Trung Quốc mang tàu chiến ra giàn khoan: Việt Nam không yếu mềm

author 09:40 14/05/2014

Nói về giàn khoan 981 và tàu chiến, cựu Đại sứ Việt ở Trung Quốc nói rằng: "Nhiều người cho rằng Việt Nam yếu mềm, nhưng tôi khẳng định không có chuyện Việt Nam yếu mềm. Việt Nam hết sức kiềm chế trước việc làm của Trung Quốc. Tất nhiên sự kiềm chế đó cũng có giới hạn..."

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã vi phạm luật pháp quốc tế; làm tổn thương, gây phẫn nộ cho những người yêu chuộng hòa bình, hữu nghị của hai nước. Đó là những chia sẻ của ông Bùi Hồng Phúc, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Trung, với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.

Hành xử chưa giống “láng giềng gần”

Việt Nam có câu “bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Người Trung Quốc cũng có câu tương tự: Mua nhà trăm vạn, mua láng giềng nghìn vạn. Điều này chứng tỏ hai nước có quan điểm rất gần nhau về những người láng giềng.

Trung Quốc mang tàu chiến ra giàn khoan, Việt Nam không yếu mềm

Trung Quốc mang tàu chiến ra giàn khoan, Việt Nam không yếu mềm. Trong ảnh là ông Bùi Hồng Phúc.
Ảnh: Nguyễn Hòa

Trước đây, nhiều chiến sĩ cách mạng của Việt Nam đã từng sát cánh với các chiến sĩ cách mạng của Trung Quốc. Năm 1949, trong khi cách mạng Việt Nam còn vô vàn khó khăn, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn cử lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam sang Quảng Tây phối hợp với du kích ở đây mở Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn, cùng đánh bại tàn quân Quốc dân đảng. Ngược lại, trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, Trung Quốc cũng giúp đỡ to lớn khi từng cử nhiều chuyên gia, cố vấn sang giúp Việt Nam. Xương máu của cán bộ, chiến sĩ hai bên trong cuộc chiến tranh giải phóng mỗi dân tộc đã xây đắp nên tình hữu nghị Việt - Trung.

“Điều này cũng một lần nữa khẳng định, nhân dân hai nước có truyền thống gắn bó lâu đời, do các bậc tiền bối hai nước dày công vun đắp. Do đó, nhân dân Việt Nam luôn mong muốn có tình hữu nghị với nhân dân Trung Quốc”, ông Bùi Hồng Phúc nói.

Thời gian qua, thông qua các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ hai nước, hai bên đã có những tuyên bố cùng các thỏa thuận cấp cao để giải quyết các vấn đề còn tồn tại, như vấn đề trên Biển Đông, giúp quan hệ hai nước có những bước phát triển tốt đẹp. “Vậy mà, nhân dân Việt Nam cảm thấy thật khó hiểu, ngỡ ngàng, thậm chí phẫn nộ trước việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, trái với Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản để giải quyết vấn đề trên biển mà hai bên đã ký kết”, ông Bùi Hồng Phúc chia sẻ .

Theo ông Phúc, không chỉ người dân, mà sự tin cậy ở cấp cao hơn cũng bị ảnh hưởng bởi hành động của Trung Quốc. Trong các cuộc gặp giữa lãnh đạo cấp cao hai nước thời gian qua đều nhấn mạnh tới sự tin cậy chính trị. Trong Diễn đàn nhân dân lần thứ 5 giữa Việt Nam và Trung Quốc, tại Ninh Bình, tháng 10-2013, hai bên cũng nhấn mạnh cần xây dựng lòng tin, sự tin cậy lẫn nhau…Và quả thật, đến trước khi xảy ra vụ việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển Việt Nam, hai bên đã nỗ lực cùng nhau vun đắp lòng tin thông qua các hoạt động hữu nghị. Việc làm lần này của Trung Quốc đã tác động tiêu cực tới sự tin cậy lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Trung Quốc, làm tổn thương tình cảm, tình hữu nghị của nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Trung Quốc.

Là người từng học tập tại Trung Quốc, từng đảm nhiệm vai trò Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc và hiện là Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Trung, ông Bùi Hồng Phúc luôn phấn đấu để vun đắp cho tình hữu nghị của nhân dân hai nước. Ông kể: Hội hữu nghị Việt - Trung được thành lập rất sớm, do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập từ năm 1950, ngay sau khi Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong mấy chục năm qua, mục đích, tôn chỉ của Hội là góp phần thúc đẩy tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Hai bên đã phối hợp với nhau để làm những việc này khá tốt, tổ chức nhiều cuộc liên hoan, giao lưu giữa người dân ở các vùng biên giới, tổ chức diễn đàn nhân dân, các cuộc viếng thăm, trao đổi thông tin… gây dựng lòng tin, tạo mối quan hệ tốt đẹp giữa hai bên.

Qua trao đổi với những bạn bè, ông biết, với những gì Trung Quốc đã và đang hành động trên Biển Đông, không chỉ làm tổn thương tới tình cảm của nhân dân Việt Nam, mà điều này cũng làm tổn thương tới cả những người Trung Quốc mong muốn có hòa bình, có quan hệ hữu nghị với Việt Nam. Ông Phúc nói rằng, trên các trang mạng, báo điện tử Trung Quốc, có rất nhiều người Trung Quốc có lương tri cực lực phản đối hành động hạ đặt giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam.

“Đổi trắng thay đen” hay “lỗi” tuyên truyền?

Có một thực tế là người Việt Nam hiểu về Trung Quốc nhiều hơn là người Trung Quốc hiểu về Việt Nam. Tại sao như vậy? Theo ông Phúc, vấn đề này là do truyền thông. Các tổ chức, cơ quan của Việt Nam đã làm rất tốt công tác tuyên truyền về tình hữu nghị với Trung Quốc. Trong khi đó, giới truyền thông của Trung Quốc đưa rất ít tin tức, đặc biệt là những tin tích cực về Việt Nam cũng như quan hệ giữa hai nước.

Một trong những căn nguyên khiến nhiều người dân Trung Quốc chưa lên tiếng ủng hộ chính nghĩa, ủng hộ Việt Nam là do nhiều người Trung Quốc không có đầy đủ thông tin. “Ví dụ như về việc Trung Quốc luôn khẳng định về “đường lưỡi bò” sai trái, rất nhiều người dân Trung Quốc không hiểu vấn đề này. Chúng tôi từng gặp và giải thích cho nhiều người Trung Quốc về Hoàng Sa, Trường Sa và “đường lưỡi bò” là gì. Sau khi hiểu rõ, họ đều nói rằng “Trung Quốc làm như thế là vô lý, là sai”, ông Phúc nói. Rồi ông đưa thêm ví dụ, gần đây nhất, học giả Trung Quốc Lý Lệnh Hoa cũng nhấn mạnh trong nhiều bài viết của mình rằng “đường lưỡi bò”  là sai trái và Trung Quốc phải tôn trọng UNCLOS 1982.

Việc người dân Trung Quốc “đói” thông tin về Việt Nam, về chủ quyền của Việt Nam, chính là lỗi ở hệ thống tuyên truyền của Trung Quốc. Một thực tế, truyền thông Trung Quốc đã đưa tin sai trái, thậm chí vu khống hoàn toàn về những gì đang diễn ra trên Biển Đông. Thử hỏi, cách thức đưa thông tin theo kiểu “đổi trắng thay đen” có hệ thống như vậy thì làm sao người dân có thể tiếp cận thông tin, tiếp cận sự thật. “Trong mấy ngày qua, nếu như đa số người dân Trung Quốc hiểu đúng tình hình thực tế, chắc chắn họ sẽ không đồng tình với việc làm này”, ông Phúc nhận định.

Theo phân tích của ông Bùi Hồng Phúc, chỉ có hòa bình, hữu nghị mới có lợi cho nhân dân hai nước Việt - Trung. Ông khẳng định, Việt Nam tôn trọng Trung Quốc và làm hết sức mình gìn giữ, vun đắp tình hữu nghị giữa hai nước. "Nhiều người cho rằng Việt Nam yếu mềm, nhưng tôi khẳng định không có chuyện Việt Nam yếu mềm. Việt Nam hết sức kiềm chế trước việc làm của Trung Quốc. Tất nhiên sự kiềm chế đó cũng có giới hạn. Việt Nam luôn mong muốn hai bên cùng nhau giải quyết vấn đề một cách hòa bình. Tôi nghĩ rằng, đó cũng chính là nguyện vọng của nhân dân Trung Quốc để tạo môi trường hòa bình, ổn định phục vụ sự phát triển đất nước của Trung Quốc và Việt Nam. Điều này, trong bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị cấp cao ASEAN vừa qua tại Mi-an-ma cũng đã từng nhấn mạnh: Việt Nam đã hết sức kiềm chế, chân thành bày tỏ mọi thiện chí, sử dụng mọi kênh đối thoại, giao thiệp với các cấp khác nhau của Trung Quốc để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu vũ trang, tàu quân sự ra khỏi vùng biển của Việt Nam", ông Phúc nói.

Theo QĐND

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang