Triển khai Nghị quyết 19: Đồng bộ sửa đổi chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh

author 13:30 11/03/2017

(VietQ.vn) - Triển khai Nghị quyết 19, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ ngành phải tìm các giải pháp đồng bộ trong việc thực hiện sửa đổi chính sách nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 19/2017/NQ- CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia diễn ra ngày 10/3, một trong những vấn đề được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đặt ra cho các Bộ, ngành và địa phương đó là sự vào cuộc một cách đồng bộ để tìm lời giải cho bài toán “thoát bẫy trung bình và tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam phải đạt 8% mỗi năm” và việc đầu tiên đó là phải sửa đổi chính sách.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự và chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Đình Nam

Theo Phó Thủ tướng, hiện yêu cầu sửa đổi luật pháp, văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta ngày một nhiều. Năm 2017 là năm thứ 4 liên tiếp Chính phủ ra Nghị Quyết về cải cách môi trường kinh doanh, điều đó cho thấy quyết tâm cao của Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng đặt vấn đề về việc sửa đổi chính sách vẫn còn nhiều bất cập. Về tinh thần cải cách thể chế kinh tế, Phó Thủ tướng cho rằng: "Khi sửa đổi chính sách không nên đặt vấn đề đi tuần tự từ Luật, đến Nghị định, Thông tư và các chính sách cụ thể. Lỗi ở đâu phải sửa ngay ở đó, điều này sẽ hạn chế việc ỷ lại vào các quy định pháp luật, cản trở doanh nghiệp và tiến trình đổi mới, cải cách".

Đề cập đến Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được ban hành năm 2012, Phó Thủ tướng yêu cầu cần tháo gỡ ngay để thuận lợi hóa cho doanh nghiệp.

Trên thực tế, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thời gian qua đã thực hiện rất quyết liệt Nghị quyết 19 của Chính phủ. Hiện nay Bộ KH&CN đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, Bộ KH&CN cũng đã thực hiện rất nhiều các công việc như phối hợp với các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực rà soát danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực.

Trong đó Bộ KH&CN đã nhiên cứu, sửa đổi Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và các phương thức đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo hướng loại bỏ thủ tục hành chính cấp Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy. Hàng hóa nhóm 2 không quá rủi ro khi nhập khẩu chỉ cần áp dụng cơ chế công bố hợp quy và tăng cường hậu kiểm.

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) cho biết, Tổng cục đã lấy ý kiến góp ý các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và 63 tỉnh, thành phố và đã ghi nhận được ý kiến của 50 đơn vị và đã nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, chỉnh sửa lại dự thảo Thông tư này. Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng không nên bỏ thủ tục hành chính này vì hoạt động công bố hợp quy có liên quan đến quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trong đó các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia là bắt buộc áp dụng để đảm bảo các mục tiêu chất lượng, an toàn.

“Các ý kiến cho rằng, trong bối cảnh đã xã hội hóa về hoạt động thử nghiệm và hoạt động chứng nhận thì việc không cấp Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy sẽ không đảm bảo việc quản lý của cơ quan nhà nước; các tổ chức, cá nhân có thể lợi dụng và công bố sai trái, không hợp lệ, dẫn đến việc giảm chất lượng, an toàn của sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường”, ông Linh cho biết.

 Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh tham dự hội nghị. Ảnh: Huy Hùng

 Toàn cảnh hội nghị  triển khai Nghị quyết 19/2017/NQ- CP. Ảnh Huy Hùng

Thực tế, vấn đề vướng mắc thực sự hiện nay liên quan đến Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 38/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm và các Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế và Bộ Công Thương, trong đó quy định thực phẩm nhập khẩu phải có Giấy tiếp nhận công bố hợp quy của cơ quan nhà nước thì mới được phép nhập khẩu. Điều này đã gây khó khăn, vướng mắc và bức xúc cho doanh nghiệp nhập khẩu.

Như vậy, việc lựa chọn biện pháp quản lý phù hợp rất quan trọng, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhưng vẫn phải đảm bảo hiệu lực quản lý nhà nước. Có thể thấy, để quản lý an toàn thực phẩm, các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực lựa chọn biện pháp quản lý chưa thực sự phù hợp.

Ông Linh cho rằng, việc sửa đổi Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN, trong đó bỏ thủ tục hành chính cấp Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy cũng chưa giải quyết được vấn đề bức xúc của doanh nghiệp. Vì đối với quy định hàng nhập khẩu phải có Giấy tiếp nhận công bố hợp quy mới được phép nhập khẩu và làm thủ tục thông quan là chưa cải cách thủ tục hành chính và cần chỉnh sửa quy định này tại Nghị định số 38/2012/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn nghị định này.

Đề cập đến hướng tháo gỡ vướng mắc tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN sẽ được ban hành trong tháng 3/2017, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh cho biết, Bộ KH&CN sẽ điều chỉnh một số quy định như giảm thời gian thực hiện tiếp nhận hồ sơ; giảm thành phần hồ sơ phải nộp… Căn cứ trên cơ sở mức độ rủi ro của hàng hóa và nhu cầu quản lý, các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực sẽ xác định và lựa chọn biện pháp quản lý thích hợp như công bố hợp quy dựa trên cơ sở kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận hay tự công bố phù hợp quy chuẩn.

Với việc sửa đổi theo hướng này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo việc quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, ông Linh cho biết.

Điều chỉnh danh mục hàng hóa nhóm 2 để tạo thuận lợi cho DN(VietQ.vn) - Bộ KH&CN đang phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành để rà soát hàng hóa nhóm 2 - hàng hoá nguy cơ mất an toàn cho người tiêu dùng, tạo thuận lợi cho DN

Hà Thủy

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang