'Con tàu' kinh tế Trung Quốc đang 'lầm đường lạc lối'

author 15:43 12/01/2016

“Con tàu” tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang dần chậm lại, nguyên nhân bởi những người đứng đầu nước này đã mắc phải những sai lầm liên tiếp.

Chứng khoán liên tục mất điểm trong những ngày đầu năm mới, đồng nhân tệ mất giá kỉ lục sau 5 năm dù mới được chọn vào giỏ tiền tệ quốc tế, GDP liên tiếp sụt giảm… Nó khiến nhiều người hoài nghi về năng lực quản lý của các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã giảm tốc độ tăng trưởng từ 10,6% năm 2010 xuống dưới 7% (Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc 2015 đạt 6,8 %, và tiếp tục suy yếu trong năm 2016, vào khoảng 6,3%).

So với nhiều quốc gia đang phát triển thì mức tăng trưởng trên 6% vẫn là một con số mơ ước. Tuy nhiên, vấn đề với Trung Quốc là sự bùng nổ tăng trưởng không bền vững được thúc đẩy bởi đầu tư cũng như vay tiêu hoang phí. Rất nhiều khoản vay trong số đó có thể sẽ không được hoàn trả.

Nguyên nhân từ đâu

Khi cuộc khủng hoảng toàn cầu nổ ra vào năm 2008, Chính phủ Trung Quốc đã tìm các biện pháp tháo “quả bom” đó bằng cách bơm hàng tỷ USD vào nền kinh tế quốc dân và xây dựng những chính sách nhằm ngăn chặn những công ty nước ngoài cạnh tranh với doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động kém hiệu quả.

Từ năm ngoái, các quan chức Trung Quốc bắt đầu sử dụng phương tiện truyền thông nhà nước để khuyến khích các nhà đầu tư cá nhân đổ tiền tiết kiệm và vay vốn vào thị trường chứng khoán, điều này đã tạo ra những bong bóng khổng lồ trên thị trường này.

Nhà đầu tư đã mất niềm tin vào thị trường chứng khoán Trung Quốc

Khi thị trường chứng khoán bắt đầu sụt giảm trong mùa hè, Chính phủ Trung Quốc bắt đầu đổ lỗi cho những người đứng đầu ngành này, phương tiện truyền thông, các nhà đầu cơ, và các công ty chứng khoán…

Hôm 7/1 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc – Tiếu Cương đã bị chỉ trích nặng nề tại cuộc họp khẩn cấp của Quốc vụ viện ở Bắc Kinh vì cơ chế tự động ngưng giao dịch trên thị trường chứng khoán Trung Quốc do ông khởi xướng không có hiệu quả.

Cơ chế này, tiếng Anh gọi là circuit-breaker (cầu dao điện), được thiết kế nhằm ngăn ngừa giá cổ phiếu rơi tự do và bảo vệ các nhà đầu tư nhưng thực tế lại gây ra tác dụng ngược khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc mạnh hơn trong tuần vừa qua. CSRC buộc phải tạm ngưng áp dụng cơ chế này sau 4 ngày vận hành.

Thất bại này một lần nữa gây mất uy tín cho ông Tiểu Cương, người vốn đã bị các nhà đầu tư và các quan chức Trung Quốc chỉ trích vì những bước đi chính sách sai lầm, góp phần làm thị trường chứng khoán Trung Quốc rơi vào khủng hoảng trong mùa hè năm ngoái.

Hậu quả khôn lường

Theo nhiều nhà kinh tế, nếu các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc không sớm thay đổi, nước này sẽ phải đối mặt với một thời kỳ tăng trưởng thấp, năng suất lao động bị ghìm giữ, và tài sản của các hộ gia đình trì trệ – những yếu tố tạo thành “bẫy thu nhập trung bình”. “Kỷ nguyên tăng trưởng tại Trung Quốc đã kết thúc. Giờ là lúc của những lựa chọn ngày càng khó khăn” – Giáo sư Victor Shih, Đại học California-San Diego nhận định.

Thậm chí, một số nhà kinh tế học còn không loại trừ khả năng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đột ngột giảm sút mạnh, dẫn tới một cuộc “hạ cánh cứng” khiến mức nợ tăng vọt, niềm tin người tiêu dùng lao dốc, đồng nhân dân tệ sụt giá chóng mặt, tỷ lệ thất nghiệp bị đẩy cao, và tăng trưởng suy sụp.

Trung Quốc đang gánh chịu hậu quả từ những chính sách không hơp lý

Một số nhà phân tích lo ngại rằng, Bắc Kinh sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng thông qua những biện pháp như bơm thêm tiền cho những công ty thua lỗ, xây dựng thêm những cơ sở hạ tầng chưa thực sự cần thiết. Cách làm này khiến nền kinh tế không được đầu tư đầy đủ để cải thiện năng suất, và từ đó sẽ mất nhiều tiền hơn cho việc trả lãi nợ, có thể dẫn tới sự trì trệ tăng trưởng như ở Nhật trong những thập kỷ gần đây.

Đặc biệt, nếu Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục sử dụng chiêu bài để hỗ trợ nền kinh tế trong nước như phá giá đồng nhân dân tệ sẽ khiến xuất, nhập khẩu của Trung Quốc giảm mạnh, dẫn tới hệ lụy lớn cho kinh tế toàn cầu.

Giải pháp cho Bắc Kinh

Một vài chuyên gia đưa ra giải pháp gợi ý cho Trung Quốc là các quan chức nên nỗ lực ra nhiều việc làm và xây dựng một nền kinh tế cạnh tranh hơn bằng cách tăng cường hỗ trợ cho các công ty tư nhân trong một số ngành công nghiệp, dịch vụ như viễn thông, bảo hiểm hiện đang được thống trị bởi một số ít các công ty nhà nước.

Trung Quốc cũng phải có những biện pháp làm sạch hệ thống tài chính của mình. Nhiều doanh nghiệp và chính quyền địa phương đã vay hàng tỷ USD để xây dựng đường sắt cao tốc, phát triển bất động sản và các dự án khác, trong đó có nhiều dự án sẽ không có lợi nhuận để thanh toán các khoản nợ.

Bắc Kinh nên khuyến khích người cho vay và người đi vay để cơ cấu lại các khoản cho vay nhanh chóng trả tiền cho những dự án như vậy, tuy nhiên tránh để các ngân hàng bị tê liệt bởi các khoản nợ xấu và có thể tiếp tục cho vay mới các quan chức cũng cần phải đóng cửa các doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả.

Cuối cùng, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc phải nhận ra rằng, họ cần phải hiện đại hóa các chính sách của họ bằng cách khuyến khích các sáng kiến riêng tư hơn và cạnh tranh hơn. Quốc gia của họ đã thay đổi đáng kể trong ba thập kỷ qua, và một cách tiếp cận mệnh lệnh và kiểm soát để quản lý kinh tế sẽ không mang lại một sự tăng trưởng thần kỳ như trước.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang