Trưởng ban Pháp chế VCCI: Cần khắc phục tình trạng chồng chéo giữa các luật

author 16:21 15/10/2019

(VietQ.vn) - “Tôi tin rằng, riêng Luật Đầu tư lần này nếu khắc phục được tình trạng chồng chéo sẽ tạo ra động lực phát triển mạnh mẽ trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam thời gian tới”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI khẳng định.

Trao đổi tại Hội thảo "Góp ý Dự luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)", ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị VCCI rà soát, đánh giá thực trạng chồng chéo luật và nghị định Việt Nam hiện nay. VCCI nhận thấy rằng, có rất nhiều xung đột pháp luật, đặc biệt nếu đi đến các địa phương sẽ gặp rất nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư đất đai, xây dựng bất động sản gặp những vấn đề rất phức tạp.

Có 20 ví dụ điển hình về xung đột về các bộ luật, thông tư như: Luật Nhà ở tại Điều 171.2: yêu cầu thêm các loại tài liệu ngoài các tài liệu quy định tại Luật Đầu tư trong hồ sơ để thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư. Nhưng Luật Đầu tư tại Điều 33: Quy định các tài liệu trong hồ sơ dự án đầu tư để thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và không có quy định về việc các văn bản pháp luật khác được quyền yêu cầu thêm tài liệu trong hồ sơ này… “Ngoài 20 ví dụ điển hình, tôi tin rằng có thể tìm được rất nhiều trường hợp chồng chéo khác”, ông Đậu Anh Tuấn nói.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI. 

Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, việc chồng chéo luật sẽ dẫn đến nhiều hệ quả, khiến doanh nghiệp và nhà đầu tư phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính trùng lặp; đi lại mất thời gian, nộp nhiều hồ sơ; chi phí giao dịch tốn kém; tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra; đình trệ hoạt động; rủi ro nguy cơ vi phạm pháp luật…

Theo ông Tuấn, giải pháp cần làm hiện nay là rà soát, đánh giá toàn diện vấn đề. Phối hợp và thống nhất làm việc giữa ban soạn thảo các luật: Đầu tư, Đất đai, Xây dựng, Bảo vệ Môi trường, PPP... Dùng một luật sửa nhiều luật. Đồng thời, cần có thiết chế, cơ quan độc lập giúp Chính phủ rà soát, gác cổng. Soạn luật cần chuyên nghiệp và độc lập, tách xây dựng pháp luật ra khỏi cơ quan cấp phép. “Tôi tin rằng, riêng Luật Đầu tư lần này nếu khắc phục được tình trạng chồng chéo sẽ tạo ra động lực phát triển mạnh mẽ trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam thời gian tới”, ông Tuấn khẳng định.

Cũng chia sẻ về vấn đề trên, ông Quách Ngọc Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, thực tiễn hơn 4 năm thi hành Luật Đầu tư, bên cạnh những kết quả đạt được cũng đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa một số quy định do còn một số nội dung chưa được quy định thống nhất, đồng bộ giữa các luật, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản, môi trường, cùng với đó đã xuất hiện một số hiện tượng tiêu cực và vấn đề mới phát sinh.

Do vậy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế nhấn mạnh, Luật Đầu tư cần được tiếp tục sửa đổi để nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động đăng ký đầu tư; cắt giảm chi phí và thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Ngoài ra, việc sửa đổi Luật Đầu tư sẽ giúp hoàn thiện các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh, đồng thời cắt giảm một số ngành, nghề không cần thiết, bất hợp lý nhằm tiếp tục bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện.

Xung đột pháp lý trong đầu tư bất động sản: Chồng chéo giữa các luật(VietQ.vn) - Những chồng chéo, xung đột về pháp luật này không chỉ tác động đến các nhà đầu tư, tới thị trường mà còn tác động đến người dân khi giá nhà tăng...

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang