Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2021

author 06:42 24/02/2021

(VietQ.vn) - “Chúng ta có thể kỳ vọng rằng, trong trường hợp thế giới vẫn còn đang vất vả, vẫn đang khốn đốn với đại dịch, chúng ta vẫn có thể đạt được mức tăng trưởng khoảng 2 đến 3% trong năm 2021”, PGS. TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VEPR cho biết.

Theo đánh giá từ Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2021 phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trước tiên, phụ thuộc vào yếu tố nội tại có thể đến từ đầu tư công hoặc những lợi thế mà Việt Nam có được sau khi tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Bên cạnh đó, để duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, đối với bên ngoài phải hy vọng rằng thế giới sẽ trở lại hoạt động bình thường từ quý II, đặc biệt là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam thực hiện tiêm chủng vaccine trên diện rộng và kinh tế của họ được mở cửa trở lại.

Đối với kịch bản tích cực, kinh tế Việt Nam có thể đạt tới cấp độ tăng trưởng khoảng 5%. Ảnh minh họa.

Nhận định về kịch bản tăng trưởng năm nay, PGS. TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VEPR cho hay, kịch bản tăng trưởng vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào kịch bản đã khống chế được bệnh dịch trên thế giới cũng như ở Việt Nam.

Trong kịch bản tích cực, kinh tế Việt Nam có thể đạt tới cấp độ tăng trưởng khoảng 5% nếu như Việt Nam khống chế được dịch bệnh trong nước cũng như dần đón nhận được dòng du lịch vào Việt Nam, các hoạt động giao thương và đầu tư trở lại bình thường bắt đầu vào quý III năm 2021. Còn trong kịch bản thận trọng hơn, nếu như Việt Nam vẫn phải đóng cửa đối với khách du lịch nước ngoài, và dòng vốn đầu tư, thương mại vẫn phải chịu ảnh hưởng ít nhiều bởi bệnh dịch trên thế giới do các thị trường chính thực hiện các biện pháp cách ly, phong tỏa thì lúc đó tăng trưởng của Việt Nam có thể thấp hơn, có thể tác động chỉ trong khoảng từ 2 đến 3% trong năm như 2020.

“Và tôi vẫn kỳ vọng rằng, động lực tăng trưởng đến từ hai khu vực chính, đó là khu vực đầu tư công, xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt con số tích cực trong năm 2021. Chúng ta có thể kỳ vọng, trong trường hợp thế giới vẫn còn đang vất vả, khốn đốn với đại dịch, chúng ta vẫn có thể đạt được mức tăng trưởng khoảng 2 đến 3%”, ông Thế Anh nói.

Ông Thế Anh cũng cho biết, kịch bản tăng trưởng của Việt Nam trong 2021 có thể tích cực hơn nếu như doanh nghiệp nhìn thấy triển vọng khống chế bệnh dịch trên thế giới tốt hơn, và nếu như Việt Nam giữ vững được môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, giữ được mặt bằng lãi suất thấp và sự ổn định tỷ giá, lạm phát… Khi khu vực doanh nghiệp nhìn thấy các thị trường xuất khẩu của Việt Nam đã ổn định trở lại cũng như kinh tế hồi phục họ sẽ bắt đầu đầu tư trở lại và lúc đó giúp cho tăng trưởng của Việt Nam có thể đạt con số cao hơn - trong kịch bản tích cực.

Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế cho rằng, thời gian qua, các định hướng, giải pháp mà Chính phủ đưa ra nhằm phát triển nền kinh tế là phù hợp. Tuy nhiên, vấn đề chính của Việt Nam hiện nay cũng như trong nhiều năm qua, đó là khoảng cách từ định hướng - mục tiêu cho tới thực tiễn thực hiện còn khá xa. Chính phủ thực hiện đúng cam kết với một định hướng trong các quyết sách này thì sẽ tạo môi trường kinh doanh tốt, tạo động lực tăng trưởng trong tương lai.

Để Việt Nam trở thành nền kinh tế đổi mới sáng tạo trong tương lai (VietQ.vn) - “Việt Nam là quốc gia đang có những bước phát triển nhảy vọt, vì vậy chúng tôi phải đặt mục tiêu dài hơn và cao hơn, đồng thời cố gắng xem xét những việc cần làm ngay bây giờ để Việt Nam có thể trở thành một nền kinh tế đổi mới sáng tạo trong tương lai”, ông Seung Hyun Kim, Trưởng nhóm hợp tác toàn cầu, Trung tâm Phát triển quốc tế, Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) nhấn mạnh.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang