Trung Quốc và chiến lược ‘chơi cờ vây’ ở Biển Đông

author 06:32 18/11/2014

(VietQ.vn) - Tình hình Biển Đông hiện nay cho thấy Trung Quốc đang áp dụng chiến lược đánh cờ vây trên Biển Đông, tiến tới hiện thực hóa yêu sách phi lý và thậm chí là thành lập vùng nhận dạng phòng không ở khu vực này.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Trung Quốc đang ‘chơi cờ vây’ trên Biển Đông

Những tin tức mới nhất trên báo chí dẫn lời Tiến sĩ Alexander Vuving, Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ, nhận xét rằng ở Biển Đông, Trung Quốc chưa sử dụng lực lượng lớn hay đối đầu cứng rắn mà dùng những phương tiện mềm hơn, gây khó khăn cho các bên nào muốn đối phó.

Điều này tương tự như trong cờ vây, không có các quân cờ như Tướng hay Tốt như cờ vua, chỉ có các quân cờ giống hệt nhau, tìm cách giành được lợi thế từ vị trí của chúng trên bàn cờ. Nếu cờ vua là nhằm tích lũy sức mạnh và tiêu hao lực lượng đối phương, thì cờ vây là nhằm chiếm đoạt và củng cố các vị trí chiến lược.

Trung Quốc tăng cường các hoạt động xây dựng trái phép trên Biển Đông Việt Nam

Trung Quốc tăng cường các hoạt động xây dựng trái phép trên Biển Đông Việt Nam. Ảnh minh họa

Theo ông Vuving, Trung Quốc sẽ lần lượt áp dụng 3 sách lược: Thứ nhất là tránh xung đột quân sự hết mức có thể, chỉ gây xung đột để lợi dụng một tình thế thuận lợi đang có sẵn. Tiếp đó là phải kiểm soát hầu hết các vị trí chiến lược ở khu vực, nếu chưa chiếm giữ được thì phải nắm lấy kể cả bằng cách lén lút. Cuối cùng là phát triển những vị trí này thành các điểm trọng yếu, biến thành những trung tâm về hậu cần, các căn cứ triển khai sức mạnh có hiệu quả.

Điều này lý giải cho việc Trung Quốc đang đẩy mạnh việc khai hoang và xây dựng ở Trường Sa thời gian gần đây. Ông Vuving khẳng định, lựa chọn đầu tiên của Trung Quốc là đá Chữ Thập, đây là nơi có vị trí lý tưởng vì nằm ở cửa ngõ phía tây của quần đảo Trường Sa, và là một trong số ít các đá ở Trường Sa gần với tuyến hàng hải chính.

Sau hoạt động cải tạo, bồi đắp của Trung Quốc, đá Chữ Thập sẽ có diện tích dự kiến là 2 km vuông, cho phép Bắc Kinh xây dựng sân bay, hải cảng cho tàu trọng tải 5.000 tấn, trạm radar, triển khai tên lửa đất đối không tầm trung và tầm xa. Cơ sở hạ tầng ở đây cũng hỗ trợ hàng trăm tàu cá, tàu tuần tra, tàu chiến và chiến đấu cơ, Vuving dự đoán.

Dư luận lo ngại trước khả năng Trung Quốc xây dựng vùng nhận dạng phòng không trái phép trên Biển Đông

Dư luận lo ngại trước khả năng Trung Quốc xây dựng vùng nhận dạng phòng không trái phép trên Biển Đông. Ảnh minh họa

Từ các đá Xu Bi, Ga Ven, Gạc Ma và Châu Viên, Trung Quốc có thể kiểm soát một khu vực hàng hải rộng lớn. Bằng các đảo được "hóa phép" đá, Trung Quốc sẽ có tiềm năng hơn bất kỳ nước nào trong việc giành được lợi thế về hải quân ở Biển Đông

“Chiến lược này giúp Trung Quốc trở thành thế lực mạnh ở Biển Đông, biến những đá này thành các cơ sở vững mạnh và có thể triển khai vô số tàu thuyền, cả quân sự và bán quân sự, cả trên nước và dưới ngầm, cả máy bay có người lái và không người lái tới khu vực này”, ông Vuving nói.

Indonesia khẳng định tầm quan trọng của hòa bình ở Biển Đông

Trong khi đó, trả lời phóng vấn trên các phương tiện truyền thông bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brisbane, Australia, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi chia sẻ, Jakarta hy vọng tất cả các nước có liên quan tới Biển Đông duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Bà Retno Marsudi đã khẳng định quan điểm nói trên khi đề cập tới chính sách đối ngoại của Chính phủ mới ở Indonesia trong nhiệm kỳ 2014-2019.

Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi chia sẻ quan điểm của Jakarta về vấn đề Biển Đông

Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi chia sẻ quan điểm của Jakarta về vấn đề Biển Đông. Ảnh AFP

Bà Retno Marsudi nhấn mạnh hòa bình và ổn định trong khu vực là điều kiện cần thiết để đạt được mục tiêu tăng cuờng kết nối-hội nhập khu vực và toàn cầu của Indonesia trong thực hiện chiến lược “Trục hàng hải” của Tổng thống Joko Widodo, và điều này chỉ có thể đạt được với thiện chí và nỗ lực chung của tất cả các bên liên quan trong khu vực.

Đồng thời, bà nêu rõ Indonesia là một trong những nước đi đầu và đang tích cực thúc đẩy về một Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với sự nhất trí chung trên cơ sở đảm bảo lợi ích và không gây tổn hại đến bất kỳ bên nào trong khu vực.

Việc Indonesia sẽ tiếp tục theo đuổi quan điểm rõ ràng này đã được Tổng thống Joko Widodo nhắc lại một lần nữa tại tất cả các hội nghị thượng đình của APEC, ASEAN, ASEAN+, EAS và G20.

Minh Thùy (tổng hợp từ Vnexpress, Vietnam+)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang