Trình độ phát triển thấp nhất TPP, Việt Nam phải làm gì để đứng vững?

author 06:41 08/10/2015

(VietQ.vn) - Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đánh giá, Việt Nam có lẽ là nước có nền kinh tế phát triển thấp nhất trong TPP, do đó chúng ta phải cố gắng rất nhiều khi tham gia sân chơi lớn này.

Qúa trình đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP giữa 12 quốc gia trong đó có Việt Nam đã kết thúc tại Mỹ vào tối ngày 5/10.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, TPP là một sân chơi lớn, đòi hỏi cao, do đó ngoài những thuận lợi ra thì Việt Nam cũng có rất nhiều thách thức.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói về khó khăn khi gia nhập TPP

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng nói về những khó khăn của VN khi tham gia TPP

Thứ nhất, do Việt Nam là nền kinh tế có quy mô nhỏ, trình độ phát triển vào dạng thấp nhất trong số 12 nước thành viên TPP. Cho nên, khi tham gia vào TPP, Việt Nam phải nỗ lực hơn rất nhiều để có thể đứng vững trên đôi chân của mình.

“Chúng ta cần nâng cao năng lực cạnh tranh, qua đó bắt kịp yêu cầu của Hiệp định TPP, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển giữa Việt Nam và các nước trong TPP”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thách thức thứ 2, có một số lĩnh vực do lợi thế của Việt Nam còn kém nên sẽ rất khó khăn. Đơn cử như ngành chăn nuôi hoặc lĩnh vực dịch vụ.

Để giảm thiểu những tác động tiêu cực khi tham gia TPP, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng - cho rằng Việt Nam cần tiếp tục tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng. Bên cạnh đó, cần sắp xếp lại các lĩnh vực theo hướng ngành nghề nào có lợi thế thì phải phát huy mạnh. Còn lĩnh vực nào Việt Nam yếu kém, lạc hậu thì nên thu hẹp lại.

Điều thứ 2, Việt Nam cần mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đặc biệt là những quy định pháp luật trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, kinh tế, doanh nghiệp. Đây cũng là yêu cầu của chúng ta.

Điều quan trọng nữa là phải tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trong nhân dân, nhất là cộng đồng doanh nghiệp để họ có thể nắm bắt, hiểu rõ đâu là những thuận lợi, đâu là thời cơ chúng ta phải tận dụng. Đồng thời, doanh nghiệp phải nhận rõ những thách thức, khó khăn để có biện pháp khắc phục.   

Hoàng Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang