Trung Quốc bỗng dưng ồ ạt nhập khẩu gạo: Mừng hay lo?

author 13:54 09/05/2014

(VietQ.vn) - Sau thời gian ép giá gạo Việt xuống giá không thể thấp hơn, thương lái Trung Quốc mới ồ ạt nhanh tay nhập gạo với số lượng lớn.

Mặc dù tháng 4 được coi là tháng trọng điểm về xuất khẩu gạo nhưng  lượng xuất khẩu trong tháng đã không đạt kế hoạch đề ra là 700 ngàn tấn và thấp hơn cả tháng 3.

Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, nguyên nhân là do hầu hết các thị trường nhập khẩu gạo đều sút giảm mạnh, nhất là Châu Phi, thị trường ổn định, lớn thứ hai của Việt Nam trong thời gian qua đang sút giảm mạnh do mất thị phần với gạo Thái Lan. Ngoài ra, Malaysia cũng đã mua hầu hết gạo Thái Lan cho nhu cầu trong năm 2014. Còn Indonesia chưa có nhu cầu nhập khẩu.

Về chất lượng gạo xuất khẩu trong tháng 4 cũng không tăng khi đứng đầu là gạo trung bình 15% tấm, chiếm 30,85%; kế tiếp là gạo 5% tấm chiếm 25,70%, thứ ba là gạo thơm chiếm 25,23%, thứ 4 là nếp chiếm 8,83% và thứ 5 là gạo cấp thấp 25% tấm chiếm 6,06%.

Về giá xuất khẩu, hiện giá gạo tấm 5% đang được chào bán 385-395USD/tấn; gạo 25% tấm 355-365USD/tấn. Với mức giá này, gạo xuất khẩu của Việt Nam đang giảm 18,49% về trị giá so với cùng kỳ năm 2013.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam đang vào thời điểm cạnh tranh gay gắt

Tháng 4 cũng là  thời điểm nguồn cung cấp dồi dào khi sản lượng thu hoạch từ vụ đông xuân tại Đồng bằng Sông Cửu long tăng. Nhiều nơi, nông dân trúng mùa, đạt 12 tấn/ha, toàn vùng thu hoạch được gần 12 triệu tấn thóc.

Trong bối cảnh này, Trung Quốc đã trở thành thị trường gạo lớn nhất của Việt Nam, khi nước này tăng lượng nhập khẩu lên 51%, chiếm tới 60% tổng lượng gạo xuất khẩu gạo.

Theo ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia kinh tế cao cấp của Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế, việc Trung Quốc ồ ạt nhập khẩu gạo của Việt Nam vào thời điểm này, là điều hoàn toàn dễ hiểu. “Nếu để ý trong những tháng về trước, thương lái Trung Quốc luôn tìm cách ép giá gạo của Việt Nam xuống thấp. Để tới bây giờ,nguồn cung từ vụ đông xuân tăng, lượng lứa gạo tồn kho tăng, giá gạo của chúng ta không còn thấp hơn nữa nên họ mới tăng lượng mua!", ông Bích dẫn giải.

Theo vị chuyên gia, nhu cầu nhập khẩu gạo với lượng lớn của Trung Quốc là có thật. Con số tăng trên chỉ là tăng so với lượng nhập của những tháng đầu năm, còn so với cùng kỳ của năm trước thì vẫn là bình thường. " Họ cần thì họ phải tăng lượng mua là đương nhiên. Trong thời điểm này ngoài Việt Nam thì họ cũng chẳng thể mua ở đâu được gạo với giá mức thấp như thế”

Giá thu mua thấp, lúa của nông dân ĐBSCL vẫn chất đống chưa bán được

Trong tháng 5, VFA dự báo gạo Việt Nam vẫn là nước chịu áp lực lớn nhất từ sự cạnh tranh của Thái Lan, nhất là đối với các loại gạo trắng cùng loại và cả loại gạo đồ mới bắt đầu phát triển. Riêng gạo thơm và nếp đã tạo được một thế đứng trên thị trường với sản lượng và thị phần ngày càng tăng. Điểm sáng hiện nay là còn giữ được thị trường Philippines với số lượng trúng thầu 800 ngàn tấn vừa qua. Tuy nhiên thị trường này cũng đang bị áp lực cạnh tranh rất lớn từ Thái Lan do nước này đang thúc đẩy thương mại gạo với chính phủ Philippines để giải quyết tồn kho.

Mặc dù chương trình thu mua tạm trữ lúa gạo của Chính phủ đã thực hiện được gần 1 tháng song giá lúa trong nước hiện vẫn chưa có dấu hiệu nhích lên. Lúa khô hạt dài bán tại ruộng là 5.100-5.550 đồng/kg, lúa thường 4.750-5.350 đồng/kg.

Giá thấp, nhưng lúa vẫn chất đồng, nông dân ở các tỉnh có diện tích lúa đứng hàng đầu khu vực ĐBSCL như An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang... đang đứng ngồi không yên khi lúa đã thu hoạch xong, chất đầy đồng nhưng không ai đến hỏi mua.

 

Hoàng Vũ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang