Trụ cột kinh tế Hàn Quốc - Chaebol (Phần 2)

author 07:15 11/04/2014

(VietQ.vn) - Sau sự suy sụp của hai ông lớn Huyndai và Daewoo, kinh tế Hàn Quốc lại bắt đầu có hai đầu tàu mới. Hai cái tên khiến cho các ông lớn điện tử - viễn thông nổi tiếng trên thế giới đều phải kiêng nể.

3. LG

LG là một thương hiệu lớn của Hàn Quốc tham gia trong các lĩnh vực thiết bị điện tử, hóa chất và các sản phẩm viễn thông. Tập đoàn này bao gồm các công ty con đang hoạt động như LG Electronics, Zenith, LG Display, LG Telecom và LG Chem trên 80 quốc gia.

LG logo

LG được thành lập vào ngày 5 tháng 1 năm 1947 và có cái tên đầu tiên là Lucky. Lúc đầu công ty chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp hóa chất và sản xuất nhựa. 

Bước ngoặt đến với thương hiệu này vào năm 1958 khi mà công ty Goldstar được thành lập và đó chính là tiền thân của LG Electronics nổi tiếng ngày nay.

Cột mốc đáng nhớ đầu tiên của Goldstar chính là việc sản xuất chiếc radio đầu tiên của Hàn Quốc vào năm 1959. Thời gian sau đó các thiết bị điện tử tiêu dùng của LG được bán dưới tên thương hiệu GoldStar, trong khi các sản phẩm gia dụng mang tên thương hiệu Lucky như đồ nhựa, xà phòng, chất tẩy rửa, kem đánh răng…

Năm 1968, chính phủ Hàn Quốc quyết định đề ra kế hoạch chấn hưng nền công nghiệp điện tử. Cùng với sự phát triển này, LG ngày càng lớn mạnh hơn với nhiều quyền lợi và ưu đãi đến từ các chính sách của chính phủ nước này.

Từ năm 1980 đến 1988, LG đã vươn đến ngưỡng cửa quốc tế bằng sức mạnh kỹ thuật của mình khi thành lập chi nhánh đầu tiên tại New York, thành phố được xem là trung tâm tài chính toàn thế giới.

Năm 1995, để cạnh tranh tốt hơn trên thị trường, Tổng công ty Lucky – Goldstar được đổi lại thành cái tên “LG” như ngày nay. Ngay sau đó, thành công đến với thương hiệu mới này khi đã tích lũy đủ năng lực và vươn lên dẫn đầu cuộc cách mạng kỹ thuật số trong những năm tiếp theo. 

Với các chính sách phát triển đa dạng như truyền thông đa phương tiện, nâng cao khả năng cạnh tranh của lĩnh vực đồ điện gia dụng và lĩnh vực bưu chính viễn thông bằng nền tảng kỹ thuật được đúc kết từ trước, LG đã nhảy vọt thành doanh nghiệp xuất sắc nhất.

Được ví von như bộ mặt tương lai của kỹ thuật số vào năm 2009, LG đã xâm nhập dần đến các thị trường lân cận nhằm nâng tầm ảnh hưởng thương hiệu trong các sản phẩm TV, tủ lạnh, máy giặt và máy lạnh.

LG Towers

Trụ sở chính của LG 

Từ năm 2010, LG đã trở thành một thương hiệu toàn cầu khi xuất hiện ở hầu hết các quốc gia trên thế giới cùng nhiều ngành hàng khác nhau. Với tinh thần sáng tạo, luôn cải cách và đứng vững khi gặp khó khăn thách thức, LG đã nghiễm nhiên trở thành doanh nghiệp đi tiên phong trong nền công nghiệp điện tử Hàn Quốc và có vị thế vững chắc trên thị trường quốc tế.

4. Samsung

Tập đoàn Samsung là một tập đoàn quốc tế có tổng hành dinh đặt tại Samsung Town, Seoul. Tập đoàn có nhiều công ty con hoạt động trên các lĩnh vực khác nhau và hiện tại đang là Chaebol lớn nhất Hàn Quốc.

Samsung logo

Samsung được sáng lập bởi Lee Byung-chul năm 1938, khởi đầu là một công ty buôn bán nhỏ. Trong 3 thập kỷ kế tiếp, tập đoàn đa dạng hóa ngành nghề bao bồm chế biến thực phẩm, dệt may, bảo hiểm, chứng khoán và bán lẻ.

Samsung tham gia vào lĩnh vực công nghiệp điện tử vào cuối thập kỉ 60 với sản phầm đẩu tiên của mình chính là chiếc TV đen trắng. Và bước chân vào  công nghiệp đóng tàu vào giữa thập kỉ 70.

Vào những năm 1980, Samsung Electronics chính thức được thành lập tham gia vào ngành công nghiệp phần cứng viễn thông sau khi mua lại một công ty hoạt động  trên lĩnh vực đó. Sản phẩm đầu tiên của hãng là bộ chuyển mạch. Đó là nền tảng cho hệ thống nhà máy điện thoại bàn và fax của Samsung, sau này là nhà máy điện thoại di động, nơi đã sản xuất 800 triệu sản phẩm điện thoại di động cho đến thời điểm hiện tại.

Sau khi chủ tịch Lee mất năm 1987, Samsung tách ra thành 4 tập đoàn - tập đoàn Samsung, Shinsegae, CJ, Hansol. Từ thập kỉ 90, Samsung mở rộng hoạt động trên quy mô toàn cầu, tập trung vào lĩnh vực điện tử, điện thoại di động và chất bán dẫn, đóng góp chủ yếu vào doanh thu của tập đoàn.

Những chi nhánh quan trọng của Samsung bao gồm Samsung Electronics (công ty điện tử lớn nhất thế giới theo doanh thu, và lớn thứ 4 thế giới theo giá trị thị trường năm 2012), Samsung Heavy Industries (công ty đóng tàu lớn thứ 2 thế giới theo doanh thu năm 2010), Samsung Engineering và Samsung C&T (lần lượt là công ty xây dựng lớn thứ 13 và 36 thế giới). Những chi nhánh chú ý khác bao gồm Samsung Life Insurance (công ty bảo hiểm lớn thứ 14 thế giới), Samsung Everland (quản lý Everland Resort, công viên lâu đời nhất Hàn Quốc), Samsung Techwin (công ty không gian vũ trụ, thiết bị giám sát, bảo vệ) và Cheil Worldwide (công ty quảng cáo lớn thứ 16 thế giới theo doanh thu năm 2011).

Samsung Town

Tòa nhà Samsung tại Hàn Quốc

Samsung có tầm ảnh hưởng lớn trong phát triển kinh tế, chính trị, truyền thông, văn hóa ở Hàn Quốc, và là động lực thúc đẩy chính đằng sau "Kì tích sông Hàn". Chaebol này đóng góp 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của và doanh thu chiếm 17% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc.

Phạm Tùng


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang