Giới chuyên gia Ấn Độ: Trung Quốc cần hành xử đàng hoàng

author 18:08 02/01/2016

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, các chuyên gia Ấn Độ nói rằng, với việc bồi đắp bãi ngầm, quân sự hóa đảo nhân tạo, cản phá tàu cá nước khác trên biển Đông

TS Vijay Sakhuja.

Trung Quốc đang tạo ra một xu hướng gây rối, gây khó chịu. Trung Quốc cần phải tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng phán quyết của tòa trọng tài, hành xử với tư cách nước lớn trước các nước nhỏ hơn.

Cậy mạnh hiếp yếu

Ông đánh giá thế nào về tranh chấp ở biển Đông, về các động thái gần đây của Trung Quốc? 

Ông Jitendra Sharma - Luật sư cao cấp Tòa án Tối cao Ấn Độ, nguyên Chủ tịch, nguyên Tổng thư ký Hội Luật gia Dân chủ quốc tế: Không thể vì anh mạnh hơn người mà anh coi biển đó, đảo đó là của mình. Họ muốn kiểm soát phần lớn biển Đông, kiểm soát các đảo. Họ muốn kiểm soát hàng hải. Họ muốn kiểm soát nguồn nước, mặt nước. Họ muốn kiểm soát không phận phía trên. Họ muốn kiểm soát tất cả mọi thứ. Bởi vì họ nghĩ họ mạnh và các nước láng giềng nhỏ bé không có tiếng nói, không có quyền. Các hành động như vậy của Trung Quốc là hoàn toàn phi pháp, là trái với luật pháp quốc tế. Họ không có quyền pháp lý đi tới quần đảo Trường Sa và chặn các tàu cá của Việt Nam ở đó. Như vậy là sai, hoàn toàn sai trái. Trường Sa không thuộc về họ (Trung Quốc). Giờ đây, họ đang xây dựng trái phép đảo nhân tạo ở đó… Hành động của Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng Việt Nam, Philippines mà toàn bộ khu vực. Các nước cần ngăn Trung Quốc mở rộng hoạt động phi pháp trên biển.

Luật sư Jitendra Sharma.

TS Vijay Sakhuja, cựu sĩ quan hải quân Ấn Độ, hiện là Giám đốc Quỹ Biển Quốc gia (Ấn Độ): Tranh chấp trên biển Đông kéo dài đã lâu. Và năm 2002, cộng đồng quốc tế rất vui mừng chứng kiến các bên có yêu sách chủ quyền lãnh thổ trên biển Đông (các nước ASEAN và Trung Quốc) ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Văn kiện có ý nghĩa về thay đổi tư duy và tạo môi trường ổn định để phát triển. Trong 5 năm đầu thực hiện DOC, mọi thứ rất tốt đẹp. Đến tận năm 2007, nếu nhìn vào cả biển Đông, thấy rằng nơi đây có hệ sinh thái biển rộng lớn đáng ngắm nhìn, là nơi có thể cùng phát triển. Tuy nhiên, đến năm 2008, tình hình bắt đầu căng thẳng. Các nước bắt đầu tăng cường tuyên bố chủ quyền. Một loạt tranh chấp, va chạm đã xảy ra ở đá Vành Khăn, bãi cạn Scarborough… Và giờ đây là vấn đề bồi đắp, cải tạo bãi cạn, đá ngầm, xây dựng đảo nhân tạo trên biển Đông. Đây là một xu hướng gây rối, gây khó chịu. Và họ còn quân sự hóa các bãi cạn, đá ngầm, các đảo nhân tạo. Ví dụ, Trung Quốc đã xây 3 đường băng trên đó, dài tới 3,1km. Họ gọi đó là hàng không mẫu hạm không bao giờ chìm. Trung Quốc đang vũ trang cho các đảo nhân tạo. Và như vậy, họ đang gửi đi một tín hiệu sai, một tín hiệu khó chịu.

Có thể nói, vấn đề tranh chấp biển Đông đã có bước ngoặt mới và gây phiền phức, với việc cải tạo đá ngầm, bãi cạn, xây dựng đảo nhân tạo, mở rộng cơ sở hạ tầng trên các đảo đó. Và điều này chắc chắn sẽ gây náo động hòa bình và ổn định của khu vực, dẫn tới việc tăng cường mua sắm vũ khí…

Các nước liên quan cần thiết lập đường dây nóng, hotline hải quân để tiếp nhận, xử lý thông tin, tránh xung đột xảy ra. Việc thiết lập cơ chế đối thoại và thực sự tham gia đối thoại là rất quan trọng. Tôi muốn nói đến khả năng dung chứa của nước này dành cho nước khác. Tôi có thể lấy ví dụ tranh chấp giữa Ấn Độ và Bangladesh. Tranh chấp cả biên giới trên bộ và phân định ranh giới biển. Tòa án ra phán quyết ủng hộ Bangladesh, nhưng Ấn Độ tuân thủ, không làm ầm ĩ gì cả. Cần tôn trọng tập quán quốc tế, tôn trọng phán quyết của tòa trọng tài, tòa án công lý quốc tế. Tôi cho đây là một mô hình, một kiểu mẫu tốt về việc dung chứa lẫn nhau. Là một mô hình tốt về hành xử của nước lớn đối với nước nhỏ hơn. Ấn Độ là nước lớn, Bangladesh là nước nhỏ. Tôi muốn Bắc Kinh nhìn nhận mô hình này thật tốt, hành xử với tư cách nước lớn trước các nước nhỏ hơn.

Đối thoại, tham vấn, kiện ra tòa

Vậy thì Việt Nam, các thành viên ASEAN khác cũng như các bên liên quan nên làm gì để giải quyết vấn đề tranh chấp? 

TS Vijay Sakhuja: Đối thoại và tham vấn là một công cụ hữu ích trong việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền ở biển Đông. Tuy nhiên, Philippines đã đi đầu trong việc giải quyết vấn đề thông qua hệ thống pháp lý quốc tế. Đây là bước phát triển đáng hoan nghênh. Đây là một cách tiếp cận tốt và Ấn Độ đã thành công trong việc giải quyết tranh chấp biên giới biển với Bangladesh ở vịnh Bengal thông qua trọng tài quốc tế.

Là một nước có vai trò và trách nhiệm lớn trong khu vực, Ấn Độ làm gì để giúp giải quyết tranh chấp trên biển Đông?

TS Vijay Sakhuja: Ấn Độ kiên định lập trường rằng, Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải và việc tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Tháng 11/2015, Thủ tướng Ấn Độ nhắc lại quan điểm của Ấn Độ rằng, các bên tuyên bố chủ quyền ở biển Đông cần tuân thủ các hướng dẫn về việc thực hiện DOC, gia tăng nỗ lực để sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) trên cơ sở đồng thuận.

New Delhi quan tâm sự phát triển của các nước có tranh chấp ở biển Đông. Chúng tôi quan tâm, lo ngại về diễn biến trên biển Đông, ít nhất là về hai vấn đề. Thứ nhất là tự do hàng hải. Đây là vấn đề rất rất quan trọng, đặc biệt là với tàu thương mại qua lại trên biển. Bất kỳ sự nhiễu loạn nào trên biển Đông cũng ảnh hưởng chúng tôi. Ảnh hưởng thế nào? Gần 50% thương mại của chúng tôi đi qua biển Đông. Chúng tôi không muốn sự gián đoạn về thương mại. Thứ hai là chúng tôi có đầu tư ở khu vực, cụ thể là về đầu tư dầu khí ở biển Đông. Chúng tôi không muốn đầu tư của mình, lợi ích kinh tế bị phá hoại. Chúng tôi không muốn có sự tranh chấp, sự bất ổn ở biển Đông. Ấn Độ mong rằng, tin rằng, giới lãnh đạo chính trị ở các nước có yêu sách chủ quyền ở biển Đông tôn trọng quyền tự do hàng hải, luật pháp quốc tế hiện hành và cùng làm việc để cho ra đời COC hiệu quả.

Cảm ơn ông.

Việt Nam nên phát triển kinh tế xanh nước biển

- Nhân dịp năm mới 2016, ông có khuyến nghị gì để Việt Nam thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong năm mà Việt Nam có đội ngũ lãnh đạo mới?

TS Vijay Sakhuja: ASEAN là khu vực phát triển năng động, Việt Nam là một thành viên có tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, 7-8%/năm. Việt Nam thu hút nhiều đầu tư trực tiếp nước ngoài, có nhiều ngành phát triển nhanh, trong đó có công nghệ thông tin. Về phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, Việt Nam đã quan tâm khái niệm “nền kinh tế xanh nước biển”. Đảng Cộng sản Việt Nam nên vạch ra đường hướng cụ thể hơn nữa để phát triển kinh tế xanh nước biển, để đảm bảo an ninh lương thực, khai thác các nguồn tài nguyên bất động vật như dầu khí, muối, khoáng sản…, khai thác hết tiềm năng của biển cho thương mại nhưng bảo đảm thân thiện với môi trường. Tất cả sẽ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, sức mạnh quốc gia, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ hệ sinh thái biển, các cộng đồng ven biển, các khu vực dễ bị tổn thương bởi nước biển dâng và các yếu tố khí hậu khác.

Theo Tiền phong


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang