Trung Đông: Thị trường tiềm năng của hàng hóa Việt Nam

author 16:40 31/05/2019

(VietQ.vn) - Trung Đông được coi là thị trường tiềm năng của hàng hóa Việt Nam với hơn 400 triệu dân. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt cũng cần cảnh giác nếu không muốn nhận “trái đắng” khi thâm nhập vào thị trường này.

Nhập khẩu khoảng 40 tỷ USD/năm về lương thực, thực phẩm

Trung Đông vốn là thị trường tiềm năng của hàng hóa Việt Nam với hơn 400 triệu dân, bao gồm 15 quốc gia. Trung Đông nhập khẩu khoảng 40 tỷ USD/năm về lương thực, thực phẩm; dự kiến đến năm 2035 là 70 tỷ USD.

Trong những năm qua, thương mại Việt Nam - Trung Đông liên tục tăng trưởng cao, năm 2016, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 12 tỷ USD; năm 2018 con số này là gần 14 tỷ USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt hơn 8,7 tỷ USD và nhập khẩu gần 3 tỷ USD.

Bên cạnh đó, 10 trong số 15 nước khu vực Trung Đông gia nhập WTO nên Việt Nam có lợi thế về thuế quan khi xuất khẩu. Ngoài ra, Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) gồm 6 nước áp dụng mức thuế nhập khẩu thấp 0-5% đối với hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài khối. Đặc biệt UAE, Dubai được coi là Trade Hub (tạm dịch là trung tâm thương mại), thuế trung chuyển qua đây là 0%. Nhưng nếu xuất vào nội địa là 5% đối với mặt hàng tiêu dùng.

Cẩn thận nếu không muốn nhận “trái đắng”

Trao đổi với phóng viên về tiềm năng của thị trường này, bà Nguyễn Minh Phương, Trưởng phòng Tây Á - châu Phi, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương cho biết, mặc dù một số nước có công nghệ phát triển trong nông nghiệp, thậm chí đã có thể sản xuất cam trong điều kiện thời tiết khô cằn nhưng không thể đáp ứng nhu cầu lương thực của 300 triệu dân. Do đó, trong bối cảnh thị trường EU và châu Á gặp khó khăn, Trung Đông được xem là một gợi ý để doanh nghiệp (DN) Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt là nông sản.

Trung Đông được xem là một gợi ý để doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt là nông sản. Ảnh minh họa.

Ngoài những cơ hội, bà Phương nhìn nhận DN xuất khẩu hàng sang Trung Đông vẫn phải đối mặt với thách thức về tình hình bất ổn an ninh, chính trị, ảnh hưởng đến thúc đẩy xuất khẩu. Bên cạnh đó, khoảng cách địa lí lớn cũng là vấn đề. Đặc biệt, trong thời gian qua, do chủ quan nên nhiều DN Việt Nam đã phải nhận "trái đắng" trong quá trình tìm kiếm đối tác cũng như giao dịch với các DN tại thị trường Trung Đông.

Thực tế, việc giao dịch giữa các DN hai nước thường diễn ra trên mạng, nhiều DN Việt Nam vì tin lời phía đối tác, sẵn sàng chuyển khoản hàng nghìn USD làm tiền đặt cọc mà không hề qua các bước kiểm tra, thẩm tra cũng như tìm hiểu thông tin DN đối tác.

“Có một số đối tượng ở khu vực Trung Đông lừa đảo DN Việt Nam bằng thủ đoạn lập trang web công ty giả. Sau đó, những đối tượng này yêu cầu các DN Việt Nam gửi mẫu sang và yêu cầu trả chi phí kiểm tra 2.000 - 3.000 USD. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, các đối tượng này "mất hút" và không thể liên lạc được nữa. Phải rất nhiều tháng sau, các DN Việt Nam mới vỡ lẽ ra rằng, DN mình đã chuyển tiền vào tài khoản của DN “ma” hoặc chuyển tiền vào một tổ chức lừa đảo”, bà Phương cho biết.

Cũng theo bà Phương, một hiện tượng đáng lưu ý đối với các DN xuất khẩu của Việt Nam, đó là việc nhiều DN đối tác ở thị trường Trung Đông thường xuyên đơn phương thay đổi điều khoản hợp đồng, nhưng mọi chi phí thay đổi này hoàn toàn phía các DN Việt Nam phải gánh chịu.

Để khắc phục tình trạng trên, bà Phương khuyến nghị DN cần tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại như khảo sát thị trường, hội chợ, triển lãm chuyên ngành; tìm hiểu đầy đủ thông tin về các đối tác, thị trường, chính sách xuất khẩu. Bên cạnh đó, DN cần xây dựng chiến lược thâm nhập thị trường phù hợp, sản xuất sản phẩm xuất khẩu có chất lượng, quy cách, mẫu mã phù hợp với quy định về tiêu chuẩn chất lượng và tập quán tiêu dùng các nước. Nếu DN đã có đối tác làm ăn lâu dài nên xây dựng mạng lưới phân phối sản phẩm, mở văn phòng đại diện, chi nhánh tại thị trường nhằm giải quyết công việc với đối tác hiệu quả, tiết kiệm chi phí. Đồng thời, trong quá trình đàm phán thực hiện hợp đồng DN cần đưa ra những điều khoản chặt chẽ tránh trường hợp bị đối tác ép giá. Đặc biệt, các DN cần cảnh giác với các thương vụ quá hấp dẫn.

Ngoài ra, DN phải nâng cao nghiệp vụ ngay từ cấp lãnh đạo đến chuyên viên, cán bộ phụ trách phòng xuất nhập khẩu trong ký kết và đám phán với các đối tác. Cần tận dụng triệt để kênh kiểm tra đối tác đó là: Có thể thuê đội ngũ tư vấn ngay tại Việt Nam để thẩm tra xem những đối tác đó có phải là các DN ma hay giả mạo hay không; hai là có thể thông qua kênh đại sứ quán ở tại các nước đó để tìm hiểu cụ thể thông tin về các đối tác làm ăn.

Nông sản, thủy sản Việt Nam được ưa chuộng tại thị trường Trung Đông, châu Phi(VietQ.vn) - Theo bà Nguyễn Minh Phương, Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, nông- thủy sản Việt Nam được ưa chuộng tại thị trường các quốc gia châu Phi, trong đó điểm nhấn là hạt gạo, cà phê, rau quả...

Thanh Minh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang