Trình tự bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ

author 06:07 25/09/2015

(VietQ.vn) - Quốc hội bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau đó, Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, biểu quyết.

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều ngày 24/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Tình trạng đại biểu vắng mặt nhiều tại kỳ họp vừa qua là một trong những nội dung được nhiều ý kiến nêu lên và đề nghị cần có quy định cụ thể để nâng cao trách nhiệm người đại biểu.

Cử tri không bằng lòng việc ĐB Quốc hội nghỉ họp làm việc riêng

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước thì cho biết: “Vừa qua, cử tri cũng như ngay trong nội bộ các đoàn không bằng lòng việc có đại biểu lợi dụng bận việc riêng để vắng mặt. Trách nhiệm quan trọng số 1 của người đại biểu Quốc hội là phải tham dự đầy đủ các ngày họp. Bởi Quốc hội làm việc tập thể”.

Quốc hội bầu Chủ tịch nước, thủ tướng

Những phiên Quốc hội họp mà vắng nhiều đại biểu thường gây bức xúc cho cử tri

Theo ông Ksor Phước: “Không chỉ cử tri, ngay trong đoàn người ta cũng không hài lòng trước việc một số đại biểu Quốc hội cứ vắng mặt suốt”.

Ông Phước nêu ý kiến: “Không nhất thiết phải báo cáo Chủ tịch Quốc hội, chỉ cần báo cáo tổng thư ký để tổng hợp lại. Nhưng tôi đề nghị quy định ràng buộc là đại biểu Quốc hội không được nghỉ quá 1/5 thời gian kỳ họp nếu không có lý do chính đáng”.

Cho ý kiến vào quy định này, bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, quy định như vậy hi vọng sẽ khắc phục được tình trạng đại biểu Quốc hội vắng mặt hiện nay.

“Theo tôi cần đưa ra quy định cụ thể, ví dụ nghỉ bao nhiêu ngày thì báo cáo trưởng đoàn, nghỉ bao nhiêu ngày thì báo cáo Tổng thư ký kỳ họp và nghỉ bao nhiêu ngày thì phải báo cáo Chủ tịch Quốc hội.

“Quy định đại biểu Quốc hội không được vắng mặt khi không có sự đồng ý của Chủ tịch Quốc hội thì căng quá, chả nhẽ Đại biểu Quốc hội nghỉ một ngày cũng phải xin phép Chủ tịch Quốc hội, trong khi đó Chủ tịch Quốc hội lại quá nhiều việc”, bà Mai nói.

Để giải quyết việc nhiều Đại biểu Quốc hội vằng mặt, nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) quy định đại biểu dùng thẻ điện tử để điểm danh tại các kỳ họp. Tuy nhiên, có ý kiến lo ngại đại biểu Quốc hội thiếu tự giác, có thẻ mà không có người.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng điểm danh bằng thẻ điện tử là không khả thi.

“Cái thẻ đó tôi cắm vào đó không lấy ra thì nó tự động điểm danh cả ngày hôm sau, hoặc đưa cho người khác cắm vào thì điểm danh hộ, bấm nút hộ cũng được” - ông Giàu phân tích.

ĐB Quốc hội có quyền giới thiệu, tự ứng cử nhiều chức danh

Theo dự thảo Nội quy kỳ họp (sửa đổi), quy trình bầu Chủ tịch nước được thực hiện như sau:

Uỷ ban thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.

Ngoài danh sách do Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị, đại biểu Quốc hội có quyền giới thiệu thêm hoặc tự ứng cử vào chức danh Chủ tịch nước; người được giới thiệu ứng cử có quyền rút khỏi danh sách người ứng cử.

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; Chủ tịch Quốc hội có thể họp với các Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội để trao đổi về các vấn đề có liên quan.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội báo cáo trước Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội; trình Quốc hội quyết định danh sách người ứng cử do đại biểu Quốc hội giới thiệu hoặc tự ứng cử.

Quốc hội thảo luận, thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước; thành lập Ban kiểm phiếu.

Quốc hội bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau đó, Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, biểu quyết. Quốc hội thảo luận, thông qua nghị quyết bầu Chủ tịch nước.

Cuối cùng, Chủ tịch nước tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp.

Trình tự bầu Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao được đặt ra như sau:

Chủ tịch nước trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Ngoài danh sách do Chủ tịch nước đề nghị, đại biểu Quốc hội có quyền giới thiệu thêm hoặc tự ứng cử vào chức danh Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; người được giới thiệu ứng cử có quyền rút khỏi danh sách người ứng cử.

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; Chủ tịch Quốc hội có thể họp với các Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, mời Chủ tịch nước tham dự để trao đổi về các vấn đề có liên quan.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội báo cáo trước Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch nước báo cáo trước Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội quyết định danh sách người ứng cử do đại biểu Quốc hội giới thiệu hoặc tự ứng cử.

Quốc hội thảo luận, thông qua danh sách để bầu Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu; bầu Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bằng hình thức bỏ phiếu kín. Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, biểu quyết.

Quốc hội thảo luận và thông qua nghị quyết bầu Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp.

Hoàng Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang