Triển khai Nghị quyết 19: Làm sao để giải quyết tình trạng 'trên nóng, dưới lạnh'?

author 06:10 17/03/2018

(VietQ.vn) - Để Nghị quyết 19 đi sâu vào cuộc sống, cần nhiều hơn nỗ lực từ các bộ ngành liên quan trong cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Kết quả không đồng đều

Qua 4 năm triển khai Nghị quyết 19 về những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia,Việt Nam đã được nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận. Trong đó, ba bộ chỉ số đặt mục tiêu (chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia, chỉ số môi trường kinh doanh, chỉ số về đổi mới sáng tạo) đều tăng điểm và tăng hạng.

Cụ thể, năm 2017, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam tăng 5 bậc so với năm 2016 (từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 nền kinh tế). Kết quả này đạt được bởi 5/12 chỉ số trụ cột tăng điểm, 6/12 chỉ số trụ cột tăng bậc (với 32/114 chỉ số thành phần vừa tăng điểm và tăng bậc, 24/114 chỉ số thành phần tăng hạng nhưng điểm số không đổi hoặc tăng điểm nhưng thứ hạng không đổi). Đa số trụ cột về hiệu quả thị trường (như thị trường tài chính, lao động, công nghệ và quy mô thị trường) đã có sự cải thiện.

Nghị quyết 19 đem lại nhiều thay đổi to lớn đối với các doanh nghiệp. Ảnh: Vietnamnet 

Tuy vậy, những cải thiện nói trên về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh vẫn chưa bền vững và chưa đạt được mục tiêu đề ra; thứ hạng của nhiều chỉ số còn thấp khá xa so với các nước trong khu vực và hầu như không có cải thiện cả về điểm số và thứ hạng trong nhiều năm qua; một số chỉ số quan trọng khác thậm chí còn tụt hạng.

Đơn cử như chỉ số Khởi sự kinh doanh xếp thứ 123; Giải quyết phá sản doanh nghiệp xếp thứ 129; Đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản liên tục giảm bậc kéo dài 57,5 ngày và hiện xếp thứ 63; Giải quyết tranh chấp hợp đồng kéo dài 400 ngày và xếp thứ 66.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, một số bộ hiện vẫn còn lúng túng trong phân biệt điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề và quản lý chuyên ngành đối với sản phẩm, hàng hóa. Do vậy, nhiều điều kiện về quản lý chuyên ngành đối với sản phẩm, hàng hóa được quy định thành điều kiện kinh doanh.

Cần phổ biến sâu rộng hơn về Nghị quyết 19

Tại cuộc họp của Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh hồi đầu tháng 3/2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các nhiệm vụ trong Nghị quyết 19 năm 2018 phải được giao cụ thể tới từng bộ ngành, địa phương, đi liền với kiểm tra, đôn đốc.

“Năm nay chúng ta phải khắc phục bằng được tình trạng thực hiện Nghị quyết 19 không đồng đều ở các bộ ngành Trung ương. Câu chuyện ‘trên nóng, dưới chưa nóng’ không chỉ từ Trung ương xuống địa phương mà ở ngay trong một bộ đến cấp cục, cấp chuyên viên, chi cục, thậm chí đơn vị sự nghiệp có liên quan. Kiểm tra, đôn đốc rồi thì cần công khai những bộ ngành, địa phương làm tốt, những nơi làm chưa tốt, không tốt”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Các bộ ngành cần phối hợp đồng bộ hơn giữa việc thực hiện Nghị quyết 19 với công tác cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử… với những nội dung cụ thể, giải quyết đến cùng vướng mắc cho doanh nghiệp.

Liên quan tới vấn đề này, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng trong 4 năm qua, thành công lớn nhất của Nghị quyết 19 là việc các bộ, ngành đã cắt giảm trên 50% điều kiện kinh doanh, các giấy phép con.

“Kết quả này đã góp phần nâng cao hơn nữa cách ứng xử của các cơ quan nhà nước đối với doanh nghiệp trong các vấn đề liên quan tới thủ tục hành chính theo quy định pháp luật, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, công bằng . Đối với các chủ thể doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân được đối xử công bằng như các doanh nghiệp nhà nước; doanh nghiệp nhỏ và vừa có một sân chơi mới với những ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước về thủ tục, điều kiện kinh doanh theo hướng tích cực, nhanh chóng hơn”, ông Mạc Quốc Anh cho hay.

Cũng theo Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, hiện Việt Nam đang hướng đến một chính phủ điện tử và tất cả lĩnh vực liên quan đến thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội đều thực hiện bằng phương thức trực tuyến. Tại Hà Nội, thống kê cho thấy từ cuối 2017 đến đầu 2018 đã tiếp nhận giải đáp thủ tục trực tuyến trên 50%.

Đồng thời, với sự vào cuộc của các bộ, ngành, Nghị quyết 19 khi đi vào cuộc sống đã giúp cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng, thủ tục không còn rườm rà như trước. Hàng loạt chính sách hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp như giảm lãi suất được thực hiện. Trước khi triển khai Nghị quyết 19 lãi suất dành cho các ngành ưu tiên là từ 15-18 %. Tuy nhiên, con số này hiện này chỉ từ 7-8%.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội. Ảnh: Hội nhà báo Việt Nam 

Khi được hỏi về tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” khi triển khai Nghị quyết 19 mà dư luận đã từng nêu ra, ông Mạc Quốc Anh cho rằng Nghị quyết 19 hiện được thực hiện tốt ở cấp độ vĩ mô (Trung ương) còn khi về địa phương thì thực tế còn nhiều hạn chế.

“Hiện vẫn còn đâu đó hiện tượng sách nhiễu doanh nghiệp, cản trở sự phát triển mang tính bền vững của Nghị quyết 19, khiến cho việc lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, của cộng đồng doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, quá trình xây dựng một chính phủ kiến tạo còn bị chậm lại”, ông Mạc Quốc Anh chia sẻ.

Bàn về giải pháp để giải quyết tình trạng này, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng cần duy trì tinh thần triệt để thực hiện Nghị quyết 19 trong các bộ ngành, cơ quan liên quan; tiếp tục cắt giảm điều kiện kinh doahn, thủ tục hành chính cho doanh nghiệp giảm tối đa chi phí cho doanh nghiệp. Đồng thời, các bộ, ngành cũng cần nỗ lực hơn trong tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ để thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, vì mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đất nước.

Riêng về vấn đề thủ tục hành chính, ông Mạc Quốc Anh cho rằng cần chấm dứt tình trạng chồng chéo chức năng giữa các bộ ngành, có nghĩa là thủ tục chỉ đi đến một cửa để tập trung giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, không để doanh nghiệp phiền hà tốn thời gian chi phí công sức không để xảy ra tình trạng “một cửa nhiều ngách”.

Ông Mạc Quốc Anh cũng bày tỏ kỳ vọng rằng trong năm 2018, Nghị quyết 19 tiếp tục là luồng sinh khí mới để tạo chuỗi liên kết bền vững giữa doanh nghiệp với nhà nước, hướng tới mục tiêu trước mắt là mỗi năm có hơn một ngàn doanh nghiệp được thành lập, các doanh nghiệp có đủ sức cạnh tranh với các các nước khác.

Phong Lâm

Khắc phục bằng được tình trạng thực hiện Nghị quyết 19 không đồng đều(VietQ.vn) - Trải qua thời gian 4 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết 19 đã đi sâu vào đời sống xã hội, tạo tiền đề hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường năng lực cạnh tranh.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang