Trung Quốc cho người tâm thần nhập ngũ, chuyên gia nói gì?

author 10:34 22/06/2014

Trao đổi về thông tin Trung Quốc cho phép người tâm thần phân liệt cũng được nhập ngũ, PGS.TS Nguyễn Văn Thọ, nguyên phó viện trưởng Viện Giám định pháp y tâm thần T.Ư, giải thích:

PGS.TS Nguyễn Văn Thọ, nguyên phó viện trưởng Viện Giám định pháp y tâm thần T.Ư

 Những vấn đề (sự bất thường) về sức khỏe tâm thần từ những triệu chứng rất nhẹ như rối loạn giấc ngủ, giảm tập trung chú ý, giảm trí nhớ... đến các bệnh lý tâm thần nặng nề là cả một vấn đề hết sức phức tạp và đa dạng.

Trong phân loại quốc tế về các rối loạn tâm thần và hành vi, Tổ chức Y tế thế giới đã thống kê tới hàng trăm mặt bệnh hoặc các hội chứng rối loạn tâm thần.

Tuy nhiên, để mọi người dễ hiểu, có một cách phân loại rất kinh điển của thế giới, khá khái quát và đơn giản, đó là chia các rối loạn tâm thần thành ba nhóm lớn: loạn tâm thần (psychosis), loạn thần kinh (neurosis) và rối loạn nhân cách (personality disorder).

Loạn tâm thần là những rối loạn biểu hiện ở ba điểm: Thứ nhất, sai sót về nhận biết thực tại. Thí dụ, những hoang tưởng, ảo giác làm bệnh nhân nhận thức không chính xác thực tại khách quan, những rối loạn ý thức kiểu mê sảng, mê mộng, lú lẫn làm bệnh nhân mất định hướng về bản thân và môi trường.

Thứ hai, sự suy giảm nặng nề về các chức năng xã hội và cá nhân như sống thu rút, biệt lập khỏi xã hội, mất khả năng thao tác các công việc thông thường.

Thứ ba là các hành vi quá vô tổ chức: cẩu thả, lộn xộn cùng với những kích động, xung động mà người bệnh không có khả năng kiểm soát, có thể đập phá, tấn công và giết người. Nhóm này bao gồm những bệnh như tâm thần phân liệt, rối loạn hoang tưởng, những loạn thần cấp tính, trầm cảm có loạn thần...

Loạn thần kinh là những rối loạn không có loạn thần: người bệnh nhận thức thực tại hoàn toàn bình thường, không có rối loạn hành vi. Những rối loạn bệnh lý này biểu hiện như rối loạn lo âu, những ám ảnh, hysteria, suy nhược thần kinh... gồm những triệu chứng chủ yếu gây khó chịu và đau buồn cho cá nhân người bệnh. Người bệnh thường không gây nguy hiểm gì cho xã hội như loạn thần.

Rối loạn nhân cách hay còn gọi là nhân cách bệnh (psychopathic) là nhóm bệnh bao gồm những nhân cách bất thường, thí dụ nhân cách paranoid (hoang tưởng, kiện cáo), nhân cách dạng phân liệt, nhân cách chống đối xã hội...

Đó là những trạng thái bất thường, nằm trung gian giữa bình thường và bệnh lý. Những người này không phải bệnh nhân thực thụ để được điều trị. Họ vẫn sống trong cộng đồng, nhưng không thích nghi hoàn toàn với những người xung quanh mà đôi khi họ gây rối cho cơ quan họ sống và cho xã hội.

- ThS LÊ MINH CÔNG: Theo PGS, việc quân đội Trung Quốc tuyển dụng những bệnh nhân tâm thần, nhất là với người mắc các rối loạn tâm thần mức độ nặng như tâm thần phân liệt, vào làm việc liệu có phù hợp?

- PGS.TS Nguyễn Văn Thọ: Quân đội tuyển những bệnh nhân loạn thần như tâm thần phân liệt vào quân đội là hoàn toàn không nên.

Có tỉ lệ lớn người bệnh tâm thần phân liệt đã giết người do hoang tưởng, ảo giác chi phối, sai khiến, xúi giục họ hành động, do họ lên cơn xung động, không có khả năng kiểm soát và do ý nghĩ kỳ dị khó hiểu của người bệnh khiến họ giết người một cách vô lý.

Nếu người bệnh tâm thần phân liệt ở trong quân đội, họ có điều kiện tiếp cận và sử dụng vũ khí để giết người và có khi giết người hàng loạt.

- Theo ông, bệnh nhân tâm thần ở dạng nào thì có thể làm những công việc ở mức độ nào?

- Những người loạn thần giai đoạn cấp tính tất nhiên không làm việc được. Trong giai đoạn ổn định của tâm thần phân liệt, có thể tổ chức cho họ làm những công việc đơn giản phù hợp với khả năng hiện có hoặc khả năng hồi phục chức năng sau điều trị của họ.

Bệnh nhân vẫn cần sự giám sát, trợ giúp của những người thân, những người xung quanh và vẫn củng cố thuốc uống để duy trì sự ổn định tâm thần.

Những người loạn thần kinh vẫn có thể làm việc bình thường khi triệu chứng không gây trở ngại đến hoạt động, sinh hoạt của họ. Khi triệu chứng bệnh gây khó khăn tới hoạt động thường ngày, họ cần điều trị cho ổn định.

Những người nhân cách bệnh, đặc biệt là nhân cách chống đối xã hội và nhân cách loại hoang tưởng, kiện cáo, họ khó được chấp nhận làm việc trong cơ quan vì thường gây mất đoàn kết hoặc gây rối trong đơn vị.
Giám định rồi mới cho nghỉ

 Ở VN đã có những quy định hoặc là cơ quan tự áp dụng phân công công việc dựa trên dấu hiệu tâm thần của nhân viên hay chưa?

- Ở nước ta hiện không có quy định về phân công công việc dựa trên dấu hiệu tâm thần. Các cơ quan dân sự hay quân đội đều tùy thuộc tình trạng bệnh lý tâm thần mà giải quyết đối với người bệnh.

Thí dụ, trong quân đội, nếu quân nhân có biểu hiện loạn thần như tâm thần phân liệt hoặc loạn thần mãn tính sẽ được giám định sức khỏe cho ra quân (một cách tuyệt đối). Nếu ở cơ quan, cũng có thể cho giám định sức khỏe để nghỉ việc tùy trường hợp cụ thể (tương đối). Một số trường hợp rối loạn nhân cách chống đối xã hội, rối loạn nhân cách kiện cáo cũng thường được cơ quan cho đi giám định tâm thần để nghỉ việc.

Theo TT

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang