"Trung thu bây giờ méo mó, biến dạng nhiều lắm"

author 06:48 18/08/2013

(VietQ.vn) - Tiến sĩ Vũ Đức Tâm, nhà nghiên cứu văn hóa, nguyên đại sứ văn hóa của Việt Nam tại trụ sở UNESSCO (Pháp) nhận định: "Trung thu bây giờ đã bị méo mó và biến dạng đi nhiều lắm"

Sự kiện: Bệnh ung thư và cách phòng tránh

Trao đổi với Chất lượng Việt Nam về ý nghĩa của ngày Tết trung thu, Tiến sĩ Vũ Đức Tâm, nhà nghiên cứu văn hóa, nguyên đại sứ văn hóa của Việt Nam tại trụ sở UNESSCO (Pháp) cho biết: “Tết Trung thu là lễ hội trăng tròn, được tổ chức vào đêm 15/8 âm lịch hằng năm. Vào trung tuần tháng Tám âm lịch trong năm, quỹ đạo mặt trăng nằm ở quỹ đạo thấp nhất so với đường chân trời, nên mặt trăng sáng và lớn hơn so với các thời điểm khác trong năm, nếu nhìn từ trái đất. Vì vậy theo tục truyền, đến ngày này cha mẹ bày cỗ trung thu gồm bánh (dẻo, nướng), kẹo, hoa quả chủ yếu là bưởi, mía để gia đình cùng ngắm trăng rằm và phá cỗ. Một cái Tết Trung thu cổ truyền vẫn gắn vào ký ức của bao thế hệ.

Mô tả ảnh.
"Bánh trung thu không phải mua vài cái về để gia đình cùng cắt ra ăn ngắm trăng nữa mà người ta làm ra để mang đi biếu, tặng"

Trước kia, ngày rằm  trung thu, mỗi gia đình mua về vài cái, bày lên thắp hương ông bà rồi đem xuống cắt bánh ra cho cả nhà cùng ngắm trăng, cùng ăn cỗ trung thu. Gọi là cỗ trung thu nhưng thực chất chỉ có bánh, vài loại trái cây rồi cả gia đình ngồi quây quần trò chuyện. Vì thế mà bánh còn có ý nghĩa gọi là, “bánh trăng”, hay “bánh đoàn” (ý nghĩa đoàn viên). Thời ấy, “bánh trăng” ngon hay dở, đắt hay rẻ tôi chẳng nhớ bao nhiêu nhưng hầu như đứa trẻ nào cũng được một cái bánh nho nhỏ, cho dù có những gia đình cũng chẳng dư giả gì”.

Ông Tâm cho rằng: “Bánh trung thu bây giờ thì rất khác và phong phú hơn hẳn. Nhìn thôi cũng hoa cả mắt khi nào bánh thập cẩm, bánh đậu xanh, đậu đỏ, bánh vi cá, gà quay, dăm bông, trà xanh, chocolate… bánh dành cho người ăn chay, bánh dành cho người ăn kiêng, bánh dành cho người bị tiểu đường… Bánh nhiều thể loại, nhưng mẫu mã, kiểu bánh, hộp bánh cũng đa dạng cầu kỳ không kém.

Nhưng mà phú quý sinh lễ nghĩa. Bánh trung thu không phải mua vài cái về để gia đình cùng cắt ra ăn ngắm trăng nữa mà người ta làm ra để mang đi biếu, tặng. Chính vì vậy mà tính thương hiệu, vẻ bề ngoài rất được coi trọng. Hộp bánh bốn cái, có khi cả mấy triệu đồng. Loại bình dân thì cũng cả gần triệu đồng một hộp. Vậy nên mới có chuyện, mang bánh trung thu đi tặng trẻ em nghèo… Bởi nó đã được liệt vào thứ hàng xa xỉ với chúng. Vài chục ngàn một chiếc cũng khó mà mua được, huống hồ gì cả hàng trăm, thậm chí hàng triệu đồng mới được một cái bánh”.

“Nhưng có một điều lạ là: những người mua những hộp bánh đắt tiền kia, phần nhiều họ cũng không mang về cho gia đình ăn, mà là đi biếu tặng là chủ yếu. Tôi còn được biết có người được nhận quà tặng cũng cảm ơn trân trọng, nhưng họ thường chẳng buồn ăn mà lại mang đi tặng lại những người muốn ăn nó hơn họ. Một cái vòng luẩn quẩn vì giá trị và chẳng ai gọi là “bánh trăng” nữa. Người ta dường quên hẳn cái tên “bánh đoàn” với ý nghĩa đoàn viên”, ông Tâm nói.

Ông Tâm cũng cho rằng những nét đẹp văn hóa truyền thống của ngày trung thu đang bị mai một dần: “Tôi nghĩ Trung thu bây giờ  đã bị méo mó và biến dạng đi nhiều lắm. Những ý nghĩa tốt đẹp, những thông điệp văn hóa xưa đang bị mai một, thay thế dần bởi sự thực dụng hóa, thị trường hóa. Đây là điều đáng buồn và cũng đáng lo ngại”.

Lưu Thủy

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang