Trong 6 tháng đầu năm, Vietcombank báo lãi đột biến: Vì sao?

authorĐỗ Thu Thoan 07:25 07/08/2017

(VietQ.vn) - Trong 6 tháng đầu năm, Vietcombank báo lãi đột biến và đã vươn lên vị trí dẫn đầu về lợi nhuận ngân hàng khi 6 tháng đầu năm lãi trước thuế đạt 5.254 tỷ đồng, tăng 23%.

Sự kiện: Doanh nghiệp

Theo báo Người đồng hành, mới đây, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã VCB-HoSE) đã công bố báo cáo tài chính quý II với kết quả lợi nhuận cao hơn 200 tỷ đồng so với ước tính công bố trước đó tại Hội nghị Sơ kết hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ kinh doanh 6 tháng cuối năm 2017.

Lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt 2.518 tỷ đồng riêng quý II và 5.254 tỷ đồng lũy kế 6 tháng đầu năm 2017. Với kết quả này, Vietcombank đã hoàn thành hơn 57,1% kế hoạch 9.200 tỷ đồng đề ra đầu năm.

Nguồn thu lớn nhất của ngân hàng tiếp tục là thu nhập lãi thuần với 5.637 tỷ đồng, tăng trưởng 21,88% cùng kỳ. Đóng góp vào tăng trưởng lợi nhuận của VCB 6 tháng đầu năm chủ yếu đến từ tăng Thu nhập lãi từ chứng khoán đầu tư và thu thuần từ hoạt động dịch vụ. Trong quý này, lãi thuần từ dịch vụ ghi nhận mức tăng trưởng hơn 27%.

Lợi nhuận sau thuế lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 4.222 tỷ đồng, tăng 23,4%. EPS 6 tháng đạt 1.174 đồng/cp.

trong-6-thang-dau-nam-vietcombank-bao-lai-dot-bien-vi-sao

Trong 6 tháng đầu năm, Vietcombank lãi đột biến. Ảnh minh họa

Theo Vnexpress, để có được mức lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng và tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, trong bối cảnh kinh tế khó khăn là điều không dễ dàng. Trong đó, lý do nổi bật nhất phải kể đến là tăng trưởng tín dụng của nhà băng này khá cao. 

Tính đến cuối quý II/2017, tổng tài sản của Vietcombank tăng 61,3 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 7,8% lên 849.298 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 13,45% lên 513,6 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu vẫn tương đương cùng kỳ. Tuy nhiên, nợ xấu tuyệt đối lại tăng mạnh tới 24% ở nhóm 5, từ 4.247 tỷ đồng lên 5.287 tỷ đồng, báo Người đồng hành thông tin.

Bên cạnh cho vay khách hàng, phần lớn tài sản của Vietcombank đầu tư mua trái phiếu Chính phủ và chứng khoán nợ của các ngân hàng. Lượng tiền đầu tư vào trái phiếu Chính phủ của Vietcombank giảm mạnh xuống còn gần 92 nghìn tỷ đồng từ mức 101,7 tỷ đồng hồi đầu năm.

Đến cuối quý II/2017, huy động vốn tiền gửi khách hàng 13,8% lên 514,7 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn tiền huy động của Vietcombank cũng có sự thay đổi. Tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn với chi phí rẻ giảm từ hơn 27% xuống còn 26,5%. Cùng đó, Vietcombank cũng tích cực phát hành trái phiếu trung hạn để huy động vốn, tăng 2.900 tỷ đồng so với hồi đầu năm.

Trao đổi với Vnexpress, ông Phạm Mạnh Thắng, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho biết, năm nay ngân hàng tăng trưởng bán lẻ rất tốt. Trong đó, doanh số cho vay nông nghiệp nông thôn và hộ kinh doanh nhỏ lẻ khá lớn. Đây cũng là trọng tâm của ngân hàng trong thời gian tới bên cạnh công tác nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động ở mảng bán buôn.

Bên cạnh những yếu tố trên, việc các lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng cao cũng là lý do giúp lợi nhuận trước thuế của nhà băng này tăng mạnh.

Song song đó, lãnh đạo Vietcombank cho biết, những năm gần đây, ngân hàng đã triển khai hàng loạt dự án nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng cũng như xây dựng KPI đánh giá hiệu quả hoạt động cho từng cán bộ nhân viên; đưa ra chính sách khen thưởng, kỷ luật... Nhờ đó, hiện nay năng suất lao động của ngân hàng rất cao. 

Tuy nhiên, theo Vnexpress, đằng sau tín hiệu khả quan từ những con số lợi nhuận, phân tích cơ cấu thu nhập của các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm có thể thấy rằng phần lớn số lãi vẫn đến từ hoạt động tín dụng. Và điều này lại tiềm ẩn nhiều rủi ro trong tương lai vì một khoản nợ xấu thường chỉ phát sinh sau giai đoạn 3-5 năm đầu của khoản vay.

Các chuyên gia trong ngành cho rằng, các ngân hàng cần tiếp tục giảm bớt việc phụ thuộc vào cho vay, tăng tỷ trọng thu nhập từ phí dịch vụ trong tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng.

Đỗ Thu Thoan (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang