Trường hợp nào bắt buộc phải ghi nhãn cho hàng hóa?

author 18:25 17/08/2012

(VietQ.vn) - Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đầy đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.

Ảnh minh họa

Hỏi: Gia đình tôi đang chuẩn bị thành lập công ty sản xuất và kinh doanh xuất nhập khẩu. Do đó, tôi muốn biết việc ghi nhãn hàng hóa được pháp luật quy định như thế nào, trường hợp nào bắt buộc phải ghi nhãn hàng hóa, ngôn ngữ ghi nhãn hàng hóa có nhất thiết phải bằng tiếng Việt hay không?

Trinh Khải Ninh (Kiến An, Hải Phòng)

Đáp: Theo quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính phủ về nhãn hàng hóa, hàng hóa lưu thông trong nước, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải ghi nhãn theo đúng quy định, trừ các trường hợp không bắt buộc phải ghi nhãn như: hàng hóa là thực phẩm tươi, sống, thực phẩm chế biến không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng, hàng hóa là nhiên liệu, nguyên liệu (nông sản, thủy sản, khoáng sản), vật liệu xây dựng (gạch, ngói, vôi, cát, đá, sỏi, xi măng, đất màu, vữa, hỗn hợp bê tông thương phẩm), phế liệu (trong sản xuất, kinh doanh) không có bao bì và bán trực tiếp theo thỏa thuận với người tiêu dùng.

Nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau: tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa. Ngoài các nội dung này, tùy theo tính chất của mỗi loại hàng hóa, phải thể hiện trên nhãn hàng hóa các nội dung bắt buộc quy định tại điều 12 của Nghị định số 89/2006/NĐ-CP và quy định tại các văn bản luật, pháp lệnh chuyên ngành có liên quan.

Những nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa phải được ghi bằng tiếng Việt, trừ các nội dung sau được phép ghi bằng các ngôn ngữ khác có gốc chữ cái La tinh: tên quốc tế hoặc tên khoa học của thuốc dùng cho người trong trường hợp không có tên tiếng Việt; tên quốc tế hoặc tên khoa học kèm công thức hóa học, công thức cấu tạo của hóa chất; tên quốc tế hoặc tên khoa học kèm công thức hóa học, công thức cấu tạo của hóa chất; tên quốc tế hoặc tên khoa học của các thành phần, thành phần định lượng của hàng hóa trong trường hợp không dịch được ra tiếng Việt hoặc dịch được ra tiếng Việt nhưng không có nghĩa, tên và địa chỉ doanh nghiệp nước ngoài sản xuất, nhượng quyền sản xuất hàng hóa.

Hàng hóa được sản xuất và lưu thông trong nước, ngoài việc ghi nhãn bằng ngôn ngữ bắt buộc nêu trên, nội dung thể hiện trên nhãn có thể được ghi bằng ngôn ngữ khác. Nội dung ghi bằng ngôn ngữ khác phải tương ứng nội dung tiếng Việt. Kích thước chữ được ghi bằng ngôn ngữ khác không được lớn hơn kích chữ của nội dung ghi bằng tiếng Việt.

Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đầy đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.

Chuyên mục có sự phối hợp với Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, số 70, Trần Hưng Đạo, Ba Đình, Hà Nội.
(Mọi thông tin về lĩnh vực Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng độc giả quan tâm, xin gửi câu hỏi về địa chỉ email: [email protected])

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang