Trung Quốc có thể đã bí mật lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông

author 06:32 13/12/2014

(VietQ.vn) - Một tổ chức thông tin ở Canada cho biết, rất có thể Trung Quốc đã lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông mà không tuyên bố công khai để tránh sự phản đối của khu vực và thế giới.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất trên báo chí, đài TNHK, trung tâm Thông tin Kanwa có trụ sở tại Canada đưa tin Trung Quốc có thể đã bí mật thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông mà không tuyên bố công khai để tránh bị các nước trong khu vực và trên thế giới phản đối.

Máy bay Trung Quốc và Mỹ ‘đụng đầu’ trên Biển Đông

Máy bay Trung Quốc và Mỹ ‘đụng đầu’ trên Biển Đông. Ảnh minh họa

Nghi vấn này sau đó đã được báo Want China Times của Đài Loan dẫn lại. Theo đó, Chính phủ Trung Quốc đã lên kế hoạch thiết lập 2 ADIZ ở Biển Hoa Đông và Biển Đông sau sự cố đảo Hải Nam hồi năm 2001, khi một chiến đấu cơ J-811 của Trung Quốc va chạm với một máy bay do thám của Mỹ trên không, khiến 1 phi công Trung Quốc thiệt mạng và dẫn tới việc tạm giữ 24 thành viên một máy bay do thám Mỹ.

Hồi tháng 8 vừa qua, một mày bay chống tàu ngầm và tàu nổi P8 của Mỹ cũng đụng độ với máy bay chiến đấu J-11BH của Trung Quốc. Kanwa miêu tả máy bay Mỹ đã bị máy bay Trung Quốc chặn ở cự ly rất gần, còn theo tạp chí quốc phòng IHS Jane’s thì máy bay Mỹ đã bị máy bay Trung Quốc quấy rối.

Sau đó, Lầu Năm Góc đã công khai những đoạn phim quay cảnh vụ chạm trán này, cho thấy chiến đấu cơ Trung Quốc bẻ lái sang trái chỉ cách 10m trước máy bay của Mỹ rồi nghiêng cánh để phô trương vũ khí.

Mối quan hệ Mỹ - Trung không ít lần căng thẳng vì tranh chấp Biển Đông

Mối quan hệ Mỹ - Trung không ít lần căng thẳng vì tranh chấp Biển Đông. Ảnh minh họa

Sự cố này diễn ra gần ranh giới của vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc, cách đảo Hải Nam khoảng 200 hải lý. Kanwa nhận định đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc rất có thể đã thiết lập một ADIZ trong khu vực vì máy bay P8 của Mỹ bị chặn bên trên vùng biển được coi là lãnh hải quốc tế.

Một khía cạnh đáng ngờ của vụ đụng độ nêu trên, là máy bay chiến đấu Trung Quốc không phải được triển khai từ căn cứ Lingshui là căn cứ gần nhất, mà là từ căn cứ Jialai. Kanwa nói rằng, lý do có thể là căn cứ Lingshui chỉ có 15 máy bay chiến đấu J-8II, còn căn cứ Jialai có 24 chiếc máy bay chiến đấu tiên tiến J-11BH có thể bám đuôi máy bay Mỹ trong một thời gian dài. Máy bay này đã theo sát máy bay P8 suốt 380km trong sự cố tháng Tám vừa qua.

Kanwa cũng tin rằng máy bay Mỹ đã bị radar mặt đất của Trung Quốc bắt được tín hiệu và phát đi cảnh báo sớm trước khi nó bay vào khu vực này. Chiếc P8 có thể xuất kích từ căn cứ Okinawa của Mỹ, và có thể đã bị giám sát bởi các trạm radar dọc bờ biển Trung Quốc ngay sau khi nó cất cánh. Trung tâm Chỉ huy hỗn hợp của quân đội Trung Quốc ở Biển Đông sau đó có thể đã phát các di chuyển của máy bay Mỹ tới Hạm đội Nam Hải.

Trung Quốc luôn mưu đồ xây dựng vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông

Trung Quốc luôn mưu đồ xây dựng vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông. Ảnh minh họa

Cũng theo Want China Times, do hội nghị thượng đỉnh APEC được tổ chức ở Bắc Kinh vào tháng 11, chính phủ Trung Quốc có thể đã quyết định hoãn thành lập ADIZ trên Biển Đông để tránh sự phản ứng từ các nước khác. Thực tế là việc thành lập ADIZ trên Biển Hoa Đông năm ngoái đã bị cộng đồng quốc tế lên án và việc đó cũng tác động vào quyết định lần này của Trung Quốc – Kanwa phỏng đoán.

Minh Thùy (tổng hợp từ Vietnam+, Lao Động)

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang