Triển khai Nghị quyết 19: Ngang trái chuyện cà phê sữa cũng phải bóc vỏ 'kiểm dịch'

author 05:54 19/07/2018

(VietQ.vn) - Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, hiện có doanh nghiệp kiến nghị về bất cập khi một gói cà phê sữa cho sữa sấy khô vào để tạo sản phẩm nhưng thủ tục là phải bóc vỏ ra kiểm tra xem có dịch bệnh hay không.

738 điều kiện kinh doanh được bãi bỏ

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý II năm 2018, một số Bộ, ngành (như Văn phòng Chính phủ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Công Thương, VCCI,...) và địa phương (gồm Quảng Ninh, Hà Nội, Cao Bằng, Đồng Tháp,...) đã tích cực tiếp tục triển khai các nhiệm vụ được giao và đã đạt được một số kết quả rõ ràng.

Căn cứ theo các thông tin nhận được cho đến nay, các Bộ, cơ quan đã quan tâm hơn tới việc thực hiện Nghị quyết 19 với việc kịp thời ban hành Kế hoạch hành động. Tuy vậy, sự quan tâm và mức độ quyết liệt chưa đồng đều giữa các Bộ, ngành và địa phương.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, ngay trong những tháng đầu năm 2018, các Bộ, ngành đã triển khai rà soát, đề xuất bãi bỏ, sửa đổi các điều kiện kinh doanh.

Hết quý II/2018, 738 điều kiện kinh doanh/hơn 5.700 điều kiện kinh doanh được thực sự bãi bỏ và sửa đổi hoặc đơn giản hoá. Tạp chí Tài chính

Tính đến hết quý II/2018, có 738 điều kiện kinh doanh/hơn 5.700 điều kiện kinh doanh được thực sự bãi bỏ và sửa đổi hoặc đơn giản hoá (với việc ban hành Nghị định 08/2018/NĐ-CP sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương; Nghị định 25/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2014/NĐ-CP quy định về hoạt động in; Nghị định 27/2018/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng).

Từ nay đến thời hạn phải ban hành Nghị định sửa đổi các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh (ngày 31/10/2018) là 4 tháng, ngoài Bộ Công Thương đã có Nghị định sửa đổi, bổ sung điều kiện kinh doanh, thì mới có 02 Bộ (gồm Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định.

Hầu hết các Bộ còn lại đang xây dựng phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh và chuẩn bị dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung điều kiện kinh doanh.

Trung bình số điều kiện kinh doanh được đề xuất cắt bỏ, sửa đổi chiếm 54%, trong đó số điều kiện kinh doanh đề xuất cắt bỏ đạt 36%. Tuy nhiên, nhiều điều kiện kinh doanh (đề xuất cắt bỏ, sửa đổi) được quy định tại các văn bản Luật, do vậy thời gian đạt mục tiêu cắt giảm 50% số điều kiện kinh doanh sẽ kéo dài hơn.

Doanh nghiệp vẫn phải “ngửa cổ than trời”

Theo chỉ thị mới nhất của Thủ tướng Chính phủ, trước ngày 15/8, các bộ, cơ quan ngang bộ sẽ hoàn thành việc ban hành theo thẩm quyền và trình cấp có thẩm quyền các văn bản để thực thi phương án cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh bằng hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản theo quy trình, thủ tục rút gọn.

Chỉ thị này còn nêu rõ hàng loạt yêu cầu khác với các Bộ ngành, như phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh phải thực chất, không gộp nhiều điều kiện thành 01 điều kiện theo kiểu cơ học hoặc chỉ thay đổi tên gọi. Nghiêm cấm các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tự đặt thêm điều kiện kinh doanh, danh mục hàng hóa, thủ tục kiểm tra chuyên ngành trái quy định của pháp luật.

Liên quan tới vấn đề trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng cho biết thực trạng: “Rất nhiều bộ có phương án rà soát, cắt giảm và công bố trên báo chí, truyền hình nhưng thực chất đến giờ vẫn chưa làm được, như vậy sẽ gây ảnh hưởng đến lòng tin của doanh nghiệp”.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng. Ảnh: Trí thức trẻ 

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhắc đến những câu chuyện về kiểm tra chuyên ngành được đưa ra tại Hội nghị mới đây về cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành theo Nghị quyết 19/2018: Một gói cà phê sữa cho sữa sấy khô vào để tạo sản phẩm nhưng thủ tục là phải bóc vỏ ra kiểm tra xem có dịch bệnh bên trong hay không; có doanh nghiệp dán nhãn hiệu suất năng lượng cho 4 chiếc tủ lạnh mất đến 149 triệu đồng… Điều này khiến tuân thủ kiểm tra chuyên ngành là khâu tốn thời gian nhất và cũng rất tốn kém chi phí khi doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa.

Trong khi đó, theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, thực tế đánh giá của doanh nghiệp về kiểm tra chuyên ngành cho thấy vẫn còn những bất cập lớn. Cho đến nay mới chỉ có khoảng 6% các mặt hàng được đưa ra khỏi diện phải kiểm tra. Mặc dù có nhiều cải cách về thủ tục, tới nay thời gian kiểm tra trung bình vẫn là 76 giờ/thủ tục, cao hơn xấp xỉ ba lần so với các nước ASEAN-4.

Ông Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, chất lượng đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa đồng đều, có tình trạng chạy theo con số, mang tính đối phó, không thực chất. Tính cải cách trong các phương án rà soát chưa thực sự triệt để.

“Phần lớn đề xuất trong các phương án mới chỉ dừng lại việc xem xét các điều kiện kinh doanh hiện hành ở trong nghị định. Các kiến nghị chủ yếu xoay quanh sửa đổi, bổ sung Nghị định mà chưa mở rộng đánh giá các điều kiện kinh doanh chứa đựng trong Luật. Đây được xem là một hạn chế không hề nhỏ trong hoạt động rà soát. Trong khi, rất nhiều điều kiện kinh doanh bất hợp lý có trong Luật cần được đánh giá để bãi bỏ hoặc sửa đổi”, ông Lộc nói.

Bảo Lâm

Triển khai Nghị quyết 19: Doanh nghiệp lo kịch bản ‘sáng đúng, chiều sai, mai lại đúng’(VietQ.vn) - Theo TS Nguyễn Đình Cung, doanh nghiệp rất lo sợ sự mập mờ trong quản lý của các cơ quan chức năng.
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang