Trung Quốc tuyên bố tăng cường khai thác năng lượng trên Biển Đông và Hoa Đông

author 06:35 21/11/2014

(VietQ.vn) - Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố tăng cường khai thác dầu khí trên Biển Đông, Hoa Đông và Bột Hải để đáp ứng nhu cầu năng lượng khổng lồ, một động thái khiến tình hình Biển Đông tiếp tục căng thẳng và phức tạp.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất trên báo chí, Văn phòng Quốc vụ viện Trung Quốc vừa công bố “Kế hoạch hành động chiến lược phát triển năng lượng (2014 - 2020)”, trong đó cho biết nước này sẽ đẩy mạnh chiến lược thăm dò khai thác dầu khí tại Biển Đông, Biển Hoa Đông, biển Bột Hải.

Tờ Nhân dân Nhật Báo (Trung Quốc) đưa tin, kế hoạch hành động chỉ ra rằng, yêu cầu ổn định từng bước nâng cao sản lượng dầu khí quốc nội, tăng cường khai thác dầu khí tại khu vực cận biển ở Biển Đông, biển Hoa Đông, biển Bột Hải, nhanh chóng đột phá về năng lực tự chủ chế tạo các trang thiết bị và kỹ thuật khai thác dầu khí.

Trung Quốc đưa trái phép giàn khoan dầu Nam Hải 09 vào khu vực Biển Đông Việt Nam

Trung Quốc đưa trái phép giàn khoan dầu Nam Hải 09 vào khu vực Biển Đông Việt Nam. Ảnh Dân Trí

Kế hoạch hành động đề cập tới việc Trung Quốc sẽ củng cố các mỏ dầu cũ, đầu tư thăm dò khai thác các mỏ dầu mới trên biển, đột phá trong các mỏ dầu trên biển, xây dựng 9 mỏ dầu lớn có trữ lượng 10 triệu tấn như mỏ Đại Khánh, Liêu Hà, Tân Cương, Tháp Lý Mộc, Thắng Lợi, Trường Khánh, Bột Hải, Nam Hải (Biển Đông), Diên Trường.

Đồng thời, Trung Quốc muốn ổn định về sản lượng khai thác ở các mỏ dầu cũ phía đông, tích cực phát triển kỹ thuật khai thác dầu tiên tiến, nâng cao tỷ lệ khai thác dầu thô; ngoài ra cần tích cực công tác thăm dò địa chất nhằm phát hiện ra các mỏ dầu khí mới, khắc phục khó khăn công nghệ thăm dò khai thác, mở rộng khu vực tăng trưởng trữ lượng và sản lượng mới.

Bên cạnh đó, kế hoạch hành động này còn nêu rõ việc khai thác dầu khí trên biển của Trung Quốc sẽ dựa vào phương châm “lấy gần nuôi xa, xa gần kết hợp, tự chủ khai thác và hợp tác với nước ngoài”, tăng cường thăm dò khai thác ở khu vực biển Đông, biển Hoa Đông, biển Bột Hải, tăng cường phân tích tình hình khai thác dầu khí nước sâu ở Biển Đông, tích cực thúc đẩy hợp tác và mời thầu các công ty dầu khí nước ngoài trong khai thác dầu khí nước sau, nhanh chóng đột phá về kỹ thuật và trang bị thăm dò khai thác dầu khí để đẩy mạnh nâng cao sản lượng dầu khí trên biển.

Trung Quốc ngang nhiên mời thầu dầu khí trong phạm vi Biển Đông Việt Nam

Trung Quốc ngang nhiên mời thầu dầu khí trong phạm vi Biển Đông Việt Nam. Ảnh minh họa

Với kế hoạch hành động này, trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ tăng cường công tác khai thác thăm dò dầu khí ở Biển Đông và biển Hoa Đông nhằm tìm ra các mỏ dầu khí mới, đáp ứng cơn khát năng lượng của Trung Quốc.

Cũng trong thời gian này, Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 6 đã bế mạc tại Đà Nẵng. Sau hai ngày thảo luận, gần 200 học giả, chuyên gia trong nước và quốc tế đã vẽ ra bức tranh toàn cảnh cho vấn đề Biển Đông hiện nay. Với tầm quan trọng chiến lược, biển Đông trở thành không gian cạnh tranh gián tiếp giữa các cường quốc và là "nguồn cơn" làm phức tạp thêm tình hình.

Cụ thể, Trung Quốc được dự đoán có tham vọng nâng tầm năng lực biển và sức mạnh hải quân của mình nhằm cho thế giới thấy sự hữu hình của một siêu cường. Trong khi đó, Mỹ cũng không dễ gì nhường lại khu vực Biển Đông cho Trung Quốc, bởi đi kèm với đó là lợi ích của nước này ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương dù mới đây hai bên đã có tuyên bố giảm đối đầu về quân sự.

Tình hình Biển Đông được dự đoán tiếp tục diễn biến căng thẳng và phức tạp

Tình hình Biển Đông được dự đoán tiếp tục diễn biến căng thẳng và phức tạp. Ảnh minh họa

Chính tham vọng trở thành cường quốc biển tại Hoa Đông và Biển Đông đã khiến Trung Quốc có quan niệm mới về cấu trúc an ninh khu vực châu Á, và tình hình trở nên phức tạp thêm khi sự cạnh tranh giữa các nước lớn trong khu vực ngày càng trở nên gay gắt.Phát biểu trong hội nghị, ông Anup Singh, nguyên Tư lệnh Hạm đội Hải quân miền Đông Ấn Độ cho biết, nhận định môi trường địa chính trị tại biển Đông chắc chắc đã thay đổi theo hướng xấu đi trong vòng 5 năm qua.

Lo ngại gia tăng cùng với việc Trung Quốc tăng sức mạnh hải quân và quyết đoán hơn trong các yêu sách chủ quyền. Đó là lý do tại sao các quốc gia trong khu vực đã bắt đầu một chiến dịch hiện đại hóa và mở rộng hoạt động quân sự, dấu hiệu của cuộc chạy đua vũ trang mới đang hiển hiện.

Về phần mình, Giáo sư Robert Beckman và Tiến sĩ Phan Huy Thảo đến từ Trung tâm Luật Quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore nhấn mạnh, việc Trung Quốc thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông ngày 23/11/2013, chồng lấn lên vùng ADIZ trước đó của Nhật Bản, Hàn Quốc gây ra nhiều quan ngại và vấp phải sự chỉ trích từ các nước cũng như các nhà bình luận trong khu vực.

Trung Quốc rất có thể sẽ thiết lập vùng nhận dạng phòng không trái phép trên Biển Đông như với biển Hoa Đông

Trung Quốc rất có thể sẽ thiết lập vùng nhận dạng phòng không trái phép trên Biển Đông như với biển Hoa Đông. Ảnh minh họa

Bài tham luận của hai chuyên gia này nêu rõ, nếu Trung Quốc đã tuyên bố ADIZ ở vùng biển Hoa Đông thì khả năng họ tuyên bố ADIZ ở biển Đông trong thời gian tới là có thể xảy ra, khi đó, tình hình sẽ hết sức phức tạp. Nó cũng sẽ dẫn đến các xung đột khiến cho hoà bình và an ninh khu vực trở nên phức tạp và khó giải quyết. Vì lợi ích hoà bình và ổn định khu vực, các quốc gia liên quan không nên tuyên bố và thực hiện ADIZ.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia dự báo, các quốc gia sẽ tìm kiếm biện pháp pháp lý, thay cho những cuộc chạy đua vũ trang cho vấn đề Biển Đông. Từ đó dẫn đến việc định hướng lại các liên minh, và khả năng xảy ra cạnh tranh "không tốt đẹp" trên biển sẽ cao hơn.

Ông Đặng Đình Quý, giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, khẳng định những biến chuyển to lớn ở phạm vi toàn cầu và khu vực đang tác động trực tiếp và gián tiếp tới nhận thức, lợi ích, chiến lược và chính sách của tất cả các bên, tạo ra rất nhiều "khoảng mờ" trong không gian địa chính trị ở biển Đông, làm gia tăng nghi kị và nguy cơ rủi ro tính toán sai lầm, nhất là sai lầm về chiến lược, với các hệ lụy khó lường.

Minh Thùy (tổng hợp từ Vnexpress, Dân Trí)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang