Bộ về hai nội dung: rà soát, cắt giảm danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và đề xuất cách thức quản lý đối với sản phẩm, hàng hóa chịu sự kiểm tra chuyên ngành chồng chéo giữa các Bộ; rà soát, đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh.

Về phía địa phương, các tỉnh, thành phố gồm Quảng Ninh, Hà Nội… vẫn là những địa phương thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo với nội dung đảm bảo đúng yêu cầu của Nghị quyết. Đây cũng là những địa phương thường xuyên chú trọng tìm kiếm các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ví dụ như Quảng Ninh với sáng kiến đánh giá tính sáng tạo và kết quả điều hành của các sở, ban ngành và quận, huyện theo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành và cấp huyện; Hà Nội nghiên cứu thực tiễn tốt của các nước OECD để tìm kiếm cách thức hiệu quả cải thiện môi trường kinh doanh.

Việc thực thi Nghị quyết 19 về môi trường đầu tư kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh vẫn chưa đồng đều ở một số Bộ, ngành, địa phương. Ảnh: QTV

Đáng chú ý là những tỉnh, thành phố tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 19 cũng là những địa phương có cải thiện tốt về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (điển hình là Quảng Ninh, Đồng Tháp…).

Bên cạnh đó, kết quả PCI 2017 cũng cho thấy những cải cách của các Bộ, ngành cũng đã được hiện thực hoá ở cấp địa phương. Ví dụ như thời gian tiếp cận điện năng, thời gian gián đoạn cung ứng điện giảm đáng kể; chi phí không chính thức, nhũng nhiễu đã hạn chế nhiều, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính có chuyển biến tích cực.

Vẫn còn tình trạng "trên nóng dưới lạnh"

Cũng trong quý I/2018, cải cách quy định về quản lý chuyên ngành đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đã đạt được một số kết quả. Trong đó, đáng kể nhất là việc Chính phủ ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP về quản lý an toàn thực phẩm thay thế Nghị định 38/2012/NĐ-CP. Những thay đổi của Nghị định 15 đã giúp giảm gánh nặng về thời gian và chi phí đáng kể cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, về yêu cầu rà soát, đề xuất cắt giảm 50% danh mục hàng hoá kiểm tra chuyên ngành, cho đến nay, mới chỉ một số Bộ rà soát và có phương án cắt giảm danh mục. Hơn nữa, những kết quả về rà soát, đề xuất cắt giảm danh mục hàng hoá kiểm tra chuyên ngành nêu trên chủ yếu là kết quả tổng hợp từ cuối năm 2017 và chưa có nhiều chuyển biến trong quý I/2018.

Kết quả cũng còn thấp xa so với yêu cầu của Chính phủ. Số hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành giảm chưa đáng kể so với mục tiêu là giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa (không phải là nhóm hàng hóa) thuộc diện kiểm tra chuyên ngành.

“Điều đó chứng tỏ các Bộ chưa quyết liệt triển khai nhiệm vụ này”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ. Cải cách các quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành mới chỉ đạt kết quả bước đầu ở một số Bộ trong một số lĩnh vực (như Y tế, Công Thương, Xây dựng), song vẫn còn quá ít so với yêu cầu và mức độ vào cuộc của các Bộ vẫn còn khác biệt.

Những vướng mắc trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành như danh mục mặt hàng nhiều, quản lý chồng chéo, quản lý không theo nguyên tắc rủi ro, chi phí kiểm tra chuyên ngành lớn… vẫn đang gây nhiều trở ngại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết chưa nhận được được thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc giải quyết những vướng mắc về phí trong kiểm dịch và kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi. Trong khi đó, về các điều kiện kinh doanh, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, ngay trong quý I/2018, các Bộ, ngành đã triển khai rà soát, đề xuất bãi bỏ, sửa đổi các quy định. Theo thông tin nhận được cho đến ngày 26/3, hầu hết các Bộ đã triển khai thực hiện nhiệm vụ này.

Tuy vậy, mức độ khẩn trương, quyết liệt của các Bộ, ngành chưa đồng đều và do vậy kết quả có sự khác biệt. Tới nay, mới chỉ có Bộ Công Thương có kết quả rõ ràng với Nghị định 08/2018/NĐ-CP. Bộ Xây dựng dự kiến trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong tháng 3/2018.

Hai Bộ, ngành (gồm Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an) đề nghị giữ nguyên các quy định về điều kiện kinh doanh. Các Bộ khác đang tiếp tục rà soát, lấy ý kiến về đề xuất bãi bỏ, sửa đổi các điều kiện kinh doanh…

Tựu trung lại, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sự cải thiện về môi trường kinh doanh là rõ nét và khác biệt so với trước, và có tác động thực sự đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Kết quả cho thấy niềm tin của doanh nghiệp, của thị trường tăng lên; chất lượng môi trường kinh doanh quốc gia và địa phương cải thiện hơn; kết quả kinh doanh của doanh nghiệp tốt hơn; và do vậy chắc chắn góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo.

Tuy vậy, sự quan tâm và mức độ quyết liệt chưa đồng đều giữa các Bộ, ngành và địa phương. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng đã chỉ đạo cụ thể, quyết liệt, nhất quán, thường xuyên và liên tục, nhưng tình trạng “trên nóng dưới lạnh” vẫn còn phổ biến. Bởi vậy, để thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Nghị quyết, đem lại kết quả toàn diện và đồng bộ cần có sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt và trách nhiệm của tất cả các Bộ, ngành, địa phương.

Bảo Bình

Những 'trái ngọt' sau 4 năm triển khai Nghị quyết 19(VietQ.vn) - Qua bốn năm triển khai Nghị quyết 19, môi trường đầu tư kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang