Triển khai Nghị quyết 19: Doanh nghiệp lo kịch bản ‘sáng đúng, chiều sai, mai lại đúng’

author 06:47 14/06/2018

(VietQ.vn) - Theo TS Nguyễn Đình Cung, doanh nghiệp rất lo sợ sự mập mờ trong quản lý của các cơ quan chức năng.

Doanh nghiệp còn canh cánh nỗi lo

Theo ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia Dự án Quản trị Nhà nước (GIG), trải qua thời gian 4 năm triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ, hoạt động quản lý, kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu đã có nhiều thay đổi mang tính bước ngoặt, tạo được tác động tích cực đến kinh tế, xã hội của Việt Nam.

Cụ thể, thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu đã được rút ngắn chỉ còn 70 giờ đối với xuất khẩu và hàng nhập khẩu là 90 giờ. Bên cạnh đó, Cơ chế hải quan một cửa quốc gia, kết nối Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) và các Bộ cơ bản hoàn thành và đi vào sử dụng mang lại nhiều tiện lợi cho doanh nghiệp. Ngoài ra, một số thủ tục hải quan bất cập đã được xử lý theo hướng thay đổi phương thức quản lý, hiện đại hoá. Những bất cập như thủ tục xét miễn thuế đã được bãi bỏ, thủ tục xác nhận hàng hoá qua khu vực giám sát hải quan đã được điện tử hoá, đơn giản hóa thủ tục hành chính công.

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng theo chuyên gia Phạm Thanh Bình, một số thủ tục hải quan, kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu vẫn tồn tại bất cập và còn nhiều vấn đề cần được cải thiện.

Ông Phạm Thanh Bình cho rằng việc triển khai Nghị quyết 19 thời gian qua tuy có nhiều thành tựu nhưng vẫn tồn tại một số bất cập. Ảnh: Bảo Bình 

Cụ thể, việc vận hành cơ chế hải quan một cửa quốc gia, hiện chưa thực sự mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Trong đó, số thủ tục thực hiện qua cơ chế một cửa quốc gia còn rất nhỏ so với tổng số các thủ tục mà doanh nghiệp đang phải thực hiện. Đa số các cơ quan, đơn vị đều mới áp dụng điện tử một phần, vừa thực hiện thủ tục điện tử, vừa yêu cầu phải nộp hồ sơ giấy.

Đồng quan điểm với ông Bình, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) nói rằng khi áp dụng các quy định pháp luật vào hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu, gặp những vướng mắc, doanh nghiệp, chuyên gia phải tìm kỹ ở các quy định, lấy đó làm cơ sở trao đổi, đấu tranh đến cùng. Tuy nhiên, theo TS Cung, nếu những cơ sở pháp lý không được làm rõ thì đẩy doanh nghiệp rơi vào tình trạng hoang mang, lo sợ vì khó tiên liệu được những rủi ro, mất nhiều chi phí.

"Nếu không làm rõ thì sẽ có những điểm mờ. Mà cơ quan Nhà nước thì ít khi chuyển điểm mờ sang điểm sáng trong quản lý. Doanh nghiệp không chỉ sạt nghiệp mà còn có thể dính án phạt, bởi doanh nghiệp có thể sáng đúng, chiều sai, sáng mai lại đúng", ông Cung nhấn mạnh.

“Cởi trói” cho doanh nghiệp bằng cách nào?

Ông Phạm Thanh Bình cho biết thêm, để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển một cách tốt nhất, việc thông quan hàng hóa nhanh và hiệu quả nhất, việc quản lý, làm thủ tục hải quan đối với hàng xuất nhập khẩu cần bám sát một số tiêu chí quan trọng như tuân thủ định hướng hiện đại hóa, chủ động yêu cầu thực hiện hậu kiểm và bám sát thông lệ quốc tế. Các Bộ, ngành có liên quan cần thường xuyên rà soát, đánh giá nhằm khác phục hạn chế, bất cập và cải thiện tình hình. 

Trong đó, cần lưu ý về việc yêu cầu áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành trên cơ sở đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp trong kiểm tra chuyên ngành theo yêu cầu của Nghị quyết 19.

“Đến nay, việc áp dụng quản lý rủi ro đã có ở lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm, còn các lĩnh vực khác về cơ bản là chưa áp dụng. Cùng với đó, yêu cầu áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên trong quản lý kiểm tra chuyên ngành đến nay cũng chưa có lĩnh vực quản lý kiểm tra chuyên ngành nào áp dụng”, ông Bình cho hay. 

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM). Ảnh: Bảo Bình

Theo chuyên gia của GIG, cơ quan hải quan cũng cần chủ động giảm thiểu mức độ rủi ro đối với hàng hóa, tức là bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp một cách hiệu quả, với biện pháp phù hợp thực tế. Cụ thể, nên mặc định công nhận chất lượng của những sản phẩm/hàng hóa có thương hiệu nổi tiếng thế giới, bãi bỏ những khoản thu rất nhỏ mang tính máy móc nhưng làm mất nhiều thời gian của doanh nghiệp, bãi bỏ tình trạng chồng chéo trong quản lý do nhiều cơ quan cùng quản một loại hàng xuất nhập khẩu... 

Để nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện Nghị quyết 19, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần sớm thực hiện thành việc giảm 50% các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành, tăng cường kết nối kịp thời và hiệu quả giữa các cơ quan quản lý, nâng cao mức độ công nhận kết quả kiểm tra giữa các đơn vị chức năng.

Đồng thời, khuyến khích cơ chế hợp tác và phản biện từ phía doanh nghiệp và cộng đồng; chia sẻ thông tin, rà soát tình hình, phân tích, tổng hợp thực tế và báo cáo, đề xuất sửa đổi, bãi bỏ những quy định, quy trình bất hợp lý...

Bảo Bình

Triển khai Nghị quyết 19: Nhiều Bộ chậm tiến độ, doanh nghiệp 'than trời'(VietQ.vn) - Nhiều Bộ còn chậm cắt giảm điều kiện kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết 19 khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, trở ngại.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang