Triệu quan chức kê khai tài sản, chỉ 1 người bị xử lý: Thanh tra Chính Phủ lên tiếng

author 12:58 23/10/2014

(VietQ.vn) - “Số trường hợp kê khai thì nhiều mà trường hợp xác minh và bị xử lý thì ít quá…”

Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ (TTCP) cũng tỏ ra bối rối khi lý giải kết quả thanh tra việc kê khai tài sản công chức tại cuộc họp báo sáng 23/10.

Lãnh đạo Thanh tra Chính phủtrảlời về vấn đề công khai tài sản của quan chức

Tại đây, nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh nội dung báo cáo của Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh trước Quốc hội về việc kê khai tài sản. Theo đó, có gần 1 triệu trường hợp kê khai tài sản nhưng chỉ có 5 trường hợp tiến hành xác minh và 1 trường hợp bị xử lý vì kê khai không trung thực.

Lý giải con số trên, ông Trần Đức Lượng, Phó Tổng TTCP cũng phải thừa nhận: “Chúng tôi cũng rất băn khoăn vì con số đó. Số trường hợp kê khai thì nhiều mà trường hợp xác minh và bị xử lý thì ít quá, nhưng thẩm quyền xác minh hiện nay theo quy định của pháp luật thuộc về người có thẩm quyền quản lý cán bộ. Nên phải chăng tới đây, chính chủ thể xác minh có thể thay đổi được không để bảo đảm tỷ lệ được xác minh sẽ nhiều hơn”.

Nói về quá trình kê khai tài sản quan chức, vị Phó Tổng TTCP cho biết: Tại Việt Nam, việc kê khai tài sản không phải là vấn đề mới đối với cán bộ công chức. Không phải chỉ khi có Pháp lệnh về Phòng chống tham nhũng năm 1998 hay Luật Phòng chống tham nhũng ra đời, mà đối với cán bộ công chức khi kê khai lý lịch, trong nội dung kê khai có mục gọi là "Hoàn cảnh kinh tế". Đến Pháp lệnh Phòng chống tham nhũng năm 1998 thì ta quy định thành quy phạm pháp luật, xác định rõ đối tượng, chủ thể phải kê khai, nội dung phải kê khai và quản lý nó như thế nào.

“Hiện nay, chúng ta đã tiến thêm một bước từ kê khai chúng ta tiến tới xác minh, nhưng đây là xác minh có điều kiện, ràng buộc tương đối chặt. Rồi đến Luật sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng 2012 thì chúng ta lại tiến thêm một bước nữa là phải công khai bản kê khai tài sản thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai ở cơ quan, tổ chức, cấp ủy… Quy định của pháp luật đã có bước tiến như vậy, nhiều chuyên gia nhận xét thể chế của mình tiếp cận tương đối nhanh, nhưng vấn đề là mình phải quản lý như thế nào mà thôi”, ông Lượng nhận định.

Về vấn đề quản lý nhà nước trong việc kê khai tài sản, ngay từ năm 2014, Thanh tra Chính phủ cho biết đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tiến hành kiểm tra đánh giá việc thực hiện một cách sát sao hơn nữa để nâng cao hiệu quả.

Cũng tại buổi họp báo, ông Trần Đức Lượng đã trả lời báo chí các câu hỏi liên quan đến việc nguyên Tổng TTCP Trần Văn Truyền trước khi nghỉ hưu đã bổ nhiệm hàng loạt cán bộ hàm cấp vụ và cấp phòng của giai đoạn 8 tháng đầu năm 2011.

Theo đó, ông Trần Đức Lượng khẳng định qua rà sobồi thường, kết quả cho thấy cơ bản các trường hợp trên đều đảm bảo điều kiện tiêu chuẩn, phát huy được năng lực."Còn lại một số trường hợp chưa đảm bảo điều kiện được bổ nhiệm ở thời kỳ đó thì nay đã đủ điều kiện", ông Lượng nói.

Ông Lượng cũng cho biết thêm, một số ít trường hợp, trong quá trình công tác, có khuyết điểm, đã được TTCP xem xét xử lý; một số trường hợp chưa đảm bảo điều kiện được bổ nhiệm ở thời kỳ đó, nay đã đủ điều kiện và một số trường hợp cần bổ sung thêm bằng cấp, chứng chỉ đều đã tiến hành bổ sung.

Lãnh đạo TTCP đã giao Vụ Tổ chức Cán bộ tiếp tục xem xét các trường hợp cho đến nay chưa đủ điều kiện tiêu chuẩn và nếu đáp ứng yêu cầu, sẽ bổ nhiệm lại; không đáp ứng sẽ không bổ nhiệm lại.

Về vấn đề kê khai tài sản của ông Trần Văn Truyền, ông Lượng cho biết, chưa nhận được kết luận của Uỷ ban Kiểm tra nên chưa thể thông báo tới các cơ quan báo chí.

Trước đó, ngày 23/7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã công bố quyết định kiểm tra dấu hiệu vi phạm của đảng viên đối với ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ. Đồng thời, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng cử đoàn cán bộ đến phối hợp với tỉnh Bến Tre để kiểm tra, xác minh toàn bộ tài sản và bất động sản của ông Trần Văn Truyền.

Hạ Lan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang