Trung Quốc ca ngợi sự im lặng của Malaysia về tình hình biển Đông

author 06:36 12/11/2014

(VietQ.vn) - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lên tiếng tán dương Malaysia vì chọn đường lối ngoại giao im ắng, ít khi đề cập đến các vấn đề về tình hình biển Đông.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất trên báo chí, phát biểu trên thông tấn xã Bernama, Thủ tướng Malaysia Najib Razak khẳng định: “Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng nhận định rằng phương pháp ngoại giao im lặng của Malaysia là cách thức tốt nhất vì nó tập trung vào đàm phán hơn là đối đầu hay lôi kéo cộng đồng quốc tế.”

Tuyên bố này của Thủ tướng Malaysia được đưa ra sau khi ông gặp Chủ tịch Trung Quốc tại Đại sảnh đường Nhân dân trong thời gian diễn ra hội nghị APEC ở Bắc Kinh. Ngoài ra, ông Najib còn cho biết thêm rằng ông Tập bày tỏ mong muốn siết chặt hợp tác quốc phòng với Malaysia. “Phía Trung Quốc cũng đã đồng ý tham dự triển lãm Không gian và Hàng hải Quốc tế (LIMA) với quy mô lớn”, Thủ tướng Malaysia cho hay. Bên cạnh đó, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cũng đã ngỏ lời mời Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sang thăm Malaysia vào năm 2015.

Tình hình biển Đông ngày 12/11: Malaysia chọn đường lối ngoại giao im lặng trước tranh chấp biển Đông

Tình hình biển Đông ngày 12/11: Malaysia chọn đường lối ngoại giao im lặng trước tranh chấp biển Đông. Ảnh Reuters

Trong một diễn biến khác, Mạng 21CN Trung Quốc đưa tin, Bộ Quốc phòng Nga gần đây tuyên bố, tàu tuần dương tên lửa Moscow Nga sẽ tiến hành diễn tập huấn luyện chống tàu ngầm và phòng không ở khu vực Biển Đông, cuộc diễn tập lần này sẽ sử dụng các vũ khí như tên lửa, pháo và ngư lôi.

Chuyên gia quân sự Mỹ Eric Wertheim cho rằng, mặc dù khu vực Biển Đông hoàn toàn không phải là khu vực hoạt động chính của Nga, nhưng là một phần mở rộng ảnh hưởng của Nga. Wertheim cho rằng, triển khai tàu tuần dương Moscow là sự phô diễn hiếm thấy khẳng định sự hiện diện lực lượng mặt nước của Nga ở Biển Đông. Do đó, tàu tuần dương Moscow tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở Biển Đông là điều hiếm thấy. 

Được biết không lâu sau đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng thăm Bắc Kinh. Theo mạng tin tức của Học viện hải quân Mỹ, trong chuyến thăm này, dự tính ông Putin - người vừa được tạp chí Forbes bình chọn là "người quyền lực nhất thế giới" - sẽ ký kết một thỏa thuận an ninh mạng song phương với Trung Quốc. Bài báo cho rằng, không rõ tàu tuần dương Moscow phải chăng có liên quan đến chuyến thăm Bắc Kinh của ông Putin hay không.

Kể từ năm 2002, khi tốp quân nhân Nga cuối cùng rút khỏi căn cứ vịnh Cam Ranh của Việt Nam, sự hiện diện của Nga ở Tây Thái Bình Dương bị suy yếu, chỉ giới hạn ở căn cứ Viễn Đông, và nay có thể từng bước mất đi bởi mối đe dọa của Mỹ và đồng minh ở các tuyến đường hàng hải quan trọng ở Tây Thái Bình Dương và Biển Đông, eo biển Malacca. Do thiếu chiến lược lâu dài và tài chính, đối với Mỹ, Hạm đội Thái Bình Dương Nga đã là một lực lượng mỏng yếu, hầu như trở thành hải quân ven bờ chỉ dùng cho phòng thủ.

Tình hình biển Đông ngày 12/11: Tàu tuần dương tên lửa Moscow lớp Slava, Hạm đội Biển Đen, Hải quân Nga tập trận ở biển Đông

Tình hình biển Đông ngày 12/11: Tàu tuần dương tên lửa Moscow lớp Slava, Hạm đội Biển Đen, Hải quân Nga tập trận ở biển Đông. Ảnh Giáo Dục

Mấy năm gần đây, cùng với việc thúc đẩy kế hoạch chấn hưng Hải quân Nga của ông Putin và Nga đưa ra chiến lược Bắc Cực cộng với nhu cầu tranh chấp đảo Nga - Nhật, Hạm đội Thái Bình Dương Nga đang từng bước tăng cường và khôi phục. Hơn nữa, Trung Quốc nhiều lần tiến hành diễn tập quân sự liên hợp có "tầm ảnh hưởng", vị thế của Hải quân Nga ở Tây Thái Bình Dương tiếp tục được coi trọng. Nhưng, so với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quố không ngừng lớn mạnh ở khu vực, Hải quân Nga vẫn tồn tại khoảng cách rất lớn.

Do mấy năm gần đây tranh chấp chủ quyền biển đảo trở nên gay gắt, Biển Đông đã trở thành vùng biển chiến lược nhạy cảm. Để hỗ trợ cho đồng minh ở Biển Đông, Hải quân Mỹ thường xuyên tổ chức diễn tập quân sự đa phương và song phương ở Biển Đông, đẩy mạnh "đá chạm bóng" trong vấn đề "lợi ích chủ quyền Trung Quốc" (Trung Quốc không có chủ quyền đối với các đảo đá và vùng biển dưới đảo Hải Nam), qua đó tiến hành uy hiếp Trung Quốc.Trong khi đó, Nga luôn giữ thái độ khá trung lập từ khi tình hình Biển Đông trở nên gay gắt cho đến nay. Ngoài lo ngại về tầm quan trọng của quan hệ Trung – Nga, thực lực hải quân của họ suy giảm cũng là một nguyên nhân quan trọng. Như vậy, lần này, Hải quân Nga tự tổ chức diễn tập ở Biển Đông là có mục đích gì?

Thứ nhất là hiện diện thực tế. Điểm này được chuyên gia quân sự Mỹ phân tích tuyệt đối không sai. Ý đồ của Nga rất rõ ràng, bất kể là ai có yêu cầu chủ quyền ở Biển Đông đều không gây trở ngại cho hành động quân sự của Hải quân Nga.

Tổ chức diễn tập các khoa mục quân sự đơn thuần như chống tàu ngầm và phòng không ở Biển Đông cho thấy, Nga coi Biển Đông là vùng biển chiến lược an ninh quan trọng và sẽ được coi trọng trong chiến lược phát triển lâu dài. Nói cách khác, Nga cho rằng họ phải được coi trọng trong vấn đề Biển Đông.

Trên thực tế Nga luôn không từ bỏ mối quan tâm và chiến lược cân bằng đối với khu vực Biển Đông, đồng thời hy vọng sẽ có một ngày quay trở lại Biển Đông. Nga bán vũ khí cho Malaysia, Indonesia, nhất là cho Việt Nam đã phản ánh đầy đủ ý đồ chiến lược này của Nga.

Tình hình biển Đông ngày 12/11: Nga thường giữ quan điểm trung lập về tranh chấp biển Đông

Tình hình biển Đông ngày 12/11: Nga thường giữ quan điểm trung lập về tranh chấp biển Đông. Ảnh Giáo Dục

Trang mạng Trung Quốc cho rằng, sau khi xảy ra mâu thuẫn Trung - Việt sau sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, sự xích lại chiến lược của Việt Nam và Mỹ đã làm cho Nga thấy được "rủi ro", cho nên, Nga lần này độc lập tổ chức diễn tập quân sự ở Biển Đông cũng có ý đồ "cảnh báo Việt Nam", rằng "Việt Nam không nên coi nhẹ vai trò ảnh hưởng của Nga ở khu vực" (?).

Thứ hai là gây sức ép với Trung Quốc và muốn có con bài mặc cả. Điều ai cũng biết là những tháng ngày hiện nay của Nga rất khó khăn, do tình hình Ukraine nhất thời còn khó khăn, phương Tây dỡ bỏ trừng phạt đối với Nga cũng vô thời hạn. Đối với Nga, Trung Quốc là điểm tựa lòng tin và kinh tế duy nhất của Nga.

Trong thời điểm tổ chức Hội nghị cấp cao APEC, cuộc gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo Trung - Mỹ có thể gây ảnh hưởng tinh tế đối với tình hình Đông Âu và quan hệ Mỹ - Nga. Cho nên, Nga không hy vọng sự hỗ trợ quan trọng của Trung Quốc bất ngờ yếu đi.Trung Quốc luôn phản đối "thế lực bên ngoài" can thiệp vào vấn đề Biển Đông và nhiều lần công kích Mỹ có "rắp tâm hiểm ác" khuấy đục Biển Đông. Nga rất rõ điều này. Mặc dù lần này Nga chưa mời bất cứ nước nào xung quanh hợp tác diễn tập, nhưng việc phô diễn thực lực quân sự này rõ ràng là đang cảnh cáo Trung Quốc, rằng, Nga có năng lực đóng vai trò “không có lợi cho Trung Quốc” trong vấn đề Biển Đông.

Nga hy vọng Trung Quốc nhận rõ tình hình, không để cuộc gặp cấp cao Trung - Mỹ xuất hiện thỏa hiệp trong vấn đề giữa Nga và Ukraine, tăng thêm "sức mạnh" cho chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Vladimir Putin.

Minh Thùy (tổng hợp từ Giáo Dục, Thanh Niên)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang