Trước 'quốc nạn' thực phẩm bẩn, Bộ trưởng và đại gia ăn gì?

author 05:48 15/04/2016

(VietQ.vn) - Bộ trưởng “lạnh xương sống” với vấn nạn thực phẩm bẩn, các đại gia săn lùng sản vật đặc sản quê, còn người tiêu dùng chỉ còn cách tự bảo vệ mình.

Mỗi năm, Việt Nam có hơn 2.200 người chết vì HIV, còn ung thư là 75.000 người chết, trong số 150.000 người mắc mới. Riêng ung thư gan đã giết chết gần như 100% người bệnh.

Đã từ lâu, các bà nội trợ luôn phải loay hoay “không biết ăn gì hôm nay” khi cứ sau mỗi bài báo, họ lại phải âm thầm loại bỏ một vài món ra khỏi thực đơn. Hầu như mỗi ngày họ đều đọc được những bài viết cảnh báo về ung thư khiến con người ta phải rùng mình sợ hãi. 

Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng chắc chắn một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến hiện trạng này, là vấn đề nhiễm độc thực phẩm.

Theo số liệu mới đây của Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế): Chỉ trong quý I năm 2016, toàn quốc ghi nhận 25 vụ ngộ độc thực phẩm với 969 người mắc, 669 người đi viện và 02 trường hợp tử vong. Ông Trần Duy Khanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam đã phải thốt lên rằng: Việt Nam đang trở thành bãi rác, rác thải thực phẩm từ thế giới. Ví dụ như gà thải, trứng thải dùng chất kích thích, tăng trưởng – những chất đáng ra chỉ dành cho chăn nuôi như súc vật, nhưng các hộ sản xuất lại “tận dụng” làm thức ăn cho người tiêu dùng Việt. Chưa bao giờ mua phụ gia thực phẩm độc hại lại dễ dàng đến thế! 

Cựu Bộ trưởng thương mại Trương Đình Tuyển từng bộc bạch: Gia đình ông cũng cắp rổ đi chợ mua thực phẩm như tất cả người dân bình thường khác nhưng ông phải thú nhận rằng: Rất khó biết thực phẩm nào là sạch, là bẩn. 

Ông Trần Duy Khanh: “Việt Nam đang trở thành “bãi rác” thực phẩm từ thế giới”.

Còn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ hồi tháng 3/2016 cũng phải thừa nhận một thực tế là: Khi ông ra chợ, ông cũng không phân biết được đâu là thực phẩm an toàn. Tình trạng người sản xuất trồng 1 luống rau sạch để gia đình mình ăn còn 1 luống rau để bán thì lại sử dụng chất cấm đã xảy ra rất nhiều năm mà chưa được ngăn chặn.

Còn nhớ ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đã từng kể: “Bản thân tôi, trong 1 lần vô tình trò chuyện với 1 cháu học sinh, cháu có hỏi tôi: “Nhà bác có hay ăn giá đỗ không?”, cháu có khuyên tôi: “bác ăn giá đỗ gày, đừng ăn giá đỗ mập, bóng, vì làng cháu làm giá đỗ cháu biết loại giá đỗ mập người ta dùng hóa chất rất độc. Câu chuyện cách đây hàng chục năm, tôi đã kịp thời cảnh báo rất nhiều lần, tuy nhiên, đến nay, tình trạng này vẫn tái diễn”.

Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát ngay sau phát ngôn “lỡ lời” gây sốc cho rằng “Đa số thực phẩm của chúng ta an toàn nhưng nhân dân không biết”, ông đã phải xin lỗi nhân dân. Ông tâm sự: Gia đình ông cũng “ăn cơm bệnh viện, ăn uống, đi chợ như một người dân bình thường” và cũng có người bị ung thư nên ông “rất thấm thía nỗi lo của người dân, chia sẻ nỗi đau người thân bị ung thư”.

Không chỉ các vị Bộ trưởng, các quan chức lo lắng về nguy cơ của thực phẩm không an toàn, các vị đại gia – những người có tiền từ lâu đã bày tỏ sự sợ hãi đối với “quốc nạn” này bằng cách “nói không với thực phẩm bẩn”. 

Ông chủ của thương hiệu Bảo Tin Minh Châu thường xuyên “săn lùng” sản vật tại các chợ quê, phiêu diêu điền dã, chăm sóc cái ăn, cái mặc cho tất cả những ai được ông coi là bạn, là đồng sự. Nghe đâu có thực phẩm ngon, bổ, sạch thì dù lên rừng hay xuống biển, ông cũng đến tận nơi mua về chất hàng chục tủ đông lạnh ăn dần...

Mỗi tháng một lần, ông chủ Bảo Tín Minh Châu lại tổ chức một chuyến đi “chợ sinh thái” với số lượng bạn bè “không hạn chế”. Ông thuộc nằm lòng các sản vật địa phương theo mùa và đã “hoạch định” từ trước sẽ mua số lượng bao nhiêu và dùng các sản vật này để nấu thành món ăn gì. Những xe hàng, trên đó chất đầy rau rừng, quả rừng, khoai môn, củ mài, trứng gà quê, thịt lợn sạch, gạo nương... được mua về phục vụ cho tất cả cán bộ, công nhân viên của công ty.

Ông chủ Bảo Tín Minh Châu tự "săn" rau sạch cho mình. Ảnh: Giadinhvietnam.

Còn đối với đại gia Bầu Đức, thực phẩm dùng hàng ngày của Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức, ngoài những thứ tự cung tự cấp, đầu bếp của ông chỉ dùng những gì biết tường tận nguồn gốc.

Nhưng đó là “quyền” lựa chọn của những người có tiền, còn hàng triệu người dân bình thường khi không đủ điều kiện để mua những thực phẩm ngon, bổ, sạch, họ sẽ lựa chọn thế nào bởi túi tiền của họ không đủ để chi trả cho thực phẩm sạch, vì một lẽ giản đơn: Những thực phẩm được sản xuất theo quy trình khép kín, công phu, được kiểm định chất lượng gắt gao, giá cả lại không hề rẻ, thậm chí rất đắt?

Theo các chuyên gia, nếu người dùng biết tự bảo vệ mình thông qua ăn uống, sinh hoạt đúng, chế độ dinh dưỡng phù hợp, họ có thể phòng ngừa 30 – 35% nguy cơ gây ung thư.

Để một phần nào đó giúp người tiêu dùng tự bảo vệ mình trước “quốc nạn” thực phẩm bẩn, bác sĩ Trần Thị Anh Tường - Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM khi chia sẻ với báo chí đã đưa ra lời khuyên rằng: Đối với rau, quả và trái cây, để hạn chế dư lượng thuốc trừ sâu và thuốc bảo quản khi chế biến cần lưu ý: Thứ nhất, rửa sạch dưới vòi nước ba lần. Thứ hai, đối với rau củ có vỏ dày có thể dùng bàn chải để chà dưới vòi nước. Đối với những rau củ phải ăn cả vỏ như dâu tây có thể ngâm trong nước muối loãng hoặc dấm loãng hoặc nước ấm 40 độ C trong 15 phút.

Các bác sỹ dinh dưỡng lâm sàng của bệnh viện Bạch Mai cũng khuyên: Về vấn đề an toàn thực phẩm, không nên ăn những thực phẩm bị nấm mốc, những củ quả lên mầm như khoai tây bị lên mầm.Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều những sản phẩm rau củ có chứa quá nhiều dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, cho nên người tiêu dùng nên mua ở những nơi có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nếu có điều kiện, tốt nhất nên tự cung tự cấp, hoặc tìm những nguồn cung cấp an toàn. Khi ăn những thực phẩm có chứa quá nhiều dư lượng thuốc trừ sâu thì tai biến đầu tiên là sẽ gây ngộ độc thực phẩm, về lâu dài sẽ gây ra các bệnh ung thư về đường tiêu hóa như ung thư trực tràng, dạ dày, ung thư tụy.

Những sản phẩm thịt gia súc, gia cầm nói chung bây giờ không được nuôi theo cách truyền thống mà dùng những thực phẩm tăng trọng chứa sanbutamol hoặc corticoid, những thuốc tăng trọng không rõ nguồn gốc để tăng lợi nhuận, giảm thời gian nuôi. Khi mua, khách hàng cố gắng mua những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng như siêu thị, có kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến cáo: Những thực phẩm có phẩm màu như chất tạo màu trong kẹo, bánh, thực phẩm ăn nhanh, thịt quay, trà chanh, trà sữa chân trâu cũng rất nguy hại cho sức khỏe. Nên tránh những thực phẩm ăn nhanh, đồ chiên rán vì dầu mỡ chiên rán nhiều lần đã bị oxy hóa cũng là một trong nguyên nhân gây ung thư rất lớn.

Vì thế, tránh xa đồ chiên rán, tăng cường ăn đồ hấp, luộc là cách chúng ta bảo vệ sức khỏe trước căn bệnh ung thư.Ngoài ra, chúng ta nên kiểm tra sức khỏe định kì 6 tháng 1 lần để tầm soát những bệnh có thể phát hiện sớm như ung thư vú, ung thư cổ tử cung ở phụ nữ.

Để giải quyết tận gốc vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, các chuyên gia cho rằng: Cần sự chung tay của nhiều cơ quan, ban nghành như nông lâm nghiệp, y tế, quản lý thị trường. Đặc biệt, luật pháp phải thật nghiêm để đủ sức răn đe, diệt tận gốc nguyên căn của “quốc nạn” thực phẩm bẩn, kiểm tra, giám sát nghiêm nơi sản xuất, chế biến, nhập khẩu, lưu thông trong suốt quá trình thực phẩm từ “trang trại đến bàn ăn”.

>> Sẽ 'phí nửa cuộc đời' nếu không đến nơi này vào dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Dương Phương Ngọc


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang