Trưởng bộ phận Công ty chứng khoán tiếp tay sếp lừa đảo

author 07:59 24/03/2013

(VietQ.vn) - Tiếp tay cho 2 “sếp” lớn của Công ty chứng khoán SME lừa đảo, chiếm đoạt của đối tác cả trăm tỉ đồng, Nguyễn Huy Sơn và Nguyễn Phương Lan, là 2 trưởng bộ phận của công ty SME, đã bị bắt để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, khám xét nơi ở và thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Huy Sơn (trú tại khu Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội), nguyên Trưởng bộ phận dịch vụ tài chính Công ty cổ phần chứng khoán SME (Công ty SME), và Nguyễn Phương Lan (trú tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) nguyên Trưởng bộ phận lưu ký chứng khoán Công ty SME về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

 Trước đó, hồi tháng 8-2012, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, khám xét nơi ở và bắt tạm giam đối với Phan Huy Chí, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng Giám đốc Công ty SME và Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty SME cùng với tội danh trên.
 
Theo tài liệu tố tụng, bằng thủ đoạn gian dối, đưa mã chứng khoán khống vào hợp đồng hợp tác đầu tư chứng khoán niêm yết, Chí và Tuấn đã tạo dựng được lòng tin, để Công ty Công ty cổ phần bảo hiểm dầu khí Việt Nam (Công ty PVI) chuyển gần 108 tỉ đồng cho Công ty SME. Khi tiền đã nằm trong tài khoản, Chí rút hơn 42,4 tỉ đồng; Tuấn rút gần 37 tỉ đồng sử dụng vào mục đích cá nhân.
 
Quá trình điều tra mở rộng đã xác định vai trò đồng phạm, giúp sức cho Tuấn và Chí thực hiện hành vi lừa đảo của 2 bị can Sơn và Lan.
 
Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
 
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
 
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
 
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
 
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
 
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

P.V

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang