Trung Nguyên và tham vọng thống lĩnh nội địa, vươn xa quốc tế

author 05:45 23/05/2014

(VietQ.vn) – Trung Nguyên là cái tên đình đám trong những thương hiệu Việt nổi tiếng không chỉ bởi chất lượng sản phẩm mà còn bởi cá nhân người lãnh đạo Đặng Lê Nguyên Vũ.

1. Trung Nguyên và những ý tưởng kinh doanh sáng tạo.

Không chỉ sản xuất và xuất khẩu cà phê mà Trung Nguyên còn chú trọng xây dựng và cho ra đời những sản phẩm du lịch độc đáo, đa dạng nhằm khai thác những thế mạnh vốn có của vùng đất Tây Nguyên – thủ phủ cà phê.

Trung tâm du lịch cà phê đầu tiên tại Việt Nam: trung tâm Đặng Lê, số 45 Lý Tự Trọng, TP. Buôn Ma Thuột vừa được khai trương và chính thức đi vào hoạt động là một bước đi mới đầy sáng tạo của Tập đoàn Trung Nguyên. 

Trung Nguyên vừa khai trương trung tâm du lịch cà phê mới. 

Trung Nguyên vừa khai trương trung tâm du lịch cà phê mới.

Trung tâm tích hợp nhiều dịch vụ tiện ích như khu thưởng thức cà phê, không gian cà phê VIP, đêm nhạc trữ tình hàng tuần, không gian cà phê sân vườn, cà phê sách, khu siêu thị du lịch, Coffee Tour…Trung Nguyên mong muốn đem đến cho người dân địa phương và du khách trải nghiệm mới lạ, hoàn hảo khi vừa được thưởng thức hương vị cà phê đậm đà, tinh túy vừa được đắm mình vào không gian văn hóa đặc sắc làm nên những giọt cà phê đó.

Đây là một trong những ý tưởng kinh doanh độc đáo của Trung Nguyên, thể hiện cả tinh thần trách nhiệm muốn phát triển đồng bộ cả khu vực cà phê Buôn Ma Thuột chứ không đơn thuần phát triển 1 thương hiệu cà phê.

2. Trung Nguyên với tư duy sắc sảo về đối thủ.

Đánh giá về thương hiệu Starbucks, Đặng Lê Nguyên Vũ từng có những phát ngôn thẳng thắn và khá “động chạm”: “Starbucks thật giỏi trong vấn đề in sâu một câu chuyện vào tâm trí người tiêu dùng, nhưng nếu chúng ta nhìn vào những yếu tố cốt lõi của họ, những gì mà họ đang làm dở tệ” và “Họ không bán cà phê, mà đang bán nước có mùi cà phê pha với đường”.

Trung Nguyên và đối thủ ngoại đáng gờm.

Trung Nguyên sẽ phải đối đầu với đối thủ ngoại đáng gờm này.

Trung Nguyên cũng từng gây tiếng vang với chiến dịch quảng cáo bằng hình thức “thử mù” (blind test) so sánh sản phẩm của mình với 1 thương hiệu nổi tiếng nước ngoài. Dù vấp phải một số chỉ trích song sự mạnh dạn của Trung Nguyên khi bước vào cuộc chiến “châu chấu đá voi” và bước đầu gặt hái được thành công không chỉ khẳng định năng lực, vị trí của Trung Nguyên mà còn khích lệ các doanh nghiệp Việt khác mạnh dạn tuyên chiến và cạnh tranh trực diện với các đại gia nước ngoài.

3. Trung Nguyên – thương hiệu Việt với tham vọng vươn xa quốc tế.

Ông Vũ kì vọng vào con số 20 tỷ USD cho ngành cà phê Việt Nam trong 15 năm tới, tức là gấp gần 7 lần từ con số khiêm tốn 3 tỷ USD hiện nay. Ông cho rằng điều cần làm không chỉ là tăng năng suất nông nghiệp, nâng cao kim ngạch xuất khẩu thô mà quan trọng là tăng giá trị cho cà phê bằng con đường rang xay, pha chế và đóng gói.

Với riêng Trung Nguyên, tập đoàn này  hy vọng sẽ đạt doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2015, cạnh tranh với những thương hiệu toàn cầu như Nescafe của Nestle và mới đây là Starbucks mới đổ bộ vào Việt Nam từ tháng 2/2013.

Trung Nguyên tham vọng mang những cửa hàng này đến nhiều nước trên thế giới 

Trung Nguyên tham vọng đưa những cửa hàng này đến nhiều nước trên thế giới.

Hiện Trung Nguyên đã xuất khẩu cà phê sang 60 nước, dự kiến sẽ sớm bước chân vào thị trường Mỹ. Trung Nguyên cũng ấp ủ tham vọng thay đổi “văn hóa uống”, biến cà phê trở thành một loại đồ uống phổ biến ở châu Á thay cho thức uống truyền thống là trà. Tập đoàn này kỳ vọng nâng mức tiêu thụ cà phê của người Việt Nam từ mức 1 kg/người/năm hiện nay lên mức 5 kg như của Brazil.

Hạnh Chi (T.H)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang