Trung Quốc: Nhái từ súng AK 47 đến xe tăng T-54

author 14:43 09/09/2015

(VietQ.vn) - Ngành công nghiệp sao chép vũ khí của Trung Quốc đã có hơn 50 năm nay, chủ yếu sản xuất các loại vũ khí, khí tài sao chép mẫu của Liên Xô và Nga. Vũ khí Liên Xô từ lâu nổi tiếng về chất lượng ngang ngửa phương Tây, Mỹ và quan trọng là giá rẻ.

Theo tin tức từ báo Thanh Niên, Trung Quốc không chỉ là nước đứng đầu thế giới về sao chép các mặt hàng công nghiệp và tiêu dùng, mà còn là nơi sao chép công nghệ quân sự nước ngoài từ súng trường đến máy bay, UAV và hệ thống phòng không, chủ yếu của Liên Xô và Nga, theo một bài viết trên website Đài truyền hình quân đội Zvezda (Nga) ngày 30/5.

Sĩ quan lực lượng đặc biệt về hưu Andrei Zakharov cho biết khi xảy ra cuộc chiến ở Bắc Caucasus và lúc tình trạng tội phạm lan tràn những năm 1990, súng AK của Trung Quốc xuất hiện rất nhiều tại đây nhưng ít ai dám sử dụng vì chất lượng kém, chẳng hạn súng bắn vài loạt thì bị vỡ nòng, bị hỏng hóc…

Tuy vậy súng AK Trung Quốc vẫn phổ biến ở các điểm nóng xung đột trên thế giới vì giá rẻ, từ châu Phi, Trung Đông, Syria…, thậm chí phiến quân IS cũng xài AK Trung Quốc. Người ta ước tính số vũ khí cá nhân do Trung Quốc sản xuất lên đến hàng triệu và số lượng đạn thì không đếm xuể. “Bí mật là rất đơn giản: Sản xuất với giá rẻ, số lượng nhiều, giao hàng đến mọi nơi có thể”, theo kỹ sư về súng cá nhân Andrey Makarov.

Sung AK 47 phiên bản Trung Quốc có giá rất rẻ

Súng AK 47 phiên bản Trung Quốc có giá rất rẻ. Ảnh: Thanh Niên

Cuối những năm 1950, Liên Xô cung cấp cho Trung Quốc một số lượng xe thiết giáp lội nước hạng nhẹ PT-76, sau đó Trung Quốc sao chép và cải tiến thành mẫu xe lội nước riêng “made in China” gọi là Type 63. Loại xe này chỉ khác là có thêm tháp pháo tăng với khẩu pháo lớn 85 mm, được xem là cuộc hôn nhân giữa xe PT-76 và xe thiết giáp BTR-50PK.

Từ những năm 1970, Trung Quốc sao chép mẫu xe tăng T-54, T-55 và gọi đó là mẫu tăng Type 59. Đến năm 1983, sản lượng xe tăng Type 59 đạt 1.700 xe/năm, tức mỗi ngày chế tạo được 5 chiếc, đạt kỷ lục sản xuất ngang ngửa với Liên Xô. Xe tăng Type 59 của Trung Quốc đang được sử dụng nhiều ở Trung Đông, Mỹ Latinh, Syria.

Bên cạnh đó, dù nhiều vũ khí nhái giá rẻ, báo cáo thường niên do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố hôm qua cho thấy tổng giá trị buôn bán vũ khí toàn cầu được tính bằng con số hàng tỷ USD, tăng 16% trong giai đoạn 2010-2014 so với 5 năm trước. Theo đó, Trung Quốc vượt mặt nhiều ông lớn vươn lên trở thành nhà xuất khẩu vũ khí thứ ba thế giới, báo VnExpress đưa tin. 

Một quan chức quốc phòng Nhật Bản cho biết một số mẫu chiến đấu cơ phản lực Trung Quốc vẫn tồn tại những điểm yếu không có lợi cho xuất khẩu. Điển hình là hệ thống động cơ và điện tử hàng không vẫn phải dựa vào kỹ thuật của nước ngoài. "Họ có thể chế tạo ra hệ thống động cơ vận hành được trong phòng thí nghiệm, nhưng vẫn chưa thể sản xuất hàng loạt được, bởi còn thiếu kinh nghiêm", ông này nói.

"Nhiều quốc gia không thật sự ưa chuộng các hệ thống vũ khí của Trung Quốc, nhưng cơ bản họ vẫn là một nhà sản xuất cứu cánh", New York Times dẫn lời ông Richard Bitzinger, chuyên gia phân tích tại Học viện Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam, Singapore, đánh giá.

"Hầu hết vũ khí của Trung Quốc không thể tạo ra những ảnh hưởng lớn tới năng lực quân sự của một quốc gia", ông Bitzinger nhấn mạnh. "Rất khó để tìm thấy một hệ thống vũ khí nào của nước này đủ khả năng trở thành một con bài chiến lược có thể thay đổi thế cân bằng sức mạnh của một khu vực nào đó".

Thái Hà (T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang