Trung Quốc cân nhắc đóng thêm 3 tàu sân bay đối phó Mỹ ở Biển Đông

author 06:54 05/12/2014

(VietQ.vn) - Bắc Kinh đang xem xét đóng thêm ít nhất 3 tàu sân bay để ứng phó với chiến lược “Xoay trục châu Á” của Washington, đặc biệt là trong bối cảnh Hạ viện Mỹ vừa thông qua tuyệt đối nghị quyết về Biển Đông và Hoa Đông.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất trên báo chí, Hạ viện Mỹ vừa thông qua nghị quyết H. Res-714 với số phiếu tuyệt, tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với các giải pháp hòa bình cho tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và Hoa Đông.

Hạ viện Mỹ thông qua tuyệt đối nghị quyết về Biển Đông

Hạ viện Mỹ thông qua tuyệt đối nghị quyết về Biển Đông. Ảnh minh họa

Nghị quyết H. Res-714 khẳng định sự ủng hộ của Mỹ cho quyền tự do hàng hải và hàng không, đồng thời lên án những hành vi cưỡng chế hoặc sử dụng vũ lực để ngăn cản việc thực thi các quyền tự do sử dụng vùng biển hay không phận quốc tế trên các vùng biển trên. Đồng thời, nghị quyết hối thúc Trung Quốc kiềm chế thực thi vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông và không lặp lại hành động tương tự tại các vùng biển khác của châu Á - Thái Bình Dương.  

H.Res-714 nhắc tới hàng loạt trường hợp Trung Quốc gây hấn trên biển Đông và Hoa Đông trong thời gian qua, đặc biệt là vụ giàn khoan Hải Dương 981. Nghị quyết cũng kêu gọi ASEAN và các nước có tranh chấp cùng nhau nỗ lực tìm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, thông qua việc thiết lập một Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

Không bao lâu sau khi Hạ viện Mỹ thông qua nghị quyết H. Res-714, báo chí dẫn lời các quan chức quân sự Trung Quốc nhấn mạnh rằng, một quốc gia cần ít nhất 3 tàu sân bay để tạo thành một lực lượng chiến đấu cơ bản. Vì vậy, Bắc Kinh có thể sẽ đóng thêm 3 tàu sân bay để tạo nên một lực lượng chiến đấu mạnh đối phó với chiến lược “xoay trục châu Á” của Mỹ. 

Tàu Trung Quốc phun vòi rồng tấn công tàu Việt Nam trên Biển Đông

Tàu Trung Quốc phun vòi rồng tấn công tàu Việt Nam trên Biển Đông. Ảnh Vnepxress

Chiến lược “Xoay trục châu Á” của chính quyền Tổng thống Obama nhằm mục đích tập trung vào các nền kinh tế năng động ở châu Á, giúp Mỹ thoát khỏi cuộc chiến tranh ngày càng tốn kém tại Iraq và Afganistan. Thế nhưng Bắc Kinh lại xem chiến lược này là nỗ lực không ngừng nghỉ của Washington trong cuộc đua kiềm chế sự ảnh hưởng của ‘ông lớn châu Á’ trong khu vực, đặc biệt là khi Mỹ đẩy mạnh mối quan hệ với các đồng minh Nhật bản và Philippines, vốn đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.

Theo một số nguồn tin, trước tiên, Trung Quốc sẽ chế tạo một chiếc tàu sân bay Type-001A có thiết kế tương tự với tàu Liêu Ninh. Thông tin từ một bài báo được đăng tải trên tờ “Kanwa Defense Review” của Canada cho rằng, cuối năm 2013, Tập đoàn đóng tàu công nghiệp Đại Liên đã bắt đầu đóng chiếc tàu sân bay đầu tiên. Trong khi đó con tàu thứ 2 sẽ được xây dựng  tại nhà máy đóng tàu Giang Nam, Thượng Hải. 

Rất có khả năng lượng giãn nước của 2 chiếc tàu sân bay này sẽ đạt khoảng 30.000 - 40.000 tấn, cơ bản tương đương với tàu sân bay Vikramaditya của hải quân Ấn Độ. Theo bài báo, các tàu sân bay này rất có thể sẽ được triển khai tới biển Đông. 

Trung Quốc rất có thể sẽ điều các tàu sân bay mới đóng tới Biển Đông

Trung Quốc rất có thể sẽ điều các tàu sân bay mới đóng tới Biển Đông. Ảnh minh họa

Hiện Bắc Kinh đang lún sâu trong tranh cãi gay gắt về lợi ích và thách thức công nghệ của việc chế tạo tàu sân bay động cơ hạt nhân trong tương lai. Bài báo cũng cho biết thêm rằng, rất có thể Trung Quốc sẽ sử dụng động cơ tua bin khí hạng nặng  R0110, được nghiên cứu và phát triển gần đây trong việc xây dựng tàu sân bay nội địa đầu tiên và có thể sử dụng động cơ hạt nhân để trang bị cho tàu sân bay thứ 2.

Mặc dù Trung Quốc đã sở hữu một lực lượng tàu ngầm động cơ hạt nhân, nhưng làm thế nào để sử dụng an toàn động cơ hạt nhân cho tàu sân bay vẫn tồn tại những trở ngại công nghệ rất lớn, vì vậy phải mất một thời gian dài nữa nước này mới có thể khắc phục được vấn đề này.

Minh Thùy (tổng hợp từ An Ninh Thủ Đô, Vnexpress)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang