Trung Quốc sẽ đứng bên lề cuộc chiến chống IS?

author 15:21 22/11/2015

(VietQ.vn) - Chính phủ Trung Quốc lên án hành động sát hại công dân nước này của IS, nhưng Bắc Kinh vẫn bỏ ngỏ khả năng tham gia liên minh chống IS.

Sự kiện: Khủng bố IS

Theo báo Người Lao Động, hôm 18/11 vừa qua, khủng bố IS tuyên bố đã hành quyết 2 con tin là Fan Jinghui (quốc tịch Trung Quốc) và Ole Johan Grimsgaard-Ofstad (người Na Uy). Phản ứng của chính phủ Trung Quốc lại khá ngắn gọn. Bộ Ngoại giao nước này lên án hành động bắt cóc và giết người của IS và tuyên bố sẽ “đưa thủ phạm ra trước công lý”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong khi đang tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Manila - Phillippines đã nhắc lại rằng chủ nghĩa khủng bố là “kẻ thù chung của nhân loại” và nhấn mạnh “Trung Quốc phản đối mọi hình thức khủng bố và chắc chắn sẽ mạnh tay đối với bất kỳ hoạt động khủng bố bạo lực nào”.

Trên các trang mạng xã hội, cái chết của con tin người Trung Quốc đầu tiên dưới tay IS đã trở thành một trong những đề tài đang được bàn tán nhiều nhất. Cư dân mạng tỏ ra sốc và kinh hãi, đồng thời gọi IS là “bệnh hoạn”.

Tuy nhiên, khi bàn về việc chính phủ Trung Quốc nên làm gì trước động thái này của IS thì ý kiến của dư luận lại có sự chia rẽ. Nhiều người kêu gọi Trung Quốc nên có sự can thiệp đế tấn công IS giống như cách Nga đang làm và cho rằng “chỉ lên án thì cũng như không, cần phải hành động”.

Trong khi đó, không ít ý kiến nhấn mạnh Bắc Kinh cần phải hết sức thận trọng. Một người nói: “Trung Quốc không muốn bất cứ gì từ cuộc khủng bố ở Syria. Nếu Trung Quốc có hành động trả thù thì chỉ sợ rằng thảm kịch vừa xảy ra ở Pháp sẽ lặp lại ở Trung Quốc”. Một ý kiến khác viết: “Châu Âu đương nhiên muốn Trung Quốc tham chiến nhưng chúng ta không tạo ra IS, nếu chúng ta tham chiến thì có thể sẽ gặp rắc rối lớn”.

chống khủng bốKhả năng Trung Quốc tham gia liên minh không kích IS là rất thấp

Mới đây, tờ Nhân dân nhật báo cho biết Trung Quốc gần như sắp cứu được ông Fan thì cuộc không kích của Nga và Pháp diễn ra, làm đứt các đầu mối liên lạc và làm hỏng kế hoạch giải cứu của nước này.

Báo Thanh niên thông tin thêm, Trung Quốc trước đó đã giải cứu các công nhân bị bắt cóc ở những nơi như Pakistan và châu Phi, dù giới ngoại giao cho rằng điều đó thường đạt được bằng cách trả tiền chuộc cho những kẻ bắt cóc.

Trung Quốc có xu hướng “nhường” hoạt động ngoại giao ở Trung Đông cho 4 nước thành viên thường trực còn lại của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ), gồm Mỹ, Anh, Pháp và Nga, đảm trách. “Trung Quốc sẽ không làm điều gì ngoài sự cho phép của LHQ”, Reuters dẫn một nguồn tin am tường tư duy ngoại giao của Bắc Kinh cho biết. Nguồn tin này cũng bác bỏ khả năng lực lượng giải cứu của quân đội Trung Quốc thực hiện các cuộc đột kích bí mật ở Syria.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước đó đã tuyên bố nước này đã kích hoạt một cơ chế khẩn cấp nhằm giải cứu con tin họ Fan nhưng không tiết lộ chi tiết. Bộ này cũng mạnh miệng tuyên bố sẽ “đưa những tên tội phạm ra trước công lý”. Theo đài CNN, Trung Quốc có thể sẵn sàng tăng cường hợp tác toàn cầu sau những diễn biến gần đây, nhưng cơ may nước này hành động theo hướng quân sự nhiều hơn trong cuộc chiến chống IS là rất mỏng.

“Tôi nghĩ cả chính quyền lẫn người dân Trung Quốc đều không sẵn sàng cho chuyện này”, giáo sư Tạ Thao thuộc Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh nói với CNN. Ông này cho rằng chính phủ Trung Quốc sợ những hậu quả của việc can thiệp quân sự ở nước ngoài. “Liệu người Trung Quốc có sẵn sàng nhìn thấy những chiếc quan tài phủ quốc kỳ Trung Quốc hay không? Liệu người dân có sẵn sàng nhìn thấy con trai và con gái của họ chết trên chiến trường nước ngoài, chiến đấu chống lại những kẻ khủng bố hay không?”, ông nói thêm.
Thu Thủy (T/h)
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang