Trung Quốc đưa giàn khoan đến vùng biển Việt Nam: Bộ Công Thương nói gì?

author 07:03 06/05/2014

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải khẳng định như vậy trước việc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.


Tại cuộc họp thường kỳ của Bộ Công thương chiều 5/5, ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, ngay khi hay tin Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) đưa giàn khoan Hải Dương 981 (HD-981) vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Bộ Công thương đã chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ngay lập tức có những phản ứng với CNOOC, yêu cầu CNOOC phải đưa giàn khoan HD-981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của của Việt Nam.

Bản đồ vị trí giàn khoan HD-981 của CNOOC trên vùng biển Việt Nam

Cùng với đó, phía Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã ngay lập tức lên tiếng chính thức phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Trước câu hỏi, nếu trong trường hợp CNOOC cố tình không rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì Việt Nam có bước đi tiếp theo cụ thể như thế nào? Ông Đỗ Thắng Hải khẳng định Việt Nam đã tính toán và sẽ có biện pháp bảo vệ chủ quyền đất nước.

“Không phải lần đầu tiên phía Trung Quốc có hành động như vậy, trước tiên về mặt ngoại giao Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối hành động trên và đã có công hàm ngoại giao gửi phía Trung Quốc yêu cầu ngay lập tức đưa giàn khoan HD-981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các bạn cũng yên tâm, rằng chúng ta sẽ có biện pháp để bảo vệ chủ quyền của đất nước” – Thứ trưởng Bộ Công thương nói.

Như đã đưa tin, ngày 2/5 Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) đã đưa giàn khoan Hải Dương 981 (HD-981) vào định vị khoan tại vị trí có tọa độ 15 độ 29 phút vĩ độ bắc, 111 độ 12 phút kinh độ đông, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Việc làm này của Tổng Công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc đã xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.

Ngày 4/5/2014, PVN đã có thư gửi Chủ tịch và Tổng giám đốc của CNOOC cực lực phản đối hành động này và kiên quyết yêu cầu CNOOC dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp và rút giàn khoan HD-981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Đồng thời, PVN yêu cầu CNOOC không để tái diễn những việc làm tương tự.

Theo PVN, việc làm nói trên của CNOOC đi ngược lại tinh thần hợp tác giữa hai tập đoàn dầu khí quốc gia, trái với thông lệ của các hoạt động dầu khí quốc tế cũng như phương châm hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Theo infonet

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang