TRỰC TIẾP: Họp báo quốc tế về tình hình biển Đông lần thứ 3

author 15:21 23/05/2014

(VietQ.vn) - Chiều nay, 23/5 Bộ Ngoại giao tổ chức cuộc họp báo quốc tế về tình hình Biển Đông. Đây là cuộc họp thứ 3 cùng chủ đề được tổ chức trong tháng 5 này.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Nhấn F5 để tiếp tục cập nhật

Tham dự và trả lời báo chí Việt Nam và quốc tế chiều 23-5 có: Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình; ông Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí; ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia; ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát Biển; bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Luật pháp Quốc tế, Bộ Ngoại giao

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ông Lê Hải Bình tại cuộc họp báo

Diễn biến tình hình trên khu vực Trung Quốc (TQ) hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng biển Việt Nam (VN) từ ngày 07/5 đến 22/5 cho thấy: Lực lượng của TQ bảo vệ giàn khoan Hải Dương – 981 từ ngày 07/5 đến nay, TQ thường xuyên duy trì từ 74 đến 137 tàu các loại. Trung Quốc thường xuyên sử dụng các nhóm tàu 03-05 chiếc bám sát các tàu chấp pháp của Việt Nam, có hành động chặn đầu, khóa đuôi, ép mạn sẵn sàng đâm và khi các tàu của Việt Nam vào gần tuyên truyền, ngăn chặn việc xâm phạm trái phép của giàn khoan Hải Dương 981.

Các tàu của Trung Quốc chủ động đâm thẳng vào tàu Việt Nam, dùng súng bắn nước công suất lớn, hệ thống âm thanh âm tần, đèn pha công suất lớn nhằm làm hư hỏng tàu thuyền, gây thương tích cho 09 thủy thủ trên tàu. Trung Quốc còn sử dụng các loại máy bay tuần thám ( số hiệu CMS-8321, B7112, CMS-3808) bay trên không phận tàu cá tàu Việt Nam độ cao ( khoảng 250 – 500m) uy hiếp, răn đe.

Ngoài ra Trung Quốc còn sử dụng máy bay trinh sát Y-8, Máy bay chiến đấu J-11 bay tại khu vực. Sử dụng tàu cá vỏ sắt có công suất lớn (từ 100 – 300 tấn) ngăn cản, thậm chí đâm hỏng tàu cá Việt Nam hoạt động đánh bắt hải sản bình thường tại ngư trường khu vự c này.

Lượng thực thi pháp luật của Việt Nam Cho đến thời điểm hiện nay Việt Nam chỉ sử dụng với số lượng hạn chế các tàu thực thi pháp luật của CSB và Kiểm ngư. Trong quá trình thực thi pháp luật trên biển, lực lượng CSB, Kiểm Ngư Việt Nam đã kiên trì, kiềm chế, chủ động tránh đâm va trước hành động khiêu khích của các tàu Trung Quốc.

Các tàu Việt Nam chỉ dùng biện pháp tuyên truyền để yêu cầu các tàu và giàn khoan của TQ rời khỏi vùng biển Việt Nam, không đâm va và không sử dụng các trang thiết bị trên tàu để đối phó với các tàu Trung Quốc.

 

Kiên quyết bảo vệ chủ quyền bằng hòa bình

17h35: Họp báo kết thúc.

Báo Infonet: Vừa qua có thông tin TQ bắt công dân VN kí vào bản đồ công nhận trường sa (TS) và hoàng sa (HS) của TQ mới cho nhập cảnh, VN dã biết vấn đề này hay chưa? VN có hướng giải quyết gì cho công dân của mình?

Ông Lê Hải BÌnh: Chúng tôi chưa nhận được thông tin như phóng viên đã đưa, tuy nhiên chúng tôi sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra lại thông tin này.

Báo VnExpress: Hiện nay chúng ta đang kiên trì các biện pháp hòa bình, nhưng nếu sắp tới TQ không có biện pháp tích cực thì VN có biện pháp mạnh mẽ nào hay không?

Ông Trần Duy Hải: Như Thủ tướng của chúng ta đã nói, chúng ta không muốn chiến tranh, chúng ta kiên quyết bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp hòa bình, tuy nhiên, nếu cần thiết, chúng ta sẽ dùng mọi biện pháp để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước.

Phó đại sứ úc: Cho đến nay giàn khoan Hải Dương hoạt động ở khu vực đó được 3 tuần. Việt Nam đã có những thông tin gì chứng minh TQ chuẩn bị có động thái khai thác, khoan dầu hay chưa? Thái độ của VN về vấn đề này?

Ông Trần Duy Hải: Về câu hỏi thứ nhất, do chưa tiếp cận được với HD 981 cúa Trung Quốc nên hiện tại chúng tôi chưa có thông tin chính xác là TQ đã tiến hành khoan hay chưa, tuy nhiên theo đúng quy trình thì hiện tại TQ đã có thể khai thác. Về câu hỏi Việt Nam có thái độ như thế nào đối với chính phủ TQ.

Phía VN đã kiên quyết yêu cầu TQ rút giàn khoan ra khỏi vùng chủ quyền của VN, tuy nhiên TQ đã không thực hiện và vẫn tiếp tục tiến hành thực hiện hành động sai trái của mình.

17h30:

PV Reuter: Tới bao giờ Việt Nam mới sử dụng tới biện pháp pháp lý để giải quyết tình hình trên biển Đông?

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà: Cá nhân tôi là một luật gia cũng luôn hỏi mình lúc nào là thời điểm thích hợp để Việt Nam dùng biện pháp lý để giải quyết vấn đề trên Biển Đông với TQ. Tuy nhiên, quyết dịnh cuối cùng vẫn là của Chính Phủ. Chính phủ không phải là luật gia mà phải dựa trên cơ sở khuyến nghị của tất cả các cơ quan chức năng mới đưa ra được quyết định cuối cùng.

17h05:

PV TuổI trẻ: Gần đây trên một tờ báo nước Nga đã đề cập đến thông tin cho rằng Việt Nam đã đưa ra những thông tin không khách quan trong vụ việc giàn khoan Hải Dương 981. Ông có thể bình luận cũng như đánh giá gì về những thông tin này? Thời gian gần đây TQ đã đưa gần 3000 công nhân về nước, và tranh thủ sự kiện này để đưa những thông tin không hay về VN vào thời điểm này. Các ông có bình luận, cũng như đánh giá như thế nào?

Ông Lê Hải Bình: Đây là một bài báo thể hiện ý kiến cá nhân phiến diện, xuyên tạc lịch sử. Tôi rất lấy làm tiếc lại được đăng trên một tờ báo uy tín của Nga. Theo kết quả làm việc với Đại sứ quán Nga thì đây chỉ là một bài viết mang tính cá nhân của phóng viên báo này. Trở lại những vụ việc gây rối, cho tới nay, hầu hết doanh nghiệp (DN) Việt Nam và nước ngoài đã khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Chính Phủ Việt Nam khẳng định đã có những biện pháp, đảm bảo không để xảy ra những sự cố đáng tiếc như vừa qua, đồng thời cũng đưa ra mọi biện pháp đảm bảo an ninh tính mạng, của cải cho tất cả doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trên lãnh thổ VN.

Các DN nước ngoài cũng đã đánh giá khá cao về hành động bù đắp của Chính phủ VN. Theo như tôi được biết ngoại trừ TQ thì tới nay không có DN nước nào rút công nhân của mình về nước

Độc lập -  tự do quý hơn vàng

16h50:

PV Dân Trí: Trong những ngày gần đây, mặc dù Việt Nam nhiều lần lên tiếng phản đối song TQ vẫn tiếp tục leo thang hoạt động gây căng thẳng tại khu vực giàn khoan 981. Trong chuyến thăm Philippines vừa qua, Thủ tướng nêu quan điểm Việt Nam không đánh đổi chủ quyền đổi lấy thứ hữu nghị viển vông. Với phát biểu này liệu đã chứng tỏ đây là giới hạn chịu đựng cuối cùng VN? Ông có bình luận gì về 16 chữ vàng giữa Trung Quốc-Việt Nam lâu nay?

Ông Trần Duy Hải: Vấn đề chủ quyền lãnh thổ hết sức thiêng liêng đối với Việt Nam, không gì có thể thể đánh đổ được. Về câu hỏi thứ hai của bạn, tôi chỉ có thể nói rằng: Vàng thì quý nhưng Độc lập-Tự do và chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ thì còn quý hơn vàng!

16h48:

PV Dân Việt: Trong chuyến thăm và làm việc mới đây tại Philippines, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng có nói đến việc sẽ đấu tranh giành lại lãnh thổ với Trung Quốc, ngày hôm qua nhà Trắng cũng lên tiếng ủng hộ Việt Nam. Vậy Việt Nam có tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế để đứng lên đấu tranh giành chủ quyền?

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Hàm Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước Quốc tế: Tôi xin khẳng đinh Việt Nam với tư cách là thành viên Liên Hợp Quốc, Việt Nam có quyền được giải quyết các tranh chấp liên quan đến mình. Việc sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp trong đó có các cơ quan tòa án quốc tế là một trong những thuận lợi giúp Việt Nam ở thời điểm này. Lãnh đạo Việt Nam không loại trừ bất cứ biện pháp hòa bình nào để giải quyết tranh chấp. Chúng tôi sẽ chuẩn bị tất cả các phương án để có thể giải quyết tranh chấp.

16h40: 

PV Tiền Phong: Có thông tin quân đội TQ đưa xe tăng tới vùng biên giới, thực hư thông tin này ra sao? Chúng ta chuẩn bị như thế nào?

Ông Trần Duy Hải: Các hoạt động giao thương biên giới vẫn diễn ra bình thường, chúng tôi chưa nhận được thông tin điều quân nào. Đây là thông tin không chuẩn xác. Trong cuộc gặp mới nhất, lãnh đạo hai nước Việt Nam –Trung Quốc đều nhất trí không sử dụng biện pháp quân sự để giải quyết vấn đề này.

Trung Quốc xuyên tạc công thư cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng

16h30:

PV Vietnamnet: Có thông tin cho rằng trong bức công thư của cố Thủ tường Phạm Văn Đồng gửi công thư công nhận Hoàng Sa nằm trong quần đảo Tây Sa của Trung Quốc (TQ) Liệu công thư này có giá trị pháp lý hay không?

Ông Trần Duy Hải: Trước hết tôi phải khẳng định công thư là văn bản ngoại giao có giá trị pháp lý về những vấn đề được nêu trong công thư. Trong đó, không hề đề cập tới vấn đề chủ quyền lãnh thổ cũng như chủ quyền Hoàng sa, Trường Sa nên đương nhiên không có giá trị đối với vấn đề chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa.

Thứ hai: Giá trị công thư phải đặt trong bối cảnh cụ thể, vì công thư gửi cho TQ lúc bấy giờ Hoàng Sa, Trường Sa thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng Hòa. Công Thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có giá trị gì đối với việc công nhận chủ quyền của Tây Sa và Hoàng Sa theo cách gọi của Trung Quốc.

16h15: 

Phản bác luận điểm Trung Quốc cho rằng Việt Nam đang khai thác dầu khí trong vùng biển tranh chấp, ông Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí nhấn mạnh: các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, được triển khai từ rất lâu phù hợp với Công ước Luật Biển 1982.
Ông Đỗ Văn Hậu 
“Những lô khai thác dầu khí đều được công khai trước dư luận quốc tế và không có bất kỳ sự cản trở nào , Chúng tôi không bất cứ lô dầu khí nào nằm ngoài thềm lục địa đều được quốc tế công nhận. Tất cả các hoạt động dầu khí Việt Nam đối tác hợp đồng khai thác dầu khí đều được thực hiện trên thềm lục địa Việt Nam”, ông Hậu nhấn mạnh

Ông Hải cho biết: Từ nhiều thế kỷ nay (ít nhất từ thế kỷ 17), các nhà nước Việt Nam đã xác lập chủ quyền với Hoàng Sa, Trường Sa một cách hòa bình, liên tục, phù hợp luật pháp quốc tế. Nửa cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, trong thời kỳ Pháp thuộc, Pháp cũng đã nhân danh Việt Nam quản lý Hoàng Sa, Trường Sa.

Chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo này cũng đã được thừa nhận tại Hội nghị ở San Francisco (Mỹ). Chính tại Hội nghị này, đại diện Liên Xô nêu ý kiến trao trả hai quần đảo này cho Trung Quốc, nhưng 48/50 nước tham dự hội nghị đã phản đối. Trong khi đó, các đại biểu hoàn toàn ủng hộ chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Sau hiệp định Geneva năm 1954, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã tiếp quản hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Trung Quốc biết rõ điều này, và Trung Quốc phải tôn trọng sự thật lịch sử, tôn trọng Công ước Quốc tế về luật biển 1982 mà Bắc Kinh đã ký kết. Trung Quốc viện dẫn sai lệch công hàm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958. Đại diện Bộ Ngoại giao khẳng định, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng không hề nhắc đến hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong công hàm đó.

16h05

Ông Trần Duy Hải phát biểu: Thời gian qua, Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc không để ảnh hưởng an ninh hàng hải khu vực.

Ông Trần Duy Hải

Sau khi rút giàn khoan, Việt Nam và Trung Quốc sẽ bàn bạc, nhưng Trung Quốc gần đây đưa ra nhiều thông tin sai lệch liên quan đến chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa. Trước tiên, tôi xin bác bỏ luận điệu sai trái của Trung Quốc. Ý đồ của trung quốc nhằm hiện thực hóa tranh chấp của mình

16h:00


Cuộc họp báo bắt đầu. Chủ trì cuộc họp gồm: Ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia; Ông Đỗ Văn Hậu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; Ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh Sát Biển việt Nam; Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Hàm Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước Quốc tế, Bộ Ngoại giao; Ông Lê Hải Bình, Quyền Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí, Người Phát ngôn Bộ Ngoại Giao.

15h50: 

Chương trình họp báo sắp được bắt đầu. Dự kiến tại buổi họp báo, ông Trần Duy Hải - Phó Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia sẽ trình bày về cơ sở pháp lý, bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Ông Đỗ Văn Hậu - Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam sẽ trình bày quá trình thăm dò, khai thác dầu khí từ trước đến nay của Việt Nam.

15h30:

 PV Chất lượng Việt Nam cho biết, dù cuộc họp báo còn cách 30 phút nữa nhưng phóng viên các cơ quan báo chí đã có mặt từ rất sớm. Không khí chuẩn bị cho buổi họp báo đã sẵn sàng. 16h cuộc họp báo chính thức bắt đầu.

Các PV đã có mặt tại hội trường từ rất sớm (Ảnh: FB Vietvan)

Tại những cuộc họp báo trước đó, Bộ Ngoại giao luôn cập nhật tin tức, diễn biến tình hình biển Đông kể từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Theo đó, trước những hãng thông tấn báo chí trong và ngoài nước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đều kiên quyết phản đối hành động sai trái và ngang ngược trên của Trung Quốc.

Tàu Trung Quốc liên tục có những hành động gây hấn với tàu Việt Nam trên biển đông 

Ông Lê Hải Bình cho biết, trong những ngày qua, phía Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng, trao trao đổi với phía Trung Quốc về vụ việc trên (trong đó có tiếp xúc giữa đại diện Bộ Quốc phòng Việt Nam và tùy viên quân sự Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội. Riêng phía Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có8 cuộc giao thiệp nghiêm túc với phía Trung Quốc tại Hà Nội và Bắc Kinh.

Đáng chú ý, chiều ngày 06/5/2014, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã điện đàm với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì và trước đó ngày 04/5/2014, Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới, lãnh thổ của Việt Nam, Hồ Xuân Sơn cũng đã điện đàm với Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về biên giới, lãnh thổ của Trung Quốc, Lưu Chấn Dân để phản đối hoạt động bất hợp pháp của giàn khoan HD 981 trên thềm lục địa của Việt Nam. Cũng trong ngày 04/5/2014, đại diện Bộ Ngoại giao đã triệu Đại biện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối.

Mới đây, trả lời các câu hỏi của phóng viên về các biện pháp đấu tranh của Việt Nam với đối với hành vi sai trái của Trung Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ:

“Việt Nam đã và đang kiên trì đối thoại, tiến hành giao thiệp nghiêm túc với Trung Quốc ở nhiều cấp độ, dưới nhiều hình thức, phản đối mạnh mẽ hành vi sai trái của phía Trung Quốc và nỗ lực giải quyết bất đồng giữa hai nước.

Việt Nam kiên trì, quyết tâm bảo vệ chủ quyền của đất nước, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan, các tàu và máy bay ra khỏi khu vực. Đồng thời, Việt Nam thể hiện hết sức kiềm chế với phương châm phản đối việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.” 

 

 

 

 

Hạ Lan - Đỗ Linh (tường thuật  trực tuyến từ Bộ Ngoại giao)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang