Trước ngày xét xử vụ Cát Tường: Còn nhiều vấn đề chưa minh bạch

author 06:21 13/04/2014

(VietQ.vn) - Trước phiên xét xử vụ án bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường (thẩm mỹ viện Cát Tường) vứt xác nạn nhân xuống sông Hồng, nhiều ý kiến dư luận vẫn chưa hoàn toàn thống nhất với nhau về các quan điểm pháp lý liên quan đến vụ án.

Sự kiện:

Những quan điểm trái chiều đó xuất phát từ nguyên nhân nào, giữa thực tiễn điều tra, xét xử với lý luận khoa học pháp lý có điều gì còn vênh nhau trong vụ án này? Xung quanh vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Cao, Đoàn luật sư Đà Nẵng về nhiều vấn đề đang còn để ngỏ của vụ án dưới góc độ pháp lý.

Luật sư Lê Cao, Công ty Luật hợp danh FDVN (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng)

Đến nay vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến việc truy tố đối với Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh, cá nhân ông đánh giá việc này như thế nào?

Trong vụ án này, ngay từ khi khởi tố vụ án, nhiều ý kiến, quan điểm đã được đưa ra liên quan đến việc định tội danh đối với các bị can. Về thông tin, nội dung hồ sơ vụ án, có thể khẳng định rằng câu chuyện mà chúng ta đang nghe được, đọc thấy phần nhiều đến từ lời khai của bị can, người làm chứng. Việc chị Lê Thị Thanh Huyền đã chết và “bị ném xuống sông Hồng” do chưa tìm thấy thi thể nên chưa thế có được kết luận cuối cùng mang tính khoa học để có thể dễ dàng kết lại vụ án.

Thế nhưng, nhiều người băn khoăn cáo trạng chưa làm rõ được nguyên nhân chết, thời điểm chết và vai trò, vị trí của BS Tường, bảo vệ Khánh trong vụ án, liệu đó có phải là những điểm cho thấy vụ án được đưa ra xét xử hơi vội vàng?

Với những gì đã xảy ra trong vụ án, người nhà nạn nhân với nỗi đau vô hạn của của họ tất yếu sẽ đòi hỏi phải sớm làm rõ vụ án để truy tố các những người đã gây ra vụ án chấn động này. Thế nhưng, đến cả lúc vụ án được ấn định ngày xêt xử, có những vấn đề còn vướng không dễ để Hội đồng xét xử phán xử. Bởi nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là việc chưa tìm thấy xác của chị Huyền, người đã được cho là đã chết và bị ném xuống sông.

Khi chưa tìm thấy xác nạn nhân, thì về mặt thực tiễn cũng như lý luận pháp lý, khó có thể dựa vào chỉ các lời khai để khẳng định một điều gì nếu các chứng cứ khác không đủ thuyết phục. Bởi người nhà nạn nhân có quyền nghi hoặc, rằng hậu quả của cái chết chị Huyền là do hành vi “vi phạm quy định về khám, chữa bệnh” của BS Tường gây ra, hay việc chị Huyền chết là do thủ phạm muốn che dấu hành vi làm trái quy định về khám, chữa bệnh nên đã giết người? Không tìm thấy xác nạn nhân nên không thể biết thời điểm chị Huyền chết, và hàng loạt vấn đề nảy sinh sẽ khó có thể kết luận chỉ dựa trên suy đoàn chủ quan, thiếu cơ sở khoa học.

Vậy cá nhân ông đánh giá như thế nào đối với các tội danh được truy tố?

Tôi băn khoăn, như nhiều người khác cũng băn khoăn ở việc chưa xác định rõ được rõ chị Huyền chết. Về mặt pháp lý, dù muốn dù không cho đến thời điểm này, chúng ta chỉ dựa trên các lời khai và suy luận chủ quan để thống nhất nghĩ rằng chị Huyền đã chết, còn ở phương diện pháp lý, chưa có kết luận (điều tra, pháp y, tuyên bố của tòa án …) nào khẳng định một cách đích xác chị Huyền đã chết. Pháp luật cũng đã đặt ra việc xác định một cá nhân chết phải dựa trên các cơ sở như là chứng tử, kết luận giám định pháp y, tuyên bố của Tòa án … Nếu không, khi chưa tìm thấy xác nạn nhân, chưa có các quyết định, cơ sở xác nhận hợp pháp nào về cái chết của chị Huyền thì sẽ rất khó để định tội danh đối với BS Tường, bảo vệ Khánh.  


Việc xác định về mặt khoa học, có cơ sở về cái chết của nạn nhân, nguyên nhân, thời điểm nạn nhân chết sẽ là cơ sở để có thể định tội danh chính xác. Nếu hiện nay vẫn mù mờ chưa rõ chị Huyền chết tại thời điểm sau khi phẩu thuật hay là sau khi bị ném xuống sông Hồng, chị Huyền chết do hành vi phẫu thuật, hay là do hành vi cố ý nằm ngoài phạm vi nghiệp vụ y tế thì tính chất vụ án hoàn toàn được đẩy sang một hướng khác.

Như vậy ông cho rằng cần phải chắc chắn có sự xác nhận về cái chết của chị Huyền thì mới có thể xét xử?

Đối với các vụ án có hậu quả chết người, không phải lúc nào cũng đều có thể tìm thấy thi thế của nạn nhân, cũng không hẳn khi nào cũng có thể xác nhận được thời điểm chết của nạn nhân, bởi nếu rõ được như vậy thì rất đơn giản. Tuy nhiên, trong vụ án này chẳng hạn, nếu chỉ dựa trên lời khai về diễn biến các sự việc mà không kết nối một cách logic các chứng cứ thì khó có thể thuyết phục. Do đó, mong rằng bằng nghiệp vụ điều tra, bằng sự sàng lọc các nguồn chứng cứ có được, việc định tội và truy tố phải dựa vào không chỉ lời khai mà còn trên các vật chứng, kết luận giám định, tài liệu, đồ vật ... một cách toàn diện để đảm bảo công lý được thực thi. Hiện nay nhiều người đặt ra những nghi ngại cáo trạng truy tố chưa làm rõ diễn biến của vụ việc, chưa khẳng định được đích xác và có cơ sở khoa học các vấn đề như: chị Huyền chết hay chưa, thời điểm chị Huyền chết, có hay không việc chị Huyền bị tiêu hủy thi thể ... Như vậy, người ta có thể suy luận ngược lại rằng chưa xác định được hiện trạng của nạn nhân thì làm sao xét được hậu quả, chưa xác định rõ người chết thì làm sao có thi thể, mồ mả để mà xâm phạm rồi bị truy tố tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt theo Điều 246 Bộ luật hình sự?

Có ý kiến cho rằng phải chờ đến khi tìm thấy xác chị Huyền hoặc khi Tòa án tuyên chị Huyền đã chết thì mới đủ cơ sở để giải quyết vụ án này, ý kiến của ông như thế nào?

Tôi không cho rằng phải chờ đến khi tìm thấy xác nạn nhân mới có thể buộc tội đối với hành vi của BS Tường, bảo vệ Khánh trong vụ án này. Bởi lẽ, ngoài thi thể của nạn nhân thì chứng cứ của một vụ án còn được dựa trên nhiều nguồn như đã đề cập ở trên. Nhiều người viện dẫn Điều 81 Bộ luật dân sự để bàn về việc tuyên bố một người là đã chết, nhưng nếu như thế thì khi Tòa án tuyên bố một người đã chết xong cũng không thể lấy sự kiện chết được tuyên bố này làm kết quả cho việc xác định hậu quả của một vụ án hình sự. Bởi việc tuyên bố một người là đã chết theo pháp luật dân sự có giá trị, ý nghĩa nhằm xác định các quyền, nghĩa vụ liên quan đến quan hệ nhân thân, quan hệ tài sản của một cá nhân trong một số trường hợp nhất định. Tòa án có thể tuyên bố một người là đã chết, cũng có thể hủy bỏ quyết định tuyên bố đó theo luật dân sự.

Do đó, bất luận thế nào thì hậu quả nạn nhân chết trong một vụ án hình sự cũng phải được làm rõ thông qua hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Về nguyên tắc việc chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có quyền lực Nhà nước được giao, khi chưa làm rõ, chưa chứng minh được một cá nhân có phạm tội và chưa có quyết định, bản án có hiệu lực của Tòa án tuyên người đó có tội thì tất nhiên người đó không có tội.

 Trong vụ việc này chẳng hạn, nhiều người cho rằng cần truy tố BS Tường tội giết người, nhưng cơ quan điều tra đã không có cơ sở chứng cứ nào để kết luận BS Tường phạm tội này, do đó không khởi tố BS Tường với tội danh đó. Do đó, việc nhìn nhận một người có tội hay không, có tội gì phải dựa trên các chứng cứ chứng minh. Nghĩa vụ của cơ quan điều tra phải làm rõ được thời điểm nạn nhân chết, xác định mục đích, động cơ của BS Tường, xác định được nạn nhân bị ném xuống sông mới chết, hoặc nạn nhân bị cố ý làm cho chết để che dấu việc phẫu thuật trái luật chẳng hạn, thì khi đó việc lại có thể phải truy tố BS Tường với tội danh khác, chẳng hạn như giết người bằng cách lợi dụng nghề nghiệp, giết người để thực hiện hoặc che dấu tội phạm khác ... (Điều 93 Bộ luật hình sự).

Ông đánh giá như thế nào về phản ứng của dư luận trước những vụ án được quan tâm trong thời gian qua, có phải dư luận đòi hỏi cao hơn những phán quyết công minh của pháp luật mà Tòa án lại chưa làm được?

Nói Tòa chưa làm được thì cũng đúng nhưng cũng thương cho Tòa án. Ở ta, nhiều trường hợp lỡ khởi tố tội nào rồi thì cứ đi tìm chứng cứ hướng theo kiểu để truy tố, xét xử cho bằng được tội đã khởi tố. Ít khi đình chỉ điều tra nếu không có tội, ngược lại nếu không vì những áp lực bên ngoài thì cũng hiếm khi chúng ta chứng kiến được việc điều tra đến cùng sự việc để làm rõ bản chất sự việc, xét xử được đúng người đúng tội. Do đó mới nãy sinh những việc oan như trên trời, cũng có việc rõ ràng nhìn vào bản án thấy ngay nguyên nhân vì sao pháp luật bị xem nhẹ. Như tâm sự của ông Lương Quang, Chánh án Tòa án TP Tuy Hòa, rõ ràng Tòa án đang phải cầm cân pháp quyền dưới và giữa nhiều áp lực. Tòa án chưa được độc lập xét xử, chưa thể tự tin phán quyết, thì chắc chắn sẽ thiếu những bản án công minh mà thừa những phản ứng bất bình từ dư luận xã hội. 

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

 

Mai Tuân

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang