Trước khi lưu thông, thang máy phải đảm bảo yêu cầu nào về chất lượng?

author 13:38 05/08/2017

(VietQ.vn) - Thang máy của hộ gia đình, khu chung cư, nhà ở đặc biệt là các thang máy điện bắt buộc phải đảm bảo về chất lượng trước khi đưa vào sử dụng.

Những sự cố tang máy khiến người dùng “bạt vía”

Vài năm trở lại đây, không ít sự cố kẹt thang máy đã xảy ra tại Việt Nam khiến dư luận không khỏi băn khoăn, lo lắng về chất lượng của thiết bị này. Cụ thể, chiều ngày 21/9/2011, tại chung cư CT3 Constrexim khu đô thị Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) đã xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng. Chiếc thang máy đang vận hành bỗng nhiên mất điện, treo lơ lửng giữa khoảng lưng chừng tầng 4, tầng 5 của tòa nhà. Trong lúc cố gắng tìm cách thoát ra ngoài, nạn nhân Nguyễn Văn Hòa bị trượt chân, rơi thẳng xuống hầm cầu thang và tử vong tại chỗ. Sau vụ tai nạn này, người dân sống tại đây đã đồng loạt "tố" đơn vị quản lý tòa nhà về chất lượng dịch vụ kiểu "treo đầu dê bán thịt chó".

Theo phản ánh của những hộ dân, tòa nhà CT3 đã được xây dựng xong tháng 6/2006. Tuy nhiên, ngay sau khi đưa vào vận hành, hệ thống thang máy của tòa nhà này đã có vấn đề. Chuyện gặp sự cố xảy ra như cơm bữa, lúc thì bị mất điện đang chạy bỗng dưng đứng khựng lại; khi thì hệ thống cửa tự động bị kẹt, không thể sử dụng được; một số nút điều khiển trong thang máy bị rơi, vỡ... Không ít lần, cư dân tòa nhà phản ánh lên tổ bảo vệ và Ban Quản lí tòa nhà, đề nghị sửa chữa, thay mới nhưng không được thực hiện.

Một vụ việc khác xảy ra vào khoảng 17h23 ngày 23/3/2016, 16 người bước vào thang máy tại tầng trệt, khu D khu chung cư 584 (đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú, TP HCM). Thang đóng cửa lại nhưng không hoạt động, nhốt 16 người phía trong.

Khoảng 20 phút sau, Cảnh sát PCCC quận Tân Phú đến hiện trường, dùng các thiết bị chuyên dụng cạy cửa thang máy giải cứu các nạn nhân. Có người ngất xỉu, hoảng loạn sau khi bị nhốt trong thang máy hơn 40 phút.

Lực lượng cứu hộ giải cứu các nạn nhân bị kẹt trong thang máy tại tầng trệt, khu D khu chung cư 584 (đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú, TP HCM). Ảnh: NĐT

Chị Trần Thị Bích Hằng (tổ trưởng khu D, nơi xảy ra sự việc) cho biết, 8 thang máy hoạt động trong khu chung cư thường xuyên hỏng hóc, sự cố lần này là nghiêm trọng nhất. Người dân đã nhiều lần báo cho ban quản lý chung cư và chủ đầu tư nhưng không thấy giải quyết nên đã đóng mỗi hộ 1,5 triệu đồng tự sửa chữa.

Ngày 30/5/2017, một tai nạn đứt cáp thang máy đã khiến 7 người nhập viện tại Quảng Ninh. Theo đó, tại công trình văn phòng và trung tâm thương mại công ty Hùng Thắng Phát (đại lộ Hòa Bình, khu 3, phường Trần Phú) khi tan ca, các công nhân di chuyển bằng thang máy xuống đã gặp sự cố đứt cáp và rơi từ tầng 7 xuống đất, khiến 7 người bị thương.

Nhìn vào những sự cố trên có thể thấy, ngoài những lỗi liên quan đến quá trình vận hành, ý thức người sử dụng hoặc sự cố ngoài ý muốn như mất điện, chất lượng các thang máy không đảm bảo cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến nhưng vụ việc đáng tiếc thậm chí có vụ việc còn gây chết người. Chính vì vậy, việc đảm bảo về chất lượng thang máy đối với nhà ở, công trình, khu chung cư vẫn đang là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Thang máy như thế nào là “chuẩn” và an toàn?

Trên thực tế, thang máy sử dụng đối với gia đình, khu chung cư, nhà ở đặc biệt là các thang máy điện bắt buộc phải đảm bảo theo yêu cầu của những quy chuẩn, tiêu chuẩn riêng biệt về an toàn. Trong đó, kiểm định và công bố chất lượng thang máy điện là một bước không thể thiếu.

Cụ thể, theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn thang máy điện do Cục An toàn lao động biên soạn, trình duyệt và được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành theo Thông tư số 08/2011/TT-BLĐTBXH ngày 22 tháng 4 năm 201 nêu rõ:

Đối với thang máy chế tạo trong nước phải đáp ứng các điều kiện sau: có đủ hồ sơ kỹ thuật (gồm bản thuyết minh chung, bản vẽ lắp các cụm cơ cấu, sơ đồ lắp, sơ đồ nguyên lý hoạt động…); công bố hợp quy; chứng nhận hợp quy; gắn dấu hợp quy trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường; chịu sự kiểm tra giám sát của cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Đối với thang máy nhập khẩu phải đáp ứng các điều kiện sau: bản thuyết minh (catalogue), tài liệu kỹ thuật của thang máy (bản vẽ lắp các cụm cơ cấy, sơ đồ mắc cáp, sơ đồ nguyên lý hoạt động, nơi chế tạo, năm sản xuất, chế độ làm việc; loại dẫn động, điều khiển; số tầng hoạt động, kích thước cabin…); được chứng nhận hợp quy.

Đối với thang máy lưu thông trên thị trường, người bán hàng phải thực hiện các yêu cầu: Tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng trong quá trình bảo quản, lưu thông thang máy; chịu sự kiểm tra chất lượng theo những nội dung, trình tự, thủ tục quy định và bị xử lý nếu có vi phạm theo luật định.

Mỗi thang máy phải có nội quy sử dụng an toàn riêng. Người chịu trách nhiệm quản lý kỹ thuật và quản lý vận hành thang máy phải được huấn luyện cơ bản về nghiệp vụ mà mình đảm nhận; được huấn luyện an toàn lần đầu trước khi giao việc, huấn luyện an toàn định kỳ hàng năm và được cấp thẻ an toàn theo quy định; hiểu được tính năng kỹ thuật của thang máy mà mình phụ trách; biết các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn liên quan đến thang máy; biết cách khắc phục các sự cố khẩn cấp theo hướng dẫn của đơn vị lắp đặt.

 Trước khi đem vận hành, sử dụng, thang máy phải được kiểm định chất lượng một cách chặt chẽ. Ảnh: LVA

Chỉ sử dụng thang máy có tình trạng kỹ thuật tốt, đã được kiểm định kỹ thuật an toàn và đã đăng ký sử dụng với cơ quan quản lý có thẩm quyền. Trường hợp mất điện hoặc đang sửa chữa phải treo biển thông báo tạm ngừng hoạt động ở các tầng dừng và cắt cầu dao điện vào thang máy. Khi vận chuyển loại hàng có khả năng gây cháy, dễ kích thích nổ hoặc độc hại phải có biện pháp phòng ngừa đặc biệt. Cấm vận chuyển các loại hàng này cùng với người.

Thang máy trước khi đưa vào sử dụng phải được kiểm định lần đầu, kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng và kiểm định bất thường. Các thang máy làm việc trong điều kiện làm việc bình thường thì chu kỳ kiểm định không ít hơn 5 năm một lần. Các thang máy làm việc trong điều kiện môi trường ăn mòn, tần suất làm việc cao thì chu kỳ kiểm định không ít hơn 3 năm một lần.

Ngoài ra, theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia (QCVN 04-1:2015/BXD) về nhà ở và công trình công cộng cũng quy định nhà chung cư, phần nhà chung cư nằm trong tòa nhà có nhiều chức năng, nhà ở tập thể từ 6 tầng trở lên phải có tối thiểu 1 thang máy; từ 9 tầng trở lên phải có tối thiểu 2 thang máy. Đặc biệt, cần bố trí tối thiểu 1 thang máy cho 200 người sống trong tòa nhà không kể số người ở tầng 1 (tầng trệt). Sức nâng của một thang máy phải không nhỏ hơn 400 kg. Trong trường hợp nhà có một thang máy, sức nâng tối thiểu của thang máy không nhỏ 630 kg.

Thang máy phải đảm bảo an toàn theo QCVN 02:2011/BLĐTBXH và được kiểm định an toàn trong trường hợp: Sau khi lắp đặt, trước khi đưa vào sử dụng; Sau khi tiến hành sửa chữa lớn; Sau khi xảy ra tai nạn, sự cố nghiêm trọng và đã khắc phục xong; Hết hạn kiểm định hoặc theo yêu cầu của cơ quan thanh tra nhà nước về lao động.

Phong Lâm

Thang máy tòa Trung Rice City Linh Đàm gặp sự cố, cư dân hoang mang(VietQ.vn) - Sự cố kẹt thang máy vừa diễn ra tại tòa Trung - Rice City Linh Đàm - dự án nhà ở xã hội do Công ty CP BIC Việt Nam đầu tư khiến cư dân sinh sống tại đây không khỏi hoang mang, nơm nớp lo sợ.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang