Trung Quốc đáp trả Mỹ vụ xây đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông

author 06:47 25/11/2014

(VietQ.vn) - Trung Quốc tiếp tục thể hiện thái độ tiêu cực trước việc Washington chỉ trích Bắc Kinh xây đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông trong khi chuyên gia Mỹ hiến kế ngăn Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Trung Quốc phản ứng xấu về đảo nhân tạo trên biển Đông

Những tin tức mới nhất trên báo chí dẫn lời người phát ngôn quân đội Mỹ Jeffrey Pool yêu cầu Trung Quốc ngừng việc xây đảo nhân tạo bất hợp pháp trên Đá Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa thuộc Biển Đông của Việt Nam. Theo đó, đảo nhân tạo này dài 3.000m, rộng 200 - 300m và Trung Quốc đang xây đường băng tại đây.

Không lâu sau lời chỉ trích của Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố một cách tiêu cực: “Các thế lực nước ngoài không có quyền đưa ra các tuyên bố vô trách nhiệm. Hoạt động xây dựng của Trung Quốc nhằm cải thiện điều kiện sống của các nhân viên trên đảo”.

Trung Quốc xây dựng trên Đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Biển Đông Việt Nam

Trung Quốc xây dựng trên Đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Biển Đông Việt Nam. Ảnh IHS Jane’s Defense

Bà Hoa mô tả việc xây dựng “có thể giúp các nhân viên trên đảo thực hiện nghĩa vụ tìm kiếm và cứu nạn quốc tế”. Đồng quan điểm với bà Hoa, tướng quân đội Trung Quốc Luo Yuan cho rằng việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Đá Gạc Ma là “hợp pháp” và “sẽ không bị ảnh hưởng bởi các tuyên bố của Mỹ”.

Học giả Mỹ hiến cách ngăn Trung Quốc bành trướng Biển Đông

Từ thực tế tình hình Biển Đông ngày càng phức tạp và căng thẳng bởi những động thái khiêu khích, xây dựng trái phép của Trung Quốc, mới đây học giả Robert Haddick, một nhà nghiên cứu độc lập ở Hoa Kỳ đã đưa ra 6 cách giúp ngăn chặn xung đột, bành trướng và giữ gìn ổn định ở Biển Đông, Hoa Đông.

Thứ nhất, cần mở rộng sự hiện diện của các tàu cá "phi Trung Quốc" ở Biển Đông và Hoa Đông. Chính sách của các nước cần khuyến khích và hỗ trợ hoạt động đánh bắt cá của ngư dân nước mình như là một ưu tiên hàng đầu cho an ninh quốc gia. Mục đích của sáng kiến này là nhằm đối phó hiệu quả với lực lượng chức năng "bán quân sự" của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông.

Thứ hai, chính sách và ngân sách nhà nước phải hỗ trợ cho lực lượng chức năng thực thi luật pháp trên biển tăng cường hiện diện và thực thi luật pháp hàng hải trên vùng biển yêu sách của mình. Các nước láng giềng của Trung Quốc có thể cải tiến công suất nhiều hơn và nhanh hơn thông qua đầu tư cho lực lượng tàu tuần tra phi quân sự so với phân bổ ngân sách mua sắm các tàu chiến hải quân.

Trung Quốc đã sử dụng hàng vạn tàu cá để khẳng định yêu sách

Trung Quốc đã sử dụng hàng vạn tàu cá để khẳng định yêu sách "chủ quyền" vô lý Biển Đông và Hoa Đông. Ảnh Giáo Dục

Thứ ba, các cơ quan hàng hải của Mỹ, kể cả dân sự và quân sự cùng các đối tác của mình nên tăng cường chia sẻ thông tin, trao đổi cán bộ và triển khai các hoạt động đào tạo đa phương. Việc trao đổi các thông tin, kinh nghiệm hoạt động, chuyên môn kỹ thuật có chi phí tương đối thấp nhưng sẽ giúp tất cả các bên tăng cường năng lực hàng hải của mình.

Thứ tư, Mỹ và đối tác nên thiết lập một hệ thống chia sẻ thông tin tình báo hàng hải cơ bản trong thời gian thực một cách chính thức. Điều này cho phép các quốc gia bạn bè của Mỹ thiết lập một mạng lưới hàng hải chung, tạo điều kiện phản ứng đa phương trước bất kỳ sự cố nào và cho phép phân bổ hiệu quả các nguồn lực trong quá trình phản ứng.

Thứ năm, các nhà hoạch định chính sách và lập kế hoạch của Mỹ và các nước khác trong mạng lưới hàng hải khu vực cần chuẩn bị cho thủ tục và nhân sự ứng phó với một cuộc khủng hoảng đa phương. Mục đích của sáng kiến này là dành cho các thành viên của mạng lưới đối tác khả năng chuẩn bị trước cho các sự cố hàng hải và các cuộc khủng hoảng.

Thứ sáu, cần mời các nước khác trong khu vực có chung mối quan tâm tham gia vào các sáng kiến được liệt kê ở đây. Điều này có tác dụng làm gia tăng tính hợp pháp về pháp lý cũng như đạo đức của những nỗ lực bảo vệ an toàn, an ninh hàng hải, chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông, Hoa Đông.

Philippines xử phạt 9 ngư dân Trung Quốc đánh bắt trái phép trên Biển Đông

Cũng trong thời gian này, Philippines đã xử phạt 9 ngư dân Trung Quốc phạm tội đánh bắt trái phép và tội phạm môi trường vì đánh bắt trong vùng biển tranh chấp. Được biết, 9 ngư dân này bị phạt 100 nghìn USD mỗi người, cộng thêm 120 ngàn peso (tương đương khoảng 2.730 USD) vì tội đánh bắt loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Những con rùa biển cảnh sát Philippines thu giữ được từ tàu của ngư dân Trung Quốc trên Biển Đông

Những con rùa biển cảnh sát Philippines thu giữ được từ tàu của ngư dân Trung Quốc trên Biển Đông.  Ảnh AFP

Liên quan đến vụ việc này, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila không đưa ra bình luận gì. Trước đó, Trung Quốc đã yêu cầu Philippines thả những ngư dân này ngay lập tức. Trung Quốc cũng từ chối hợp tác trong vụ kiện và cũng không cung cấp luật sư bào chữa hoặc một người phiên dịch cho 9 ngư dân nước này. 

Các công tố viên cho rằng đây là một động thái nhằm trì hoãn vụ kiện. Bộ Ngoại giao Philippines đã chỉ định một người phiên dịch cho 9 ngư dân này tại phiên tòa. Việc bắt giữ những ngư dân này làm tồi tệ thêm mối quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc.

Minh Thùy

 (tổng hợp từ Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Giáo Dục)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang