Triển vọng về nền kinh tế trực tuyến từ đại dịch Covid-19

author 15:05 24/04/2020

(VietQ.vn) - Đại dịch Covid-19 sẽ đem lại cho các nền kinh tế cơ hội mới trong bối cảnh Cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ. Và triển vọng về một nền kinh tế trực tuyến đang ngày càng trở nên rõ ràng…

Dịch viêm đường hô hấp cấp (dịch Covid-19) xuất hiện tại Việt Nam từ cuối tháng 1/2020 đến nay đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc tham gia thị trường lao động của người lao động ở hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước và các ngành, nghề lao động.

Người lao động lao đao vì Covid-19

Dựa vào kết quả điều tra doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19 và báo cáo đánh giá của các địa phương về tình hình lao động việc làm, Tổng cục Thống kê cho biết, tính đến giữa tháng 4/2020, có gần 5 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; trong đó, lao động làm việc trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo bị ảnh hưởng nhiều nhất với hơn 1,2 triệu lao động. Tiếp đến là lao động trong ngành bán buôn, bán lẻ với hơn 1,1 triệu lao động và lao động trong ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống với gần 740 nghìn lao động. 

Đồng thời, có khoảng 84,8% doanh nghiệp được khảo sát cho biết gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Doanh nghiệp quy mô lớn và quy mô vừa chịu tổn thương nhiều hơn so với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ với hơn 90% doanh nghiệp lớn và vừa tự đánh giá là gặp khó khăn trong 4 tháng đầu năm 2020. 

Tính đến giữa tháng 4/2020, có gần 5 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo đó, có gần 67% doanh nghiệp đã thực hiện ít nhất một trong bốn giải pháp về lao động để ứng phó với tác động của dịch Covid-19 bao gồm: Cắt giảm lao động, cho lao động giãn việc, nghỉ luân phiên, cho lao động nghỉ việc không lương, giảm lương người lao động.

Bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động cho hay, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ghi nhận mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm qua với khoảng 75,4% dân số từ 15 tuổi trở lên tham gia lực lượng lao động, giảm 1,2 đến 1,3 điểm phần trăm so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước.

Thất nghiệp tăng lên, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở mức cao nhất trong vòng 5 năm gần đây. Theo đó, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm 2020 là gần 1,1 triệu người, tăng 26,1 nghìn người so với quý trước và tăng 26,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng thu nhập của người lao động so với cùng kỳ năm trước chưa bằng một nửa so với tốc độ tăng thu nhập của quý I/2019 so với quý I/2018. “Đặc biệt, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 hay các biến động tiêu cực của nền kinh tế, lao động không được ký hợp đồng lao động và lao động có việc làm phi chính thức là lao động dễ bị tổn thương nhất…”, bà Thủy chia sẻ.

Triển vọng về nền kinh tế trực tuyến

Gần đây, tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 với 63 địa phương, Trưởng ban Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh: “Dịch bệnh chắc chắn còn kéo dài, dù sẽ có từng nơi, từng thời điểm lắng xuống, nhưng chỉ tới khi nào có thuốc đặc trị hoặc có vaccine thì mới có thể coi là cơ bản hết dịch”.

“Như vậy, rõ ràng cho đến hết quý II, tình hình dịch bệnh hoặc dư âm của nó sẽ vẫn là thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp và người lao động. Do vậy, để vượt qua giai đoạn khó khăn này, Chính phủ, doanh nghiệp và người lao động hơn bao giờ hết cần phải chung tay kiểm soát dịch bệnh đồng thời từng bước ổn định và phát triển kinh tế”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Phạm Quang Vinh khẳng định.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Phạm Quang Vinh. 

Hiện nay, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách giúp ngăn ngừa, kiểm soát bệnh dịch và hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động tháo gỡ khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, để các chính sách này phát huy hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ, tích cực giữa các Bộ, ngành, địa phương nhằm thúc đẩy nhanh các thủ tục hướng dẫn, cải cách thủ tục hành chính nhằm đảm bảo các gói hỗ trợ được triển khai kịp thời, đến đúng đối tượng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và người lao động cần xác định rõ rằng cơ chế chính sách hiện nay chỉ là hỗ trợ; các doanh nghiệp và người lao động cần chủ động, sáng tạo để tìm cơ hội thích ứng với bối cảnh mới, vượt qua đại dịch.

Bà Vũ Thị Thu Thủy khuyến nghị, đối với doanh nghiệp, có thể nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, quy trình sản xuất, kinh doanh; tìm thị trường mới cho nguyên liệu đầu vào, nghiên cứu mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ngoài các thị trường truyền thống; ứng dụng công nghệ thông tin chuyển từ kinh doanh trực tiếp sang kinh doanh trực tuyến; đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng cho người lao động. Đối với người lao động, cần tận dụng thời gian để nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, không ngừng đổi mới sáng tạo, tự trang bị các kỹ năng mềm để đảm bảo khả năng thích nghi và thay đổi không ngừng của thị trường lao động; ngoài ra, người lao động cũng cần hiểu và chia sẻ với các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này.

Trong quá trình kê khai thông tin phục vụ triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ, người lao động cần thực hiện nghiêm túc, khai báo trung thực theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền; đồng thời, mỗi người lao động cần tích cực tham gia vào quá trình giám sát thực hiện triển khai các chính sách hỗ trợ này, đảm bảo các hỗ trợ đến được đúng và đủ đối tượng.

“Đại dịch Covid-19 sẽ đem lại cho các nền kinh tế một cơ hội mới trong bối cảnh Cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ. Và triển vọng về một nền kinh tế trực tuyến đang ngày càng trở nên rõ ràng”, ông Vinh nhấn mạnh.

Chủ tịch VCCI hiến kế phục hồi kinh tế hậu Covid-19: Toàn dân hãy yêu doanh nhân như yêu bộ đội thời kháng chiến, bởi doanh nghiệp Việt là chiến sỹ tuyến đầu xây dựng kinh tếÔng Vũ Tiến Lộc mong rằng doanh nghiệp Việt Nam luôn nhận thức rõ sứ mệnh của mình là chiến sỹ trong tuyến đầu sự nghiệp xây dựng kinh tế, là những người có trách nhiệm lo sinh kế cho nhân dân, là những người quyết định sức mạnh kinh tế của đất nước.

Lê Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang