Trung Quốc đóng tàu sân bay thứ 2, lộ rõ tham vọng lớn

author 13:33 02/01/2016

Trung Quốc ngày 31/12 tuyên bố đang đóng chiếc tàu sân bay thứ 2 để tăng cường năng lực Hải quân của nước này ở biển Hoa Đông và Biển Đông.

Hai tàu sân bay vẫn là chưa đủ?

“Chiếc tàu ngầm này được phát triển và đóng hoàn toàn theo thiết kế trong nước”, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân cho biết. Tàu sẽ được đóng ở Đại Liên, một thành phố cảng ở Đông Bắc nước này.

Con tàu này sẽ có lượng giãn nước khoảng 50.000 tấn- nhỏ hơn khá nhiều so với các tàu sân bay lớn nhất của Mỹ, và sẽ mang theo các máy bay chiến đấu J-15 cũng do Trung Quốc chế tạo. Không giống như tàu sân bay Liêu Ninh, chiếc tàu sân bay thứ 2 này sẽ có hệ thống cất cánh thẳng đứng (ski-jump).

Tàu Liêu Ninh- tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc

“Trung Quốc có đường bờ biển dài và có vùng lãnh hải cực kỳ rộng lớn. Việc bảo vệ chủ quyền lãnh hải và các lợi ích cũng như quyền lợi của đất nước là nhiệm vụ thiêng liêng của quân đội Trung Quốc”, ông Dương khẳng định.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã không ngừng tăng cường sức mạnh quân sự khiến các nước láng giềng phải lo ngại và khiến Mỹ phải tái thực thi chính sách ngoại giao “hướng Đông” của mình.

Chiếc tàu sân bay Liêu Ninh đầu tiên của Trung Quốc là một chiếc tàu từ thời Liên Xô được đóng cách đây 25 năm. Trung Quốc đã mua về để cải hoán và sử dụng trong biên chế của nước này từ năm 2012.

“Thiết kế và cấu trúc của chiếc tàu sân bay thứ 2 sẽ là thành quả của việc rút kinh nghiệm và nghiên cứu từ tàu Liêu Ninh”, ông Dương nói: “Chính vì vậy sẽ có rất nhiều cải tiến”.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo, việc chỉ sở hữu 2 tàu sân bay là chưa đủ để Hải quân Trung Quốc có thể đối đầu với các đối thủ của mình.

“Chỉ khi Trung Quốc có thể trang bị cho mỗi hạm đội của mình một tàu sân bay, nước này mới có thể khiến Mỹ và Nhật Bản lo ngại”, một chuyên gia nhận định.

Hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông, Hoa Đông

Quân đội Trung Quốc đã nhiều lần đối đầu căng thẳng với Nhật Bản và Philippines trên các khu vực tranh chấp ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Điều này khiến nhiều chuyên gia lo ngại về nguy cơ xảy ra đụng độ vũ trang.

Mối quan hệ Trung- Nhật thường xuyên căng thẳng liên quan đến việc tranh chấp nhóm đảo mà Nhật Bản gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Nhật Bản đã phải nhiều lần điều máy bay chiến đấu áp tải máy bay của Trung Quốc xâm phạm khu vực mà Nhật Bản coi là lãnh hải của mình.

“Có thể nói, Hải quân Trung Quốc hoàn toàn vượt trội so với các nước trong khu vực trừ Nhật Bản và Ấn Độ. Việc đóng thêm tàu sân bay sẽ càng đem lại lợi thế cho Trung Quốc”, ông Steve Tsang, giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Nottingham (Anh) nhận định.

Các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng một lực lượng Hải quân vươn xa ra các vùng biển trên khắp thế giới và đang đầu tư mạnh mẽ để hiện đại hóa quân đội có quân số lớn nhất trên thế giới với hơn 2 triệu người.

Tháp quan sát gần một đường băng trên đảo Thị Tứ mà Trung Quốc xây dựng phi pháp

Trước đó, Trung Quốc đã nhiều lần ngang nhiên ra yêu sách chủ quyền bao trọn hầu khắp Biển Đông và lấn sâu vào vùng lãnh hải của nhiều quốc gia khác trong khu vực.

Không những thế, Trung Quốc còn công khai tiến hành cải tạo trái phép nhiều bãi đá ở Biển Đông và xây dựng nhiều công trình phục vụ mục đích quân sự để hiện thực hóa tham vọng độc chiếm khu vực của mình.

Mỹ sẽ không “khoanh tay đứng nhìn”

Để đối phó với tham vọng của Trung Quốc, trong vài tháng qua, Mỹ đã điều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Lassen và máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-52 áp sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang cải tạo phi pháp với lý do đảm bảo tự do hàng hải và hàng không”.

“Vùng biển và vùng trời quốc tế là của mọi quốc gia chứ không phải là của một quốc gia duy nhất”, Đô đốc Mỹ Harry Harris tuyên bố hồi tháng 12 tại Trung tâm Stanford tại Đại học Peking.

“Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục điều máy bay, tàu chiến hoạt động tại các vùng biển và vùng trời quốc tế bất kỳ lúc nào chúng tôi muốn và Biển Đông không phải là ngoại lệ”, ông Harris khẳng định.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc cải tạo phi pháp bãi Vành Khăn ở Biển Đông. 

Trong khi đó, Đô đốc John Richardson nhận định, quân đội Trung Quốc đang lớn mạnh rất nhanh, chính vì thế Mỹ phải đảm bảo rằng, mình luôn “đi trước một bước về công nghệ quân sự” so với Trung Quốc. Theo ông Richardson, quân đội Trung Quốc “là mối đe dọa lớn bởi số lượng áp đảo của mình”.

“Mỹ vẫn mạnh hơn Trung Quốc nhưng khoảng cách đó đang dần thu hẹp, chúng ta cần phải tận dụng mọi nguồn lực của mình để nới rộng lại khoảng cách đó”, ông Richardson tuyên bố.

Theo VOV


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang