‘Trung Quốc thu mua nông sản để xuất khẩu ngược là điều nguy hiểm’

author 12:24 09/06/2015

(VietQ.vn) - Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho rằng, việc Trung Quốc thu mua nông sản Việt Nam để xuất khẩu sang các nước khác “là điều nguy hiểm mà chúng ta đang phải đối mặt”.

Tham gia giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận kinh tế xã hội ngày 8/6, Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh đã đưa ra những phân tích rõ ràng, chuyên sâu về ảnh hưởng của việc Trung Quốc thu mua nông sản Việt Nam để xuất khẩu ngược sang các nước khác đối với sự chênh lệch giá trị xuất nhập khẩu giữa nước ta và nước bạn.

Báo Vietnamnet dẫn lời Bộ trưởng cho hay có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, do thống kê các nước khác nhau. Thứ hai, do hàng hóa của Việt Nam (điển hình như nông sản) xuất vào mỗi nước không tính giá trị xuất khẩu qua đường tiểu ngạch, không phải là buôn lậu mà có qua hải quan, Trung Quốc không tính con số đó.

Ví dụ, Việt Nam năm 2014 tính xuất khẩu nông sản chủ yếu gạo 2,14 tỷ USD, Trung Quốc cũng tính mặt hàng này nhưng chỉ ghi nhận 0,7 tỷ USD. Trong 7 triệu tấn gạo xuất khẩu của Việt Nam, thị trường Trung Quốc nhập 2,5 triệu tấn chiếm gần 30% nhưng nhập chủ yếu qua đường tiểu ngạch.

Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh quan ngại về việc Trung Quốc thu mua nông sản Việt Nam rồi xuất ngược lại sang các nước khác

Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh quan ngại về việc Trung Quốc thu mua nông sản Việt Nam rồi xuất ngược lại sang các nước khác

Giá trị hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị phía bạn tính thấp đi, ngược lại giá trị xuất khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam lại được tính cao lên do tính theo nguyên tắc xuất xứ hàng hoá (C/O).

Cụ thể, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh lấy ví dụ Việt Nam xuất khẩu 40.000 tấn vải nhưng lại báo cáo chỉ có 4.000 tấn do xuất theo tiểu ngạch. Trong khi trên thực tế, lượng vải Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc lớn hơn nhiều, nước bạn lại đóng gói xuất vải sang nước khác nhưng lại lấy thương hiệu của họ. ừ đó, Trung Quốc tính là C/O và xuất sang Myamar.

Tương tự chè Việt Nam được mua về rồi lại đóng gói và mang thương hiệu của nước họ. Có những nước cũng giả sản xuất thương hiệu hàng hoá uy tín của Việt Nam như phích nước Rạng Đông được các thương lái đặt hàng số lượng lớn tại Trung Quốc rồi xuất ngược trở về Việt Nam.

"Đó là điều nguy hiểm mà chúng ta cũng đang phải đối mặt" - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhận xét khi bàn về việc Trung Quốc thu mua nông sản Việt Nam rồi xuất khẩu ngược sang các nước khác với thương hiệu của nước họ.

Trên thực tế những năm qua, lượng nông sản Việt Nam được thương lái Trung Quốc thu mua rất lớn và giá thu mua không cao, thậm chí là rất thấp so với giá họ xuất khẩu lại sang các thị trường khác. Trước tình hình đó, doanh nghiệp Việt Nam đã tiến hành thu mua nông sản Việt Nam với giá cao hơn của thương lái Trung Quốc để phần nào hạn chế tình trạng ‘chảy máu nông sản’.

Việc Trung Quốc thu mua nông sản Việt theo đường tiểu ngạch ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị xuất nhập khẩu

Việc Trung Quốc thu mua nông sản Việt theo đường tiểu ngạch ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị xuất nhập khẩu

Mới đây nhất, thương lái Trung Quốc đang lập một số điểm cân vải tại Thanh Hà (Hải Dương) và thu mua với giá khoảng 8.000 đồng một kg. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam  về tận vườn trả cho bà con tối thiểu 10.000 đồng, thậm chí có ngày lên tới 15.000 đồng.

Trao đổi với báo VnExpress, ông Nguyễn Đình An - trưởng nhóm trồng tại xã Hoàng Hoa Thám, thị xã Chí Linh, Hải Dương cho biết từ đầu tháng đến nay, doanh nghiệp tại TPHCM đã bao tiêu khoảng 18 tấn quả cho các hộ trồng. Sản lượng còn thấp so với diện tích 10 ha được quy hoạch đạt tiêu chuẩn của địa phương, song bù lại giá bán cao hơn mọi năm 1.000-2.000 đồng mỗi kg.

"Giá biến động từng ngày nhưng xu hướng chung là tăng lên, thậm chí có ngày riêng lô vải thu mua đi Mỹ, Australia đã được doanh nghiệp trả với mức 15.000 đồng mỗi kg”, vị này cho hay.

Trong khi đó, tại vùng vải Thanh Hà, một số thương lái Trung Quốc bắt đầu thu mua ở các điểm cân ven đường quốc lộ.  Một số hộ trồng sốt ruột khi chưa được doanh nghiệp thông báo thu mua, nên cũng tìm đến đây bán cho các mối Trung Quốc.

Theo chia sẻ của người dân địa phương, tầm này mọi năm hơn 100 hộ đã đồng loạt thu hoạch bán cho thương lái Trung Quốc, song năm nay do đã cam kết với trước với doanh nghiệp nên phải giữ cố đợi vừa giữ chữ tín vừa được giá.

Giá vải thiều tại Hải Dương đang được doanh nghiệp thu mua cao hơn 10% so với tiểu thương Trung Quốc

Giá vải thiều tại Hải Dương đang được doanh nghiệp thu mua cao hơn 10% so với tiểu thương Trung Quốc

Bàn về việc doanh nghiệp còn chậm thu mua vải ở một số nơi, ông Mai Xuân Thìn - Giám đốc Công ty Rồng Đỏ cho biết theo kế hoạch, 3 tấn vải thiều đầu tiên xuất sang Australia phải được thu hoạch vào ngày 4/6. Tuy nhiên khi kiểm tra, dư lượng chất bảo vệ thực vật chưa đạt, kích thước quả và hàm lượng đường chưa đủ nên thời gian thu hoạch lùi lại 3 ngày .

“Đến khi thu hoạch thì trời lại mưa to ảnh hưởng đến chất lượng quả, việc thu mua cũng khó khăn. Hai ngày qua, công ty chỉ thu được vài tấn quả tại Hải Dương. Vài ngày tới chúng tôi sẽ tiếp tục thu mua để bà con yên tâm đồng thời kịp lượng hàng xuất vào 10/6", vị này lý giải.

Về mức giá, ông Thìn cho biết, do thị trường quyết định, song doanh nghiệp luôn đúng với cam kết trước đó là giá tối thiểu 10.000 đồng mỗi kg. "Tới đây, khi thu hoạch rộ, thương lái Trung Quốc sẽ cần nguồn hàng có thể trả giá cao hơn, chúng tôi vẫn đảm bảo mua chênh 10% so với thị trường", ông khẳng định.

Minh Thùy (T/h)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang