Trưởng phòng CSGT TPHCM: Người dân được quyền quay phim CSGT

author 20:04 23/09/2017

(VietQ.vn) - Trung tá Huỳnh Trung Phong cho biết trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, người dân được phép quay phim, chụp ảnh hoạt động của CSGT, việc này là không cấm

Không cấm người dân quay phim

"Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, người dân được phép quay phim, chụp ảnh hoạt động của CSGT, việc này là không cấm". Đó là khẳng định của Trung tá Huỳnh Trung Phong - Trưởng Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67) Công an TP.HCM trong buổi chia sẻ với báo chí, ngày 22/9.

Tuy nhiên, theo ông Phong, trong quá trình hoạt động người dân cần có thể hiện: thứ nhất, không cản trở hoạt động nghiệp vụ của lực lượng chức năng. Ví dụ đang tiến hành kiểm tra giấy tờ để xử lý vi phạm mà cứ chĩa máy quay vào mặt để quay là không được.

Người dân phải chấp hành trước rồi hãy quay, giờ có nhiều trường hợp khi yêu cầu xuất trình giấy tờ thì không chấp hành cứ cầm máy quay chĩa vào mặt.

Thứ hai, khi cán bộ đang làm tổ kiểm tra rà soát mà không phải xử lý vi phạm thì dân được quyền giám sát, được quay.

"Sắp tới trong cuộc tập huấn quán triệt mới, trưởng phòng CSGT sẽ tiếp tục quán triệt thêm một lần nữa với các cán bộ là người dân giám sát hoạt động của CSGT là được phép, các chiến sĩ không được quyền ngăn cản, nếu việc đó không cản trở hoạt động giao thông.

Thế nhưng, khi tiến hành sử dụng các hình ảnh của CSGT thì người dân hay cơ quan báo chí cần có sự góp ý xây dựng, thể hiện tính văn hóa. Có thể đem hình ảnh cung cấp cho cơ quan chức năng để làm rõ, chứ không nên cắt dán đưa thông tin lên mạng để bôi nhọ lực lượng.

Dù gì đây cũng là lực lượng được công quyền thừa nhận, nếu làm như vậy sẽ không đảm bảo được tính văn hóa", ông Phong nhấn mạnh.

Trung tá Huỳnh Trung Phong - Trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TPHCM. Ảnh PLO

Có nhiều người "giám sát" CSGT

Liên quan đến thông tin có "người lạ" chặn xe đe dọa người quay phim CSGT làm nhiệm vụ ở khu vực cầu vượt trạm 2, trung tá Huỳnh Trung Phong cho biết khi tiếp nhận thông tin đã cử lực lượng xác minh.

Đến thời điểm hiện tại bốn cán bộ chiến sĩ của Đội CSGT Rạch Chiếc tường trình không quen biết với "người lạ", nếu chứng minh có liên quan thì cả bốn người sẽ chịu trách nhiệm. Phòng CSGT cũng đã phối hợp công an địa phương xác minh danh tính của "người lạ" là ông Nguyễn Văn Hào.

"Ông Hào tường trình hành nghề xe ôm, lúc đó xảy ra va chạm xe máy và người điều khiển xe máy va chạm với ông bỏ đi, ông đuổi theo gặp tổ công tác CSGT nên vào trình báo.

Sau đó ông Hào nhìn ra đường thấy một người dân đi xe máy quay clip nên lên xe máy đuổi theo yêu cầu dừng lại như trong clip. Nếu báo chí có chứng cứ gì khác, đề nghị cung cấp để chúng tôi có cơ sở xử lý" - ông Phong nói.

Theo ông Phong, trên thực tế khi CSGT làm nhiệm vụ thì có rất nhiều người lạ xung quanh, có người vì hiếu kỳ quan sát, cũng có những người giám sát với mục đích riêng.

Cụ thể, có những người mặc thường phục đi theo đội CSGT để cảnh giới thông tin cho những người tụ tập đua xe, xe quá tải tránh đường, thậm chí xe ôm thường xuyên bên cạnh để đón khách là những người bị tạm giữ xe...

"Không loại trừ trong quá trình tác nghiệp lâu dài, giữa xe ôm ở các giao lộ và tổ công tác có mối quan hệ, giúp đỡ lẫn nhau trong một số thông tin liên quan công việc. Tuy nhiên nếu quan hệ phức tạp, có sự can thiệp trong công việc thì chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý" - trung tá Phong nói.

Ông Phong khẳng định mọi người dân đều có quyền giám sát, ghi hình lực lượng CSGT làm nhiệm vụ với điều kiện việc ghi hình đó không gây cản trở hoạt động kiểm soát, xử lý vi phạm của CSGT.

Theo ông Phong, sắp tới Phòng CSGT sẽ triển khai ứng dụng thiết bị kỹ thuật hỗ trợ tuần tra kiểm soát và điều tiết giao thông, trong đó sẽ trang bị hệ thống camera giám sát.

Hệ thống camera này sẽ vừa giúp kiểm soát tình hình giao thông, ghi nhận các hành vi vi phạm của người tham gia giao thông, đồng thời giám sát hoạt động của lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trên đường.

PV (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang