Tọa đàm trực tuyến: Doanh nhân thời đại 4.0

author 08:59 13/10/2019

(VietQ.vn) - Các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện doanh nghiệp cùng nhau bàn thảo về những thuận lợi và khó khăn, cơ hội và thách thức của doanh nghiệp trước bối cảnh CMCN 4.0 tại tọa đàm trực tuyến: “Doanh nhân thời đại 4.0”.

Sự kiện: Giao lưu trực tuyến

Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) mang đến cho nhân loại cơ hội thay đổi bộ mặt các nền kinh tế. Cùng với đó là những hứa hẹn về cuộc "đổi đời" của các doanh nghiệp tại Việt Nam nếu đón được làn sóng này.

Xuất phát từ mục tiêu tạo diễn đàn mở cho chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ những thuận lợi và khó khăn, cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt Nam trước bối cảnh CMCN 4.0, nhân Kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam (13/10), Chất lượng Việt Nam Online phối hợp với Kênh thông tin Investtv tổ chức tọa đàm trực tuyến: “Doanh nhân thời đại 4.0”.

Khách mời tham gia chương trình:

- Ông Hà Minh Hiệp - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

- Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương

- Ông Nguyễn Anh Quê - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn G6

- Ông Nguyễn Thành Trung - Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển nghỉ dưỡng ngoại ô

- Ông Phạm Ngọc Hoàng - Giám đốc PR & Marketing Tập đoàn Kosy

 Các đại biểu tham gia chương trình tọa đàm.

MC: Để bắt đầu cuộc tọa đàm hôm nay tôi xin phép được hỏi ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương. Thưa ông, theo ông thì những yếu tố chính nào đang và sẽ tiếp tục tác động đến nền kinh tế Việt Nam và doanh nghiệp trong giai đoạn mới - giai đoạn CMCN 4.0?

Trước tiên chúng ta phải hiểu: Thế nào là CMCN 4.0 và dự kiến tác động của nó đến nền kinh tế cũng như doanh nghiệp là gì?

Theo tôi, chúng ta không nên hiểu CMCN 4.0 quá phức tạp, khi sự phát triển của khoa học công nghệ và kĩ thuật đến mức vượt một khoảng cách xa so với trước đây khiến cho mọi ý tưởng của con người gần như có thể thực hiện được, mà trước đây khi chưa có CMCN 4.0 sẽ rất khó để làm. 

Với sự phát triển của khoa học công nghệ sẽ làm thay đổi mô hình kinh doanh truyền thống theo hướng gia tăng hiệu quả, giảm chi phí và làm cho sản xuất linh hoạt hơn. Ví dụ trước đây khi muốn sản xuất một sản phẩm mới, chúng ta mất rất nhiều năm qua các khâu ra ý tưởng, thiết kế, thử nghiệm trên thực tế, sau đó sáng tạo. Thế nhưng ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, những thử nghiệm trên máy tính diễn ra trong thời gian rất ngắn, thậm chí tính bằng ngày, chúng ta có thể tạo ra những sản phẩm mới triển khai sử dụng được ngay. 

Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương. 

Ngoài ra, chuyển đổi số có thể tạo ra những hoạt động và mô hình kinh doanh mới (Uber, Grab…) và nhiều mô hình khác, sẽ có tác động cả mặt tích cực và tiêu cực. Xét về mặt tích cực, tôi cho rằng đây là cơ hội cho tất cả doanh nghiệp làm gia tăng giá trị hiện tại cũng như đưa vào chuỗi giá trị gia tăng mới. 

Nhưng thách thức cũng rất lớn, nếu chúng ta không thay đổi lập tức những đối thủ cạnh tranh với mô hình kinh doanh mới, cách kinh doanh hiệu quả hơn có thể gây ra áp lực, thậm chí đào thải doanh nghiệp. Từ đó cho thấy, sự phát triển khoa học kĩ thuật, công nghệ thông tin là những yếu tố chúng ta buộc phải cân nhắc.

Nhưng điều quan trọng nhất, theo quan điểm của tôi, đôi khi nền sản xuất vật chất không thể bị thay thế. Ví dụ như bán hàng online, đấy là phương thức kinh doanh, còn lại chúng ta vẫn phải bán những sản phẩm với chất lượng tốt. Như vậy thứ thay đổi ở đây là cách thức, còn lại sản phẩm – hay còn gọi là nền sản xuất vật chất sẽ không bị thay thế, nghĩa là chúng ta chỉ đa dạng hơn về cách thức kinh doanh.

Nhìn nhận một cách rất thực tế, chúng ta phải tránh sự lí thuyết, CMCN 4.0 không tự nhiên tạo ra giá trị cho doanh nghiệp nhưng nó có thể tự nhiên đào thải doanh nghiệp. Bởi vậy việc nhận thức, thực thi, ứng dụng 4.0 vào trong doanh nghiệp là cả một vấn đề. Tôi cho rằng Việt Nam hiện nay đang yếu ở khâu này. 

Một cuộc khảo sát mới đây của công ty BWC cho thấy, chỉ có khoảng 16-17% doanh nghiệp có nhận thức đầy đủ về tác động của CMCN 4.0, còn lại là hiểu biết mơ hồ hoặc chưa biết. Vậy trong 16-17% đó, quá trình từ khi họ hiểu biết đến khi thực thi có lẽ chỉ được 1%. Yếu tố khó khăn nhất hiện nay là “thực thi trên thực tế”. Nhìn vào thực tế xã hội chúng ta tôi nhận thấy, vẫn còn rất nhiều thứ để cho thấy “4.0 vẫn ở trên trời”. 

“Ngày hôm qua khi tôi đi xe bus, vẫn 2 người (1 lái xe, một phụ xe) thu tiền bằng giấy, đi trên xa lộ việc trả tiền phí bằng điện tử gần như không phổ biến…”. Do đó, theo tôi, thách thức lớn nhất hiện nay chính là việc nhận thức và triển khai thực thi cả cấp chính quyền lẫn doanh nghiệp”.

MC: Vâng, để nâng cao chất lượng doanh nghiệp nói chung, chúng ta không thể không nhắc đến vai trò của vấn đề tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Thưa ông Hà Minh Hiệp, ông đánh giá như thế nào về vai trò của tiêu chuẩn đo lường chất lượng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?

Trong cuộc CMCN 4.0, khoa học công nghệ và tiêu chuẩn đóng vai trò tiên phong. Hiện nay có nhiều công nghệ, giải pháp để áp dụng, tiếp cận CMCN 4.0. Tuy nhiên, nếu giải pháp không tiếp cận tiêu chuẩn của quốc tế, hay Việt Nam chưa xây dựng những bộ tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu thì quy trình sau này sẽ không có tính kết nối.

Ví dụ: Đô thị thông minh, sản xuất thông minh. Riêng sản xuất thông minh thế giới đã có nhiều bộ tiêu chuẩn… Ngay từ đầu, doanh nghiệp chúng ta xây dựng bộ tiêu chuẩn sẽ dễ dàng tham gia với các quốc gia khác.

 Ông Hà Minh Hiệp - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

Chúng ta cần xây dựng công cụ, giải pháp. Hiện, các giải pháp về công nghệ thông tin khá nhiều song giải pháp về kết nối giữa phần cứng, phần mềm… cần tập trung trong thời gian tới. Do đó, chúng ta buộc phải thay đổi. Trước đây, với công cụ 5S, một chuyên gia đánh giá chất lượng đến doanh nghiệp để đưa ra vấn đề giúp DN cải thiện năng suất. Bây giờ, doanh nghiệp đã đạt được điều đó và đòi hỏi chúng ta phải đưa ra các giải pháp khác.

Trong bối cảnh hiện nay, dựa vào một chuyên gia đánh giá năng suất, chúng ta có thể giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhưng với sự xuất hiện của công nghệ như xử lý dữ liệu, Internet vạn vật, đặc biệt là AI, giúp việc tư vấn cho doanh nghiệp dễ dàng hơn.

MC: Còn dưới góc nhìn của doanh nghiệp, thưa ông Nguyễn Anh Quê, ông đánh giá như thế nào về những yếu tố vừa được đề cập đối với hoạt động của doanh nghiệp trong giai đoạn công nghệ bùng nổ sắp tới?

CMCN 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến vấn đề quản trị kinh doanh. Thứ nhất là sự chuẩn xác trong hoạt động kinh doanh sẽ tốt và chi tiết hơn. Cuộc cạnh tranh trong giai đoạn sắp tới, đặc biệt là cạnh tranh trong lĩnh vực bất động sản sẽ không phải là cuộc đua về người, mà là cuộc đua về công nghệ, trí tuệ, giúp doanh nghiệp phát triển. Hay như trong hoạt động tài chính, câu chuyện nhân sự sẽ có sự minh bạch, rõ ràng hơn.

 Ông Nguyễn Anh Quê - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn G6.

MC: Thời đại công nghệ 4.0 đã, đang và hứa hẹn sẽ tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ ở hầu hết lĩnh vực ngành nghề. Vậy theo các vị khách mời thì những ngành nghề nào đang được đánh giá có nhiều tiềm năng để bứt phá? Xin được mời ông Hiếu!

Theo tôi tất cả các ngành đều có cơ hội để nâng cao giá trị và hiệu quả. Tuy nhiên có thể xuất hiện một số ngành có tiềm năng, ví dụ chúng ta hay nói đến “giải pháp” – rõ ràng đây là ngành dịch vụ tư vấn có cơ hội phát triển rất cao, vì doanh nghiệp cần phải số hóa, muốn số hóa phải có nhân lực, cần phải tư vấn.

Tiếp theo, hiệu quả bao giờ cũng gắn với logistics, logistics ở đây không đơn thuần là vận tải, mà nghĩa là sự hiệu quả trong tổ chức sản xuất kinh doanh. Theo tôi, đây là một ngành có tiềm năng rất lớn. Rồi có rất nhiều ngành khác, nhưng tôi vẫn nhấn mạnh là ngoài việc chúng ta phát triển những ngành tiềm năng thì tất cả những ngành còn lại nếu nắm bắt được cơ hội, thực sự tích cực, chủ động sẽ có cơ hội để phát triển.

MC: Có thể nói công nghiệp 4.0 hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều đột phá cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng. Vậy, với công ty Cổ phần Phát triển nghỉ dưỡng ngoại ô thì sao thưa ông Nguyễn Thành Trung. Ông có thể chia sẻ về những tác động cũng như sự chuẩn bị của công ty để đón đầu làn sóng công nghệ trong thời gian tới?

Chúng tôi làm về kinh doanh nghỉ dưỡng, bản chất là kinh doanh về cảm xúc của người dùng. Thoạt nhìn qua chúng ta thấy rằng điều đó không thể máy móc hóa hoặc tự động hóa được. Và chúng tôi cũng cố gắng để tìm cách đưa nó về thứ nguyên bản nhất đó là kinh doanh dựa trên nền tảng của vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa hình thành từ lâu đời và từ con người, cách chúng ta giao tiếp với nhau tạo nên cảm xúc của nhau.

Tuy nhiên, để tạo nên một sản phẩm tốt trong lĩnh vực nghỉ dưỡng thì mảng chìm ở bên trong để tạo nên sản phẩm cần rất nhiều ứng dụng của công nghệ hiện đại.

Giả sử muốn đưa ra một sản phẩm cho xã hội, thay vì thử nghiệm, nếu không thích ta có thể thay đổi thì hiện nay chúng ta đã bắt đầu ngay từ việc nghiên cứu hành vi người dùng dựa trên sự tổng hợp của thông tin trên mạng internet, facebook cũng như dữ liệu về con người, chúng ta sẽ biết xu hướng dịch chuyển như thế nào, hưởng thụ cuộc sống ra sao, sau đó sẽ đưa những sản phẩm có tính gần gũi nhất với nhu cầu người dùng. Đồng thời rút ngắn quá trình nghiên cứu sản phẩm bằng cách đưa ra các test xem phản ứng của người dùng, để biết được thay đổi như thế nào là tốt nhất.

 Ông Nguyễn Thành Trung - Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển nghỉ dưỡng ngoại ô.

Hoặc quá trình chúng ta vận hành một khu nghỉ dưỡng, nhìn bên ngoài có vẻ đơn giản nhưng bên trong là hàng trăm KPI cho từng nhân viên, thậm chí nhỏ nhất là xem nhà vệ sinh hôm nay đã được dọn bao nhiêu lần và mức độ chấm điểm sạch sẽ của người dùng về nhà vệ sinh đó ra sao.

Chúng tôi nghĩ rằng, cho dù chúng tôi mong muốn đưa nghỉ dưỡng về với giá trị nguyên bản nhất thì việc thông minh hóa trong quá trình quản trị và tạo ra sản phẩm sẽ mặc nhiên đưa vào một cách rất tự nhiên. Cho dù chúng tôi không cố gắng chấp nhận sự linh hoạt nó cũng đã mặc nhiên đi vào từng bước làm việc của chúng tôi.

MC: Với tập đoàn Kosy, doanh nghiệp đã có sự tận dụng cơ hội trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như thế nào, thưa ông Phạm Ngọc Hoàng?

Kosy là tập đoàn đa ngành, hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản và năng lượng, thế nên việc minh bạch trong tài chính và quản trị rất quan trọng. Việc tích hợp nền tảng công nghệ sớm giúp Tập đoàn tối ưu hoạt động kinh doanh, tăng năng lực cạnh tranh và đem lại lợi nhuận cho cổ đông.

Ông Phạm Ngọc Hoàng - Giám đốc PR & Marketing Tập đoàn Kosy. 

Chúng ta biết, để phát trển sản phẩm bất động sản, không phải một sớm một chiều, kéo dài vài năm. Để một sản phẩm phát triển phải tập trung sớm. Kosy đã dự đoán được những nền tảng công nghệ để tối ưu trong từng sản phẩm, khu đô thị mà chúng tôi đang phát triển. Với một thị trường thay đổi, nếu không phát triển chúng ta không thể cạnh tranh được.

MC: Được biết, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đang là cơ quan chủ trì xây dựng bộ tiêu chuẩn về đô thị thông minh. Việc ra đời bộ tiêu chuẩn này được kỳ vọng sẽ đóng góp lớn cho thị trường bất động sản Việt Nam. Ông có thể chia sẻ sâu hơn về vấn đề này, thưa ông Hà Minh Hiệp?

Ngay từ năm 2017, Tổng cục TCĐLCL đã trình Bộ KH&CN công bố bộ tiêu chuẩn liên quan đến đô thị thông minh. Hiện đã trình Bộ công bố 14 bộ tiêu chuẩn, trong đó TCVN 12135, TCVN 37120 về đô thị thông minh bền vững. Trong bộ tiêu chuẩn TCVN 37120 có 18 chỉ số đánh giá mức độ thông minh, hài lòng cung cấp dịch vụ của đô thị thông minh, giáo dục… Trong thời gian tới, DN nên tham gia tiếp cận những bộ tiêu chuẩn này.

 Ông Hà Minh Hiệp và ông Phạm Ngọc Hoàng.

Ngoài ra, thời gian tới, Bộ KHCN cũng tiếp tục ban hành những bộ tiêu chuẩn mới để doanh nghiệp và các bộ, ban ngành có liên quan tiếp cận.

MC: Thưa ông Hiệp, vậy ông có lời khuyên như thế nào đối với doanh nghiệp về việc tiếp cận các bộ tiêu chuẩn để tối đa hóa hiệu quả trong tương lai?

Chúng tôi thường xuyên có những chương trình đào tạo, hội thảo để quảng bá những tiêu chuẩn đó, đặc biệt là chương trình quốc gia về năng suất chất lượng có các khóa đào tạo giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận các tiêu chuẩn này. Sau khi tiếp cận, doanh nghiệp cần phải hiểu và thực hiện theo các tiêu chuẩn đó. Khi mà chúng ta thực hiện được rồi, tôi tin rằng việc thuyết phục với người dân, cộng đồng sẽ tốt hơn rất nhiều.

MC: Vậy về phía doanh nghiệp, ông nghĩ như thế nào vệ bộ tiêu chuẩn mới này? Xin mời đại diện Tập đoàn Kosy!

Sản phẩm có chất lượng, đáp ứng theo đúng tiêu chuẩn là một đánh giá cần thiết. Từ đó, khách hàng thấy đây là sản phẩm đạt chất lượng, từ đó họ tạp được sự tin tưởng. Đối với các khu đô thông minh cũng vậy, ở đó phải đạt những tiêu chí nhất định, nơi khách hàng có sự trải nghiệm tốt nhất.

MC: Còn với Công ty Cổ phần phát triển nghỉ dưỡng ngoại ô - một trong những đơn vị tiên phong về phát triển bất động sản nghỉ dưỡng vùng ven, ông Trung đánh giá gì về bộ tiêu chuẩn này?

Trong lĩnh vực bất động sản, chúng ta đã từng có giai đoạn loạn về khái niệm chung cư cao cấp. Tôi nghĩ rằng đó là một bài học lớn khi chúng ta chưa đưa ra được những bộ tiêu chuẩn để khái quát hóa, định nghĩa hóa được những giá trị. Do vậy, ngay từ bây giờ chúng ta đã có định hướng để thực hiện một hệ thống TCVN về đô thị thông minh. Đây là một điều vô cùng cần thiết. Sau này khi người dân mua được căn hộ thông minh đương nhiên nó đã phải tuân theo những tiêu chuẩn, giá trị nhất định. Điều đó trước tiên cho thấy sự quản lý của nhà nước, thứ hai tạo niềm tin, minh bạch thông tin cho khách hàng để không bị lẫn lộn giữa khái niệm thế nào là đô thị thông minh hoặc gần thông minh.

MC: Vâng, đô thị thông minh là vấn đề rất quan trọng được quan tâm phát triển trong thời gian tới, tuy nhiên, có lẽ các doanh nghiệp, doanh nhân của chúng ta đôi khi chưa chủ động, hoặc nằm ngoài cuộc CMCN 4.0 như chia sẻ tại phần đầu chỉ có 16% ở cấp độ mới bất đầu. Vậy, với cơ quan quản lý Nhà nước, ở đây là Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sẽ có những hỗ trợ như thế nào để doanh nghiệp tiếp cận CMCN 4.0 tốt hơn?

Bộ KH&CN được Chính phủ giao là một trong những cơ quan giúp Chính phủ xây dựng, tiếp cận CMCN 4.0 cho doanh nghiệp. Bộ cũng giao cho Tổng cục nghiên cứu giải pháp, công cụ, dưới góc độ tiêu chuẩn đo lường chất lượng và năng suất giúp doanh nghiệp tiếp cận CMCN 4.0. 

Nhìn chung, các doanh nghiệp của chúng ta chưa biết bắt đầu như thế nào hoặc chìa khóa nào để tham gia CMCN 4.0. Với vai trò là cơ quan đại diện cho Việt Nam ở Tổ chức Năng suất châu Á, chúng tôi đã xây dựng bài bản, lộ trình giúp doanh nghiệp tiếp cận 4.0. Theo đó, lộ trình chúng ta cần thực hiện gồm: Trang bị kiến thức về 4.0; đánh giá chúng ta ở đâu; xác định chiến lược riêng của mỗi doanh nghiệp... Về vấn đề này rất nhiều cơ quan có thể giúp trang bị kiến thức cho doanh nghiệp như Bộ Công Thương, Bộ Khoc học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư...

Vấn đề thứ 2, chúng ta phải đánh giá được chúng ta đang ở đâu. Tổ chức Năng suất châu Á cũng đang triển khai các dự án xây dựng những công cụ, giải pháp giúp doanh nghiệp chúng ta đánh giá được chúng ta đang ở đâu dưới góc độ tổ chức, công nghệ, nguồn nhân lực... Khi biết mình đang ở đâu chúng ta sẽ có chiến lược làm gì để phát triển. Điều này sẽ phụ thuộc vào chính doanh nghiệp. Chúng ta không có khung cho các doanh nghiệp mà mỗi doanh nghiệp sẽ có những nền tảng về công nghệ, nhân lực, kinh phí để có những chiến lược riêng phát triển.

Thời gian tới chúng tôi cũng đang phối hợp với Trung tâm Năng suất của Đài Loan thành lập Trung tâm đào tạo về sản xuất thông minh với 3 khóa đào tạo, 350 tiết... Tại Tổng cục, với vai trò cơ quan đầu mối, năm 2021-2022 có khoảng hơn 20 khóa đào tạo cử sang Đài Loan, Hàn Quốc tham dự...

MC: Có ý kiến cho rằng, hiện tại Việt Nam vẫn chưa thực sự sẵn sàng tiếp cận làn sóng Công nghiệp lần thứ 4 bởi con người dường như vẫn đang giữ lối tư duy 1.0, 2.0. Dưới góc độ chuyên gia ông đánh giá thế nào về quan điểm trên, thưa ông Hiếu? 

Chúng ta phải tránh câu chuyện rằng bất kì có vấn đề gì xảy ra, chúng ta nghĩ ngay đến việc nhà nước phải làm, mà ở đây chúng ta rất cần một hệ sinh thái hiểu theo nghĩa rộng là sự hợp tác từ doanh nghiệp, nhà nước và các tổ chức trung gian.

Đầu tiên, nhà nước nhất định phải cải cách thể chế; Thứ hai phải hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục những thất bại trên thị trường. Tuy nhiên vai trò của các hiệp hội là rất quan trọng (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Hiệp hội Bất động sản…). Giờ chúng ta cần có các chương trình hành động để hỗ trợ cho doanh nghiệp hiểu biết về vấn đề này, đặc biệt quan tâm tới chọn lựa doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ví dụ, trong Hiệp hội Bất động sản cần có các chương trình đào tạo, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp bất động sản trong việc tiếp cận CMCN 4.0.

Con số của kiểm toán cũng nói lên rằng bản thân doanh nghiệp phải tích cực, chủ động, không thể ngồi và nói mãi rằng “tôi mới chỉ nghe về 4.0” mà tại sao không dành thời gian để tìm hiểu. 

MC: Về phía các doanh nghiệp, chúng ta đã có sự chuẩn bị như thế nào để nâng cao hiệu quả hoạt động? Xin được mời đại diện Tập đoàn Kosy.

Với nền tảng công nghệ Việt Nam đang phát triển nhưng nền tảng quản lý, giáo dục vẫn là điều trắc trở. Sự quản lý thống nhất giúp cho việc quản lý trở nên dễ dàng, minh bạch, nâng cao hiệu quả. 5-10 năm tới, mọi thứ sẽ thay đổi nhanh hơn, việc cập nhật nền tảng công nghệ sẽ là điều sống còn của DN.

MC: Với Tập đoàn G6, công ty sẽ có những kế hoạch ra sao để nâng cao chất lượng nhân lực?

Trước kia đối với lĩnh vực bất động sản, cần số lượng nhân sự nhiều hơn, gần như mặc định đơn vị nào lớn nhất trong phân phối, môi giới bất động sản là những doanh nghiệp mạnh nhất, thế nhưng các đơn vị lớn họ đang chuẩn bị cho giai đoạn mà công nghệ là quan trọng, con người mang tính chất chỉ đạo và thúc đẩy.

Nhận thức được điều đó, Tập đoàn G6 đang tập trung đào tạo chất lượng nguồn nhân lực, nghĩa là yêu cầu nhân sự có trình độ, năng lực hoặc được đào tạo đúng chuyên môn. Ngoài ra, một trong những yêu cầu quan trọng với nhân sự chính là biết và áp dụng công nghệ (quảng cáo, marketing…).

MC: Vậy, khó khăn của công ty trong việc ứng dụng công nghệ mới là gì, thưa đại diện Công ty Cổ phần phát triển nghỉ dưỡng ngoại ô?

Bản năng của doanh nghiệp là luôn tìm cách để tối ưu hóa quá trình hoạt động và nâng cao tối đa lợi nhuận có thể, bởi vậy trong mỗi doanh nghiệp luôn có một bộ phận nghiên cứu để tối ưu hóa.

Thời gian tới, để tích hợp quản lý thông minh vào hệ thống quản lý hiện tại khó ở chỗ hầu hết các nền tảng ứng dụng còn chưa hoàn chỉnh, hoặc chỉ được ứng dụng một phần nhỏ yếu tố thông minh. Cũng có thể yếu tố thông minh đó chưa hoàn chỉnh và chưa đưa được vào sử dụng một cách tối ưu.

Do vậy, một sản phẩm chưa tròn, vẫn còn khập khiễng và khó sử dụng, cũng như quá trình chuyển đổi chưa đủ ngấm đối với từng nhân sự sẽ khiến mọi người thường có xu hướng quay lại những nền tảng mà trước đây họ đang dùng tốt (như Excel hay word hoặc nền tảng mà họ đã thành thạo…). Tôi cho rằng quá trình chuyển đổi này rất cần sự thúc đẩy của các doanh nghiệp sản xuất ra nền tảng công nghệ cao và tạo ra sản phẩm tốt. Khi đó mặc nhiên doanh nghiệp sẽ muốn ứng dụng. Hiện tại, khó khăn nhất của chúng tôi đó là chưa tìm được những ứng dụng đầy đủ, tròn trịa để áp dụng.

MC: Dưới góc độ nghiên cứu, ông Phan Đức Hiếu có lời khuyên gì để giúp các doanh nghiệp tận dụng được cơ hội trong cuộc CMCN 4.0?

Tôi nghĩ các doanh nghiệp không cần sợ hãi CMCN 4.0, hãy tiếp thu nó một cách tích cực và không cần phức tạp hóa. Khi tiếp cận CMCN 4.0, đứng dưới góc độ doanh nghiệp luôn mong muốn tiếp cận nó một cách hoàn hảo, tuy nhiên theo tôi không nên nghĩ như vậy, hướng đích của chúng ta là một giải pháp hoàn hảo, nhưng trên con đường chúng ta đi không thể một lúc thay đổi ngay lập tức, bởi vậy doanh nghiệp nên hướng đến việc thay đổi để nâng cao giá trị tại từng thời điểm, phát triển từng bước, nhanh nhất có thể để cân bằng giữa chi phí và lợi ích.

MC: Còn dưới góc độ cơ quan quản lý Nhà nước thì sao, thưa ông Hiệp?

Những khó khăn của doanh nghiệp, Tổng cục rất chia sẻ. Hiện nay, Tổng cục đang cùng một số đơn vị, tập đoàn xây dựng hệ sinh thái giúp doanh nghiệp tham gia CMCN 4.0. Khi chúng ta áp dụng những quy chuẩn Việt Nam, quốc tế về vấn đề quản lý dữ liệu đã có định hướng triển khai để đảm bảo an toàn thông tin. Trong thời gian tới, hệ sinh thái sẽ giúp DN tích cực hơn khi tham gia 4.0. Tôi cũng đề xuất, khi tiếp cận CMCN 4.0, quan trọng nhất người đứng đầu cần quyết tâm, chủ động tiếp cận kiến thức để chuyển đổi, bởi chỉ có họ mới giúp doanh nghiệp tiếp cận được cuộc cách mạng này.

 Thay mặt đơn vị tổ chức, ông Trần Văn Dư - Giám đốc Trung tâm Thông tin, Truyền thông Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Tổng Biên tập Chất lượng Việt Nam Online tặng hoa các vị khách mời.

MC: Vâng xin được cảm ơn ý kiến của các vị khách mời!

Thưa quý vị, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra sôi động trên toàn thế giới, mang lại cơ hội lớn cho các quốc gia. Theo các chuyên gia kinh tế, CMCN 4.0 giúp doanh nghiệp có cơ hội mở rộng thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sản phẩm, góp phần tiết giảm chi phí, nâng cao năng suất chất lượng. Cùng với đó, chi phí giao thông vận tải và thông tin liên lạc giảm xuống, hậu cần và chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ trở nên hiệu quả hơn.

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra nhiều chuyển biến trên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, những biến động lớn từ CMCN 4.0 sẽ tác động đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và từng doanh nhân, doanh nghiệp thời đại mới nói riêng. 

Thay mặt cho những người thực hiện chương trình chúng tôi xin được gửi lời chúc sức khỏe, thành công đến các doanh nhân nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10. Xin cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý khán giả, các vị khách mời cũng như sự hỗ trợ, đồng hành tài trợ của các đơn vị.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang